Cần có chính sách thúc đẩy nguồn cung và giảm đầu cơ để giá đất không bị thổi quá cao - Ảnh: Q.ĐỊNH
Giá đất tăng khắp nơi, không nên thành tình trạng "bình thường mới".
Bỏ việc đi buôn đất
Một doanh nhân người Việt tại Bắc Kinh vừa thông báo quyết định gác lại mọi việc để về Hà Nội, đi săn đất ven sông Hồng trước tình trạng sốt đất. Tình hình "nóng" đến nỗi anh này còn sợ 14 ngày cách ly ra không kịp mua giá tốt.
Một doanh nhân chuyên kinh doanh bao bì ở TP.HCM hơn tháng nay cũng dành nhiều thời gian săn đất Củ Chi - để vừa mở rộng xưởng tương lai cũng như tranh thủ lướt sóng nếu giá cao. Anh nói rằng giá đất tăng gấp đôi dễ hơn nhiều so với lợi nhuận 5 - 7% khi sản xuất, vất vả khai phá thị trường và bán hàng.
Đất lúa ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) tăng nóng, người đi mua cũng thấy quá vô lý khi giữa cánh đồng không thể xây nhà nhưng giá đất vẫn nóng.
Giá nhà đất tăng, giấc mơ có căn nhà để ở của hàng triệu bạn trẻ cứ ngày càng xa, doanh nghiệp thì tăng chi phí mặt bằng và giảm sức cạnh tranh, Nhà nước thu được thuế đất, nhưng mất nguồn thu lớn hơn (dù vô hình) từ khả năng phát triển của doanh nghiệp.
Không thiếu giải pháp
Có rất nhiều bài học, giải pháp mạnh hạn chế đầu cơ tăng giá đất trên thế giới. Nhưng cách làm ở Trung Quốc rất đáng tham khảo, vì họ có điều kiện cũng như tâm lý khá tương đồng Việt Nam.
Còn nhớ giữa năm 2017, khi công bố quy hoạch đặc khu kinh tế Hùng An, ngoại ô Bắc Kinh, quy mô gần 2.000km2, gần gấp 3 lần TP New York (Mỹ), giới đầu cơ khắp nơi ùn ùn đổ về, giá các căn hộ xung quanh tăng gấp đôi chỉ trong... 1 ngày.
TP Bắc Kinh, tỉnh Hà Bắc ra chỉ thị cấm mua bán ở khu quy hoạch và xử lý nghiêm những trường hợp lách luật. Cơn sốt xẹp xuống ngay tức khắc. Các quyết định cứng rắn như thế đã được các ngành chức năng áp dụng nghiêm ngặt với các dự án quy hoạch sân bay, khu công nghiệp, đô thị...
Có ba việc lớn nặng như núi đối với 1 người đàn ông Trung Quốc khi muốn cưới vợ: nhà, xe, tiền thách cưới. Cộng thêm tâm lý người đẻ đất không đẻ, bất động sản đất nước tỉ dân này vì thế luôn nóng.
Trước thực trạng giá nhà đất cứ tăng, chính sách giới hạn số lượng mua, tăng thuế được ban hành. Như TP Thượng Hải, mỗi gia đình được phép mua 2 căn hộ. Khi có hiện tượng ly hôn giả để mua thêm căn hộ, Thượng Hải quy định luôn: sau 3 năm ly hôn mới được mua thêm căn hộ, nhưng phải có đơn và được duyệt. Tùy địa phương, thuế sẽ đánh mạnh khi vượt diện tích bình quân mỗi người 40 - 60m2 căn hộ...
Với chủ trương "Nhà để ở, chứ không phải để đầu cơ", giá nhà đất vài năm gần đây ở Trung Quốc đã khựng lại. Ngay đầu năm đến nay, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại, giá nhà đất tại các "điểm nóng" Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến cũng chỉ tăng vài phần trăm, không mạnh như trước.
Khi Thượng Hải quy định tăng thuế mạnh với các căn hộ bán lại trong chưa đầy 5 năm, theo nhà môi giới nhà đất hàng đầu Trung Quốc Lianjia, lượng mua đi bán lại giảm hàng chục phần trăm.
Giảm sốt đất để phát triển bền vững
Khi tiền bớt đổ vào bất động sản, vốn vào sản xuất sẽ có lợi. Tiềm lực con người và trí tuệ sẽ tập trung vào những nơi mà Nhà nước khuyến khích. Thể hiện rõ nhất là hiện nay dẫn đầu trong danh sách tỉ phú giàu nhất Trung Quốc là các tỉ phú công nghệ, thực phẩm, chứ không phải bất động sản như trước.
Trong khi lượng lớn người dân VN vẫn còn khó khăn do dịch COVID-19, rất nhiều bạn trẻ mưu cầu nhà ngày càng khó, có lẽ đã đến lúc VN nên tính toán đến các biện pháp mạnh và đồng bộ để tránh bong bóng bất động sản.
Thuế tài sản đánh trên căn nhà thứ 2 trở đi cần được sớm đưa vào nghị trình Quốc hội để thảo luận, tìm ra cách tốt nhất để giảm nhóm lợi ích, để nền kinh tế phát triển hài hòa và không ai bị bỏ lại phía sau, dù là vô tình hay cố ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận