Bên văn hóa nói không có giấy phép xây dựng do không thể cấp phép vì luật quy định thế; còn bên xây dựng lại đòi phải có giấy phép quảng cáo mới cấp phép xây dựng do thông tư ghi như vậy. Hai bảng quảng cáo của đơn vị tôi sau gần ba tháng nộp hồ sơ vẫn không được cơ quan nào trả lời là có cấp phép hay không cấp phép”.
Trường hợp trên chỉ là một trong hàng chục cá nhân, đơn vị làm quảng cáo đang vướng phải tại Gia Lai. Đáng nói, cái khó khăn không đáng có này lại bắt nguồn từ một điều khá trớ trêu mà chúng tôi tạm gọi là “thông tư to hơn luật”.
Luật quảng cáo được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012, chính thức có hiệu lực từ 1-1-2013. Trong đó, điều 31 quy định: việc xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương...; tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương”. Điều 29 quy định thành phần hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băngrôn, bao gồm “bản sao giấy phép xây dựng công trình quảng cáo đối với loại bảng quảng cáo phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại điều 31 của luật này”. Hai điều trên có thể được hiểu là: sau khi có giấy phép xây dựng, cá nhân, đơn vị có nhu cầu quảng cáo mang hồ sơ đến nộp tại Sở VH-TT&DL để được “cấp phép quảng cáo”.
Trong khi đó, thông tư số 10 của Bộ Xây dựng ban hành ngày 20-12-2012 và có hiệu lực từ ngày 6-2-2013, lại quy định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo, phải có “bản sao được công chứng hoặc chứng thực giấy phép hay văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo” (mục 6, điều 3). Điều này có thể hiểu là về tuần tự, Sở VH-TT&DL xem xét hồ sơ, “cấp phép” quảng cáo trước, sau đó Sở Xây dựng căn cứ vào hồ sơ quảng cáo đó để cấp phép xây dựng.
Thông tư số 10 được ban hành và có hiệu lực sau Luật quảng cáo, liên quan trực tiếp đến việc thủ tục cấp phép quảng cáo, nhưng đã không xem Luật quảng cáo như một căn cứ bắt buộc để hướng dẫn. Đây là nguyên nhân tạo sự chồng chéo trong quy định, dẫn đến việc sở xây dựng và sở VH-TT&DL các địa phương không thể thống nhất được với nhau trong cấp phép quảng cáo. Cuối cùng cái khổ lại đổ lên đầu người dân khi Sở Xây dựng đòi phải có giấy phép quảng cáo mới cấp phép xây dựng, còn bên Sở VH-TT&DL yêu cầu phải có giấy phép xây dựng mới cấp phép quảng cáo!
Theo chúng tôi, việc Sở Xây dựng yêu cầu phải có giấy phép quảng cáo mới cấp phép xây dựng là một quy trình ngược. Thay vì chỉ quan tâm đến yếu tố kỹ thuật, tính hợp lý về quy hoạch, cảnh quan môi trường... của công trình quảng cáo thì Sở Xây dựng lại phải làm thay việc cấp phép quảng cáo của Sở VH-TT&DL. Trong khi Luật quảng cáo đã vận hành từ đầu năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn kèm theo để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân, đơn vị có nhu cầu quảng cáo, cấp có thẩm quyền cần có văn bản điều chỉnh theo hướng không áp dụng mục 6, điều 3 của thông tư số 10 trong trường hợp này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận