08/05/2013 09:08 GMT+7

Chống cúm, nhưng... xin đừng lãng phí

KIM SƠN
KIM SƠN

TT - Quả là con số “gây sốc” và đầy ấn tượng khi Bộ Y tế đề xuất khoản kinh phí chống cúm A/H7N9 cần đến 115 triệu USD (trong đó nguồn tài trợ quốc tế trên 78 triệu USD, Chính phủ VN trên 36 triệu USD), với phương án cần chi trên 17 triệu USD khi dịch chưa xuất hiện và khi dịch bắt đầu lây lan từ người sang người thì cần đến trên 97,7 triệu USD.

Chỉ nhìn vào đề xuất các hoạt động hội nghị, hội thảo, truyền thông... cũng phát ngộp: bảy hội thảo quốc tế, bốn chuyến đi học tại nước ngoài, 76 cuộc giao ban trực tuyến tại tuyến tỉnh, tám lớp tập huấn giám sát cho tỉnh và huyện, 20 cuộc diễn tập phòng chống dịch... Ngay trong giai đoạn chưa có ca bệnh đã cần 1 triệu USD cho truyền thông, hội thảo liên ngành, tập huấn cho báo chí, in ấn tài liệu truyền thông...

Nếu tính chung cả đề xuất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khá khiêm tốn 5,5 triệu USD thì tổng kinh phí lên đến 120 triệu USD, tương đương khoảng 2.400 tỉ đồng cho một chương trình chống cúm A/H7N9, mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, qua các giám sát dịch tễ xác định cúm A/H7N9 chưa xuất hiện tại VN.

Liệu bao nhiêu cuộc hội thảo quốc tế, các chuyến đi học nước ngoài, những cuộc giao ban quy mô rầm rộ... là cần thiết? Theo phát ngôn của một quan chức Bộ Y tế: “Có nghi ngờ cúm A/H1N1 và H5N1 kết hợp tạo ra chủng cúm A/H7N9 vừa lây lan từ người sang người như H1N1, vừa tử vong cao như H5N1 nên phải có kế hoạch chống dịch đến nơi đến chốn, đó cũng là cơ sở cho quốc tế tài trợ cho VN”. Đừng nghĩ nguồn tài trợ quốc tế như... bầu sữa. Mà trong dự án đề xuất này nguồn kinh phí Chính phủ phải bỏ ra cũng không nhỏ.

VN là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch và là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS (2003) - một điển hình. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những những đợt chống dịch trước đây từ cấp trung ương đến từng địa phương, từ việc mua sắm xe cứu thương đến cơ số thuốc, trong đó có Tamiflu dùng không hết, khẩu trang, hóa chất... đặc biệt trong đợt chống cúm A/H1N1 năm 2009. Vào khoảng tháng 4, tháng 5-2009 khi mà Tổ chức Y tế thế giới báo động dịch ở mức 5 rồi lên mức 6 - mức cảnh báo đại dịch trên toàn cầu..., truyền thông dồn dập đến mức các cơ quan, các hộ gia đình chạy mua Chloramine B, dung dịch rửa tay sát khuẩn, khẩu trang chứa than hoạt tính dày cộp... Báo động qua đi, nhưng lãng phí, tốn kém đọng lại và có thể nói đọng lại cả trong một số cơ quan, hộ gia đình. Nhìn chung đó là lãng phí của cả xã hội.

Đành rằng dịch bệnh do virút gây ra rất khó dự báo, có thể bao gồm cả nỗi lo sợ lây nhiễm từ người sang người... Song ở một quốc gia mà đại đa số dân chúng còn nghèo và ngành y tế còn đầy rẫy những thiếu trước hụt sau, đặc biệt như chuyện còn đang nóng hổi khi hàng triệu trẻ con cần tiêm chủng đang phải đối mặt với những khó khăn do tạm dừng sử dụng văcxin Quinvaxem, không đủ tiền để chọn văcxin an toàn hơn với giá thành cao đang là vấn đề đau đầu.

Vậy thì khi đặt kế hoạch chi tiêu mỗi một đồng USD, chúng ta cần cân phân cho việc sử dụng thật đúng mục đích, hiệu quả và thật tiết kiệm.

KIM SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên