05/08/2018 10:16 GMT+7

Chống ế cho trạm y tế

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI - HỒNG PHƯƠNG
HOÀNG LỘC - XUÂN MAI - HỒNG PHƯƠNG

TTO - Khi các bệnh viện lớn ở TP.HCM quá tải triền miên thì hầu hết trạm y tế phường lại ế ẩm. Việc các trạm y tế hoạt động không hiệu quả là sự lãng phí lớn nhiều năm qua của ngành y tế.

Chống ế cho trạm y tế - Ảnh 1.

Trạm y tế P.13 (Q.5, TP.HCM) bị kẹt giữa các hàng quán, phía ngoài được trưng dụng làm điểm bán giấy cuộn - Ảnh: HOÀNG LỘC

Nghịch lý này khiến nhiều phường vốn được đầu tư xây dựng để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nay được trưng dụng cho thuê làm điểm buôn bán tạp hóa, kinh doanh nhà thuốc hoặc mở phòng khám chuyên khoa!

Vắng người bệnh kéo theo giờ làm việc của trạm y tế rất thất thường, có trạm các nhân viên y tế chỉ đến để "ngồi chơi xơi nước".

Đìu hiu

Trạm y tế P.3 (Q.3) nằm trong con hẻm trên đường Bàn Cờ từ lâu được ví như một "bệnh viện thu nhỏ" bởi cơ ngơi khang trang được xây dựng trên một diện tích rộng lớn. Thế nhưng, trạm khá vắng người ghé.

Là người sống lâu năm tại đây, ông Nguyễn Văn Đình (60 tuổi) cho biết trạm y tế này mới xây được khoảng 6 tháng.

"Khang trang, mới mẻ thế nhưng rất ít người đến khám. Hằng ngày tôi thấy có 1-2 cô nhân viên y tế đến mở cửa rồi hết ngày đi về" - ông Đình nói.

Suốt một giờ (từ 14h50-15h50) ngày 17-7, ngồi quan sát phía ngoài trạm, chúng tôi không thấy bóng dáng người dân nào ghé vào tư vấn, thăm khám.

Ở Trạm y tế P.3 (Q.5) trên đường Lê Hồng Phong, sáng 17-7 tại bàn tiếp người bệnh, chúng tôi bắt gặp cảnh một nhân viên y tế đang được người khác nhổ tóc sâu.

Theo một nhân viên của trạm, tuy có chức năng thăm khám, sơ cứu ban đầu nhưng hầu như người dân ít ghé bởi bao quanh có rất nhiều bệnh viện, phòng khám lớn.

Cảnh đìu hiu này tương tự ở Trạm y tế P.7 (Q.5). Quy định giờ làm việc buổi chiều là 13h30 nhưng trạm này mở cửa trễ hơn 30 phút.

Một nhân viên trạm nói do không có bác sĩ túc trực thường xuyên, bao quanh có nhiều bệnh viện và phòng khám tư nhân nên người bệnh đến khám hơi... bất tiện.

Lý do mở cửa muộn, nhân viên này lý giải: "Ở những nơi khác bệnh nhân đông còn mở cửa sớm chứ ở đây mở sớm chẳng có ai".

Ngoài ra, Trạm y tế P.5 (Q.3) có để bảng ghi "điểm bán thẻ cào điện thoại", mặt tiền Trạm y tế P.2 cùng quận treo tấm bảng hiệu to tướng của hộ kinh doanh thuốc tây Ngọc Mai, trước Trạm y tế P.13 (Q.5) là điểm bán giấy cuộn...

Nếu không chú ý, người dân khó phát hiện đây là các .

Chống ế cho trạm y tế - Ảnh 2.

Sáng 17-7, tại bàn tiếp người bệnh Trạm y tế P.3 (Q.5, TP.HCM), nhân viên vô tư nhổ tóc sâu dù có khách vào hỏi thăm - Ảnh: HOÀNG LỘC

Không tiếp người bệnh

Việc các trạm y tế phường đìu hiu chưa hẳn xuất phát từ nguyên nhân người bệnh không đến khám. Thực tế khảo sát cho thấy khi có người khám, một số trạm y tế đưa ra nhiều lý do để "đẩy" người dân lên tuyến trên điều trị.

Cách Trạm y tế P.3 (Q.5) chưa đầy 500m là trụ sở Trạm y tế P.4 (Q.5). Trạm này được bố trí nằm trong khuôn viên của UBND phường, diện tích khá rộng.

11h15 ngày 17-7, một người dân tìm đến trạm vừa lúc hai nhân viên y tế rời trạm. Cửa trạm vẫn mở nhưng trong tất cả các phòng đều không có nhân viên túc trực.

Khi người này kêu lớn xin được tư vấn dịch vụ khám chữa bệnh, từ bên trong một người đàn ông lớn tuổi xưng là bảo vệ trạm nhìn đồng hồ nói: "Về đi, chiều 14h quay lại".

Người dân này bức xúc vì đang trong giờ hành chính sao lại không có nhân viên y tế, ông bảo vệ xua tay nói: "Nhưng mà ở đây nghỉ sớm, hiểu chưa".

Tình hình ở Trạm y tế P.1 (Q.3) cũng chẳng khả quan hơn khi chúng tôi ghé bắt gặp ngay một phụ nữ ngồi... gói quà. Người này cho biết bác sĩ đang bận đi họp và yêu cầu chúng tôi quay lại khám vào ngày mai hoặc có thể đến phòng khám tư nhân đầu đường Nguyễn Thiện Thuật.

Còn tại Trạm y tế P.Phạm Ngũ Lão (Q.1), nhân viên y tế từ chối tư vấn về sốt xuất huyết khi chúng tôi nói nhu cầu. Lý do: "Bác sĩ đi họp, cần tư vấn thì hôm khác trao đổi trực tiếp với bác sĩ!".

Đầu giờ chiều 17-7, ông T. vào Trạm y tế P.13 (Q.5) nhờ được tư vấn về dị ứng da cho người nhà liền được một nhân viên nữ "tận tình" hướng dẫn: "Anh nhanh chóng cho người nhà lên bệnh viện khám đi để biết bệnh gì".

Khi ông T. khăng khăng nói đưa người thân lên trạm kiểm tra được không, nhân viên này thoái thác: "Đưa lên bệnh viện chắc ăn hơn vì hôm nay đến ngày mai bác sĩ đi họp rồi".

Một số trạm y tế dù có thăm khám nhưng lại trục trặc kỹ thuật. Cụ thể, tại Trạm y tế P.6 (Q.3), khi người dân yêu cầu đo điện tim thì không có thiết bị đo điện tim buộc nhân viên y tế phải tìm cách "chữa cháy" đo huyết áp, nhịp tim bằng cách... bắt mạch cổ tay.

Trạm y tế P.5 (Q.3) dù được trang bị máy đo điện tim nhưng lại không xuất được kết quả chuẩn xác, nhân viên y tế nói người bệnh "nên đến bệnh viện"!

Không có đủ thuốc

Thông tư 33 của Bộ Y tế quy định chức năng của trạm y tế xã, phường, thị trấn cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn.

Ở Q.1 hiện chỉ khoảng ba trạm y tế người dân được sử dụng BHYT trong thăm khám, còn lại người dân phải tự túc. Thế nhưng trong quy định danh mục thuốc được bán của trạm y tế phường rất eo hẹp, chỉ cho vài chục loại thuốc.

"Người dân vừa mất công khám lại không có đủ thuốc, họ phải ra ngoài mua nên rất phiền hà" - trưởng trạm y tế một phường ở Q.1 nói.

Hai trạm y tế cách nhau hơn 200m!

Cự ly giữa các trạm y tế, nhất là các trạm ở khu vực quận trung tâm, được xây dựng khá gần nhau gây nên sự lãng phí lớn. Chẳng hạn ở Q.3 khoảng cách giữa trạm y tế P.1 và P.2 khoảng 500m, giữa P.9 và P.10 cách nhau 1,1km.

Ở quận này có trạm y tế P.12 và P.13 cùng nằm trên đường Lê Văn Sỹ, khoảng cách chỉ gần 300m. Còn tại Q.5, trên đường Bùi Hữu Nghĩa có hai trạm y tế gồm P.5 và P.7 với khoảng cách chỉ 210m, khoảng cách giữa trạm P.3 và P.4 là 500m...

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI - HỒNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên