08/05/2014 09:23 GMT+7

Chống chuyển giá hiệu quả, ngân sách tăng

ÁNH HỒNG thực hiện
ÁNH HỒNG thực hiện

TT - Báo cáo về thu ngân sách quý 1-2014 của Cục Thuế TP.HCM cho thấy thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tăng 35,28% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 49%, cao nhất trong các khu vực kinh tế.

qovXTnlY.jpgPhóng to
Đại diện doanh nghiệp và cá nhân đến làm thủ tục về đăng ký cấp mã số thuế tại Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện này, ông Lê Xuân Dương, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thu thuế từ khu vực FDI tăng cao, một trong số đó là khu vực FDI ít sử dụng vốn vay nên không gặp phải gánh nặng về lãi suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng nhờ đó nhích lên. Trong khi với các khu vực khác như kinh tế nhà nước, khu vực ngoài quốc doanh, đặc biệt là những DN kinh doanh bất động sản, dù cơ chế tiếp cận vốn có mở ra nhưng vẫn còn rất khó khăn”.

Vừa qua cơ quan thuế các tỉnh đã tăng cường thanh tra các DN có dấu hiệu chuyển giá, đặc biệt là DN FDI. Cơ quan thuế làm hai việc, một là mời họ lên cho kê khai điều chỉnh, nếu không thì thanh tra, kiểm tra, từ đó tác động đánh động các DN.

* Theo ông, nguyên nhân nào khiến thu ngân sách quý 1 tăng cao, có phải do nền kinh tế sáng lên hay do đẩy mạnh chống chuyển giá ở khối FDI?

- Thu thuế TNDN của khối FDI năm nay so với quý 1 năm ngoái tăng đến 49%, các lĩnh vực khác cũng tăng nhưng không nhiều. Thu ngân sách tăng cho thấy quý 1 DN đã kinh doanh hiệu quả hơn, nhưng bên cạnh đó còn có nguyên nhân do chính sách đó là số thuế TNDN quý 3-2013 của các DN nhỏ và vừa được giãn nộp nay vừa đến hạn nộp vào quý 1.

Ngoài ra, trước đây nhiều DN FDI khai lỗ nhưng vừa qua cơ quan thuế tập trung đấu tranh chống chuyển giá nên các DN này không còn lỗ nữa, hoặc lỗ ít và đến đầu năm 2014 đã bắt đầu khai có lãi. Chẳng hạn Công ty Pou Yuen, vừa qua DN này đã nộp thuế TNDN 139 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013. Một số công ty khác thuộc khối FDI cũng có số nộp tăng cao so với cùng kỳ năm trước do kinh doanh hiệu quả hơn như Công ty phát triển Phú Mỹ Hưng có số nộp tăng 503 tỉ đồng - tăng 11 lần so với cùng kỳ năm trước, Công ty TNHH quốc tế Unilever VN nộp 574 tỉ đồng - tăng 41,57% so với cùng kỳ năm 2013.

Nhiều DN cũng nhận thức được trách nhiệm của mình đối với việc đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại VN ngoài việc tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng phải có nghĩa vụ với ngân sách nhà nước chứ không thể khai lỗ mãi được. Từ đó làm cho thuế TNDN tăng lên và thu thuế chung của khối FDI tăng lên. Thứ ba cũng phải nhìn nhận là trong bối cảnh khó khăn chung, khối FDI nhạy bén hơn, đầu ra vững vàng hơn so với DN trong nước nên hiệu quả kinh doanh cũng khá hơn.

* Đóng góp của khối DN ngoài quốc doanh trong nguồn thu ngân sách thế nào, thưa ông? Vừa qua khối này được đánh giá là khá “ốm yếu”, đến nay đã hồi phục chưa?

- Thuế TNDN của các DN ngoài quốc doanh cũng tăng đến 30%. 15/24 chi cục thuế có mức tăng cao, điển hình là Chi cục Thuế quận 1 có số nộp cao hơn cùng kỳ năm ngoái 241 tỉ đồng, Chi cục Thuế quận 3 cao hơn 87 tỉ đồng, Chi cục Thuế Phú Nhuận cao hơn 66 tỉ đồng.

Còn xét về ngành nghề, ngành thương mại dịch vụ vẫn giữ được mức tăng trưởng, sản xuất của DN FDI tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng nộp thuế tương đối tốt. Sụt giảm mạnh là lĩnh vực ngân hàng do phải trích lập dự phòng rủi ro, khối bất động sản và các ngành nghề liên quan cũng gặp khó khăn. Nhìn chung các DN đã có dấu hiệu phục hồi nhưng tốc độ phục hồi còn rất chậm.

* Nhưng nhiều ý kiến lo ngại rằng với việc siết quy định sử dụng hóa đơn GTGT như thời gian qua sẽ khiến hàng loạt DN vừa khai sinh đã buộc phải khai tử?

- Vấn đề này Cục Thuế TP.HCM đã báo cáo Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, vừa qua Bộ Tài chính đã có văn bản tháo gỡ một phần. Tuy nhiên dần dần cơ quan thuế sẽ phân loại các DN để quản lý cho phù hợp. Những DN chấp hành đầy đủ sổ sách kế toán thì được kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Còn đối với những DN quá nhỏ thì phải phân loại ra để tránh trường hợp lợi dụng. Vừa qua ở TP.HCM có hàng ngàn DN ra đời nhằm mục đích kinh doanh hóa đơn làm méo mó thị trường, khiến “người ngay” nghi ngờ lẫn nhau.

Trước khi thay đổi chính sách cơ quan thuế đã tham khảo, hội thảo rất nhiều. Tất nhiên quy định như vậy cũng gây khó khăn cho một số DN nhưng thật sự số này không nhiều. Nếu DN làm ăn chân chính và hội đủ các điều kiện thì sau một thời gian sẽ được chuyển đổi phương pháp kê khai thuế. Ngược lại, nếu không đạt được mức đó, dứt khoát phải kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.

* Nợ đọng thuế hiện nay rơi vào ngành nghề nào và thu nợ đọng có gặp khó khăn không, thưa ông?

- Nợ đọng trên địa bàn TP.HCM khoảng 17.000 tỉ đồng, trong đó có nhiều khoản sai do nộp tại các tỉnh khác, phải xác nhận thì mới được điều chỉnh; phạt nộp chậm sai; phí, lệ phí chưa được ghi thu ghi chi... khoảng hơn 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra tiền sử dụng đất do khó khăn DN không có khả năng nộp khoảng 1.400 tỉ đồng. Như vậy số nợ đọng thực tế khoảng 8.000-9.000 tỉ đồng. Đến tháng 4-2014, cơ quan thuế đôn đốc thu nộp hơn 2.000 tỉ đồng, số còn phải thu hiện nay là 7.600-7.800 tỉ đồng. Trong đó 40% trong số phải thu rơi vào các DN kinh doanh bất động sản và các ngành liên quan như thiết kế, máy lạnh, vật liệu xây dựng...

Việc thu nợ thời gian qua cũng gặp rất nhiều khó khăn do một số DN, đặc biệt là DN kinh doanh bất động sản, không tiếp cận được nguồn vốn vay để trả nợ thuế. Cục Thuế đã báo cáo với Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét gia hạn với một số DN kinh doanh bất động sản do tình hình khó khăn. Còn việc xử lý tài sản thế chấp rất khó vì họ đã thế chấp ngân hàng hết rồi.

ÁNH HỒNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên