09/05/2020 09:07 GMT+7

Chồng có chăm con, vợ mới dám sinh

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Cùng đi làm, chịu áp lực công việc như đàn ông nhưng người phụ nữ còn có rất nhiều việc 'không tên, không lương' như nuôi, dạy con, nấu ăn, dọn dẹp nhà... Nếu không được người bạn đời chia sẻ, nhiều phụ nữ sẽ ngại sinh con thứ 2.

Chồng có chăm con, vợ mới dám sinh - Ảnh 1.

Mỗi cặp vợ chồng nên có đủ hai con - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chị N.B.Q. (32 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ cuộc sống sau hôn nhân quả là quá vất vả cho chị. Chị Q. đang làm tại một công ty nước ngoài chuyên sản xuất mỹ phẩm, chồng chị làm cho một công ty nước ngoài về phần mềm. Hai vợ chồng luôn bận rộn với công việc. 

Hiện hai vợ chồng chị chỉ có một bé gái 6 tuổi nhưng chị Q. đã quyết định không sinh thêm con nữa.

Sao cứ nghĩ "việc nhà là của phụ nữ"!?

Lý do chị Q. đưa ra là chị phải lo hết việc nhà từ đi chợ, nấu ăn, phơi đồ, dọn dẹp nhà, chăm con, giúp con phát triển thể chất, dạy con học cho tốt và cả... đưa con đi học. Chồng chị gần như không giúp chị những công việc nhà, vì vậy nếu sinh một bé nữa chị sẽ bị... quá tải. 

Gia đình nội ngoại hai bên đều ở xa, chị từng có người giúp việc nhưng người giúp việc có thể nghỉ bất cứ lúc nào, rất khó xoay xở. Nếu không có người trông con, chị Q. đương nhiên phải nghỉ phép, nghỉ không lương, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến công việc.

Khác với chị Q., chị P.T.B. (30 tuổi, ngụ ở Q.Tân Bình, TP.HCM) lại luôn "đòi" chồng sinh thêm đứa con thứ hai dù gia đình chị B. đã có một bé trai 4 tuổi. Chị B. kể chồng chị là một người đàn ông rất trách nhiệm và thương vợ. 

Ngày chị sinh con, tháng đầu tiên gần như chị không phải thức đêm chăm con. Anh chồng nói chị vắt sữa cho con rồi ngủ cho đỡ mệt. Sau đó, anh để sữa trong tủ lạnh, lúc nào con thức giấc, anh lại dậy cho con uống sữa. Từ lúc chị sinh con, anh ít khi ra ngoài giao du. 

Anh tận dụng mọi thời gian để tắm nắng, chơi với con, chăm sóc con, phụ vợ... Chị B. luôn thấy rất hạnh phúc và mong muốn có thêm một bé gái nữa... Hiện chị đang mang thai được 6 tháng.

Cùng chăm con là trách nhiệm của nam giới

"Một lý do rất khó nhận ra nhưng cũng đã ảnh hưởng đến quyết định sinh con trong các gia đình, đó là việc người chồng có chia sẻ với người vợ trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái hay không, hoặc khi người phụ nữ buộc phải lựa chọn giữa công việc và con cái" - TS Ngô Thị Thùy Dung, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết.

Cũng như nhiều nước khác, đặc biệt tại các quốc gia chịu ảnh hưởng của Khổng giáo vẫn luôn có tư tưởng "phụ nữ chịu trách nhiệm trong việc nội trợ, chăm sóc nhà cửa và con cái".

Phụ nữ Việt Nam vẫn phải làm các công việc nội trợ nặng nhọc và chăm sóc gia đình, bao gồm cả con cái, người lớn tuổi. Trong khi đó, chỉ có 56% số nam giới cho biết có tham gia làm việc nhà. Dù nam giới làm công việc nhà nhưng đa phần vẫn nghĩ là đang giúp đỡ vợ mình, chứ đây không phải là trách nhiệm của họ.

"Tại Thụy Điển, phụ nữ thường có khuynh hướng sinh con thứ 2 nếu bạn đời của họ cũng nghỉ khi sinh con và tham gia vào công việc chăm con. 

Nhu cầu hiện nay là cần tạo ra một cộng đồng mà trong đó nam giới không chỉ có ý thức mà còn phải thực hiện đúng trách nhiệm của một thành viên trong gia đình - không phải giúp đỡ mà là chia sẻ. Nếu không, việc sụt giảm mức sinh sẽ không thể nào ngăn chặn" - TS Thùy Dung nhấn mạnh.

Hãy giảm gánh nặng cho phụ nữ

Theo một khảo sát, trung bình một phụ nữ Việt Nam dành hơn 5 giờ mỗi ngày để làm những công việc không lương, nhiều hơn nam giới từ 2 - 2,5 giờ. 

Do đó, họ không còn thời gian làm những việc khác để phát triển bản thân, nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống. Gánh nặng của người phụ nữ tăng gấp đôi khi đồng thời tham gia các hoạt động liên quan đến công việc trong và ngoài nhà.

Theo TS Thùy Dung, cùng với sự gia nhập của các mô hình nuôi dạy con và phương pháp giáo dục sớm từ các quốc gia khác nhau, hiện nay các gia đình trẻ đang lan truyền ý tưởng 3 năm trọn vẹn cho 1 trẻ. 

Tức là với 1 đứa trẻ, 3 năm đầu là thời gian vàng để làm nền tảng cho con khôn lớn. Tuy nhiên, năm 2016-2017, TP.HCM mới chỉ thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng tuổi. 

Việc thiếu nơi nhận trẻ đáng tin cậy trong 3 năm đầu đời này sẽ dẫn tới xung đột về việc ai sẽ nghỉ làm để đảm bảo cho sự phát triển của trẻ trong 3 năm đầu đời này? 

Trong hoàn cảnh này, thường nam giới sẽ là người được tiếp tục sự nghiệp vì những định kiến như "trách nhiệm chăm con là của phụ nữ" hay "không ai chăm con tốt bằng mẹ". 

Vậy người phụ nữ sẽ lựa chọn như thế nào giữa một công việc ổn định, tự chủ và sinh thêm một đứa trẻ đi kèm với gánh nặng về trách nhiệm và những công việc không tên?

giadinh

Người vợ sẽ hạnh phúc hơn khi được chồng chia sẻ việc chăm sóc con cái - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mỗi người con được sinh ra thì đồng nghĩa với khó khăn, trách nhiệm của phụ nữ sẽ tăng theo.

Dù nhiều phụ nữ vẫn mong muốn có nhiều con nhưng thực tế lại không cho phép họ thực hiện điều đó. Một thống kê cho thấy có khoảng chênh lệch rất lớn giữa số người con mà người phụ nữ muốn có và số người con mà họ thực sự có.

Khi đi làm, căng thẳng của phụ nữ đã tăng lên do gánh nặng từ công việc và việc nhà. Đa số phụ nữ mong muốn có cả công việc và con cái. Khi họ bị buộc phải lựa chọn, thường họ sẽ bỏ qua việc làm mẹ, hoặc lựa chọn chỉ có một người con.

Phụ nữ tài năng, những người nỗ lực cạnh tranh bình đẳng với nam giới thường cảm thấy áp lực khi áp dụng phong cách làm việc như mong đợi của các đồng nghiệp nam.

Ngoài ra, với 9 tháng mang thai cùng những biến đổi về mặt cảm xúc và sức khỏe, và tối thiểu 6 tháng hậu sản, mỗi lần mang thai người lao động nữ bị mất tối thiểu khoảng 15 tháng. Khoảng thời gian này có thể tạo ra một xung đột kép về công việc và gia đình.

'Nếu chọn lại, tôi sẽ sinh con sớm hơn'

TTO - Là kế toán trưởng của tập đoàn đa quốc gia, xinh đẹp, thành đạt, mạnh mẽ, chị T.M.L. (40 tuổi, TP.HCM) suy sụp hoàn toàn sau 2 lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại với lý do: ít trứng và tắc hai vòi trứng vì "quá tuổi sinh đẻ".

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên