Siêu âm kiểm soát định kỳ cho thai phụ tại một bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Lao động nam cũng được nghỉ 5 ngày để chăm sóc vợ sinh con.
Những vướng mắc không đáng có
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thọ, phó ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội VN, cho rằng người vợ mới sinh yếu ớt, khi có chồng ở nhà đỡ đần công việc và chăm sóc sẽ động viên tinh thần và sức lực cho vợ rất nhiều.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về bảo hiểm, trợ cấp thai sản cho nam có vợ mới sinh con lại chưa được biết nhiều, bởi vậy nhiều người chưa được nhận trợ cấp này.
Chị N.T.B.H. sinh con lớn năm 2013, khi đó chị đóng bảo hiểm xã hội và được nhận trợ cấp thai sản vào cuối năm.
Từ 2016-2018 chị đi làm nhưng không đóng bảo hiểm xã hội, chỉ tham gia bảo hiểm y tế, năm 2018 chị sinh con thứ 2. Theo quy định trong bộ luật kể trên, chồng chị thuộc diện được nhận trợ cấp thai sản nam.
"Nhưng bộ phận nhân sự của cơ quan chồng tôi nói là vợ đã có bảo hiểm y tế, đã tham gia bảo hiểm xã hội thì vợ đã được nhận trợ cấp rồi, chồng không được nhận trợ cấp nữa", chị H. cho hay.
Đây chỉ là một trong những trường hợp gặp vướng mắc với chính sách rất nhân văn, đã được đưa vào thực thi từ hơn 3 năm nay, nhưng theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan bảo hiểm thì chưa có nhiều người biết và được nhận.
Mặc dù theo giải thích của Bảo hiểm xã hội VN, lao động nam đóng đủ bảo hiểm 6 tháng trong 12 tháng gần nhất nhưng vợ không tham gia bảo hiểm xã hội, khi vợ sinh con thì người chồng sẽ được nhận 2 tháng lương cơ sở là 2.700.000 đồng.
"Đây là khoản trợ cấp nhỏ nhưng nhân văn, quỹ ốm đau thai sản có sự tham gia của cả lao động nam và lao động nữ, khi vợ sinh con thì lao động nam cũng được nhận chế độ thai sản là rất phù hợp. Ở nhiều vùng nông thôn và ngay cả thành thị, nhiều gia đình đang có người chồng đi làm, có bảo hiểm xã hội, nhưng người vợ làm việc ở khu vực phi chính thức, không có bảo hiểm, đây sẽ là khoản "tinh thần" hỗ trợ cho họ", ông Thọ chia sẻ.
Chính sách thai sản cho nam, tại sao không?
Không chỉ là khoản trợ cấp bằng tiền, Luật bảo hiểm xã hội 2014 cũng đã mở ra một số "quyền lợi" cho người lao động nam ở góc độ... thai sản.
Cụ thể, chính sách này cho phép lao động nam nghỉ 5 ngày làm việc để chăm sóc vợ con khi vợ sinh, trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày, sinh ba sẽ được nghỉ thêm 3 ngày so với sinh đôi. Trường hợp vợ sinh một con nhưng sinh non dưới 32 tuần thai và sinh mổ, lao động nam sẽ được nghỉ 7 ngày.
Trước đây khi chưa có chính sách này, người Việt thường rất ngưỡng mộ chính sách thai sản dành cho lao động nam ở nhiều nước. Đến năm 2014, Luật bảo hiểm xã hội lần đầu tiên có chính sách "thai sản" dành cho nam, dù khoản trợ cấp là nhỏ và số ngày nghỉ khi vợ sinh chưa nhiều.
Tuy nhiên, các chuyên gia bảo hiểm đều cho rằng trợ cấp 6 tháng nghỉ sinh cho một lao động nữ cần tới 34 người đóng bảo hiểm để chia sẻ.
"Ngay như lứa tuổi tôi thì còn sinh đẻ gì nữa, nhưng vẫn phải đóng khoản bảo hiểm vào quỹ thai sản, mức trợ cấp và số ngày nghỉ như vậy đã là nhiều", một chuyên gia bảo hiểm nói.
Dù gì thì đang có một chính sách rất vui, rất nhân văn: chế độ thai sản dành cho nam. "Ấy vậy mà không mấy ông chồng biết được điều này. Các ông hãy mạnh dạn làm thủ tục để hưởng chế độ... thai sản. Tại sao không cơ chứ, con là con chung cơ mà, có phải một mình chị phụ nữ sinh ra đâu", một bà mẹ trẻ chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận