Một bạn đọc gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
- Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:
Quy định tại điều 56 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên (ly hôn đơn phương):
- Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 điều 51 của luật này thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Trường hợp của chị muốn ly hôn đơn phương khi chồng đang bị tạm giam để điều tra, chưa cho gặp người nhà thì theo quy định của pháp luật vẫn cho phép ly hôn sau khi hòa giải không thành tại tòa án và có những căn cứ như: có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ vợ chồng, đời sống chung không thể kéo dài, không đạt được mục đích hôn nhân.
Vấn đề chồng chị đang bị tạm giam để điều tra, chưa cho gặp người nhà không được xem là căn cứ để tòa xem xét khi ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Thẩm quyền giải quyết ly hôn:
Theo quy định tại điều 28 điểm a, khoản 1 điều 35, điểm a khoản 1 điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc sẽ là tòa án có thẩm quyền giải quyết nếu các bên không có thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú của nguyên đơn.
Trong trường hợp vụ việc có yếu tố người nước ngoài như: có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài... thì thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc theo quy định tại khoản 3 điều 35 và khoản 1 điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Căn cứ vào những quy định trên, chị cần làm đơn gửi tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết là: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng chị cư trú trước khi bị bắt tạm giam. Nếu vụ việc có yếu tố nước ngoài thì gửi cho tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi chồng chị cư trú trước khi bị bắt tạm giam.
Do chồng chị đang bị tạm giam, chưa cho gặp người nhà nên tòa án có thẩm quyền thụ lý sẽ ủy thác tư pháp cho tòa án tại địa phương nơi chồng chị đang bị tạm giam để lấy lời khai, ý kiến của chồng chị theo quy định tại điều 105 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đồng thời, tòa án cũng sẽ xét xử vắng mặt chồng chị vì đang tạm giam, chưa cho gặp mặt.
Thủ tục giải quyết ly hôn:
Chị cần chuẩn bị đơn khởi kiện ly hôn và các giấy tờ có công chứng, chứng thực, riêng giấy đăng ký kết hôn phải là bản gốc để cung cấp cho tòa án kèm theo đơn khởi kiện là:
- Đơn khởi kiện ly hôn theo mẫu 23 nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13-1-2017, trường hợp này không cần chữ ký của người chồng.
- Căn cước công dân của chị và chồng chị.
- Bản gốc giấy đăng ký kết hôn.
- Hộ khẩu thường trú của chị và chồng chị.
- Giấy khai sinh của các con chị (nếu có tranh chấp về nuôi con).
- Các giấy tờ liên quan đến tài sản chung của vợ chồng hình thành trong thời kỳ hôn nhân (nếu có tranh chấp về tài sản);
- Các giấy tờ liên quan đến việc tạm giam của chồng chị như: quyết định tạm giam, quyết định khởi tố bị can…
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận