Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang là vấn đề đau đầu nhiều năm nay ở một số tỉnh miền Tây.
Ngoài việc chờ đợi cơ quan chức năng có giải pháp về lâu dài, người dân nên chủ động có kế hoạch tích trữ nước ngọt cho gia đình để sử dụng lâu dài.
Trữ nước ngọt theo cách truyền thống
Ủng hộ giải pháp người dân "tự cứu mình" trước khi các cơ quan chức năng có giải pháp lâu dài, bạn đọc Hà chia sẻ:
"Nhà tôi ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, gần 10 năm nay ba mẹ tôi cũng xây bể rộng hơn chục mét khối chứa nước mưa, vì vậy mà gia đình tôi dùng nước ngọt sinh hoạt thoải mái.
Trong khi đó nhiều hộ gia đình hàng xóm phải chật vật mua nước ngọt của thương lái với giá đắt đỏ về dùng".
Cùng quan điểm nên lo xa để không bị động, bạn đọc 5 Mì Lát viết: "Từ lâu, người dân thuộc các vùng nước mặn của miền Tây đã từng xây bể, trang bị lu, hũ, khạp, kiệu, mái đầm... để trữ nước ngọt, nước mưa sử dụng hằng ngày và dự phòng cho những lúc trời không mưa. Cho nên việc làm này không lạ với họ".
Để đảm bảo có nguồn nước sạch, chất lượng, bạn đọc 5 Mì Lát chia sẻ thêm: "Người dân thuộc các vùng nước mặn của miền Tây còn bỏ trái bí đao vào những lu, khạp… nước mưa để tạo thêm cảm giác mát dịu hơn khi uống".
Bổ sung ý kiến này, bạn đọc Tú Xê thêm: "Tự cứu mình trước khi trời cứu là giải pháp tối ưu. Miền nông thôn không thiếu đất, đào hồ cạn nhỏ, trải bạt chống thấm trữ vài chục hoặc cả trăm mét khối nước là chuyện quá dễ, chi phí thấp. Phía trên che tôn hoặc lá đơn sơ là ngon lành!".
Khôi phục ao, hồ, xử lý nước thải tưới tiêu
Theo nhiều bạn đọc, về lâu về dài chính quyền địa phương vùng hạn mặn cần phải có giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn.
Về ý này, bạn Huy Nguyễn viết: "Những gia đình có điều kiện thì có thể xây bể lớn, nhưng miền Tây còn nhiều hộ rất khó khăn về thu nhập. Vì vậy, hệ thống lọc nước mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần được tính tới".
Bạn đọc Võ Thanh Bình chia sẻ: "Quê tui ở xã Bình Phục Nhứt thuộc huyện Chợ Gạo, giáp Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Trước năm 2000, vào mùa khô thì người dân đến các ao làng để gánh nước về xài. Cả xã có nhiều ao công cộng như ao Phượng, ao Dông, ao Thiêu... cứ vài năm thì cùng nhau nạo vét để trữ nước.
Còn ở gia đình thì mua lu hoặc xây hồ chứa nước mưa để dành cho việc ăn uống, nên mùa khô cũng không thiếu nước xài. Còn bây giờ thì ao làng đã bị lấn chiếm, thậm chí mất luôn dấu vết".
Vì thế, theo bạn đọc này, để tránh tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt, việc cần làm là các cấp chính quyền phải khôi phục những ao, hồ... công cộng để phục vụ cộng đồng.
Cùng ý này, bạn đọc nick name 19buffalo viết: "Không chỉ dân tự túc mà chính quyền địa phương cũng phải làm một cái ao, bể cỡ lớn vì cộng đồng. Bởi không phải nhà nào cũng đủ điều kiện để làm.
Công trình lớn cũng nên có sự tham gia đóng góp và giám sát của dân. Sau đó bán hoặc phát phiếu nước miễn phí tính theo đầu người/ngày. Chuyện hạn mặn này xảy ra hằng năm thì trước sau cũng phải làm. Vậy sao không làm từ bây giờ?".
Còn theo bạn đọc Linh: "Với tình trạng ngày càng khan hiếm nước ngọt, chỉ mong tất cả người dân sử dụng nước tiết kiệm. Khuyến khích thiết kế nhà đô thị có hệ thống thu nước mưa; hạn chế xây quá nhiều nhà vệ sinh; hạn chế rửa xe cộ trong lúc thiếu nước".
Ngoài ra, cũng theo bạn đọc Linh: "Nên sớm có hệ thống xử lý và tận dụng nước thải làm nước tưới tiêu và làm mát đường phố; nạo vét kênh mương trữ nước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận