Sáng 8-7, Thu Ý được người em họ chở từ phòng trọ ở Thủ Đức đến Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM làm thủ tục dự thi. Trong những ngày thi đại học đợt 2, Ý “ở ké” phòng trọ của người bạn hàng xóm ở quê. Trò chuyện với chúng tôi, cô thí sinh liên tục đưa tay quệt những giọt nước mắt khi nhìn lại con đường học hành đầy gian nan của mình...
Giả giấy tờ đi làm công nhân
Năm Ý lên lớp 4, cha bạn ra đi sau một tai nạn giao thông. Gánh nặng gia đình ập lên vai người mẹ nuôi bốn đứa con khi tất cả gia tài có được là một sào ruộng. Ý có bốn anh chị em, hiện anh và chị của Ý đã đi làm công nhân giày da ở TP.HCM. Đứa em trai cũng đã bỏ học để nhường cho chị đến trường. “Năm lớp 11 mẹ đã khuyên... nghỉ học rồi - Ý nhớ lại - Mẹ bảo đã không có điều kiện học đến nơi đến chốn thì học làm gì, ở nhà đi làm”.
Khi ấy Ý nghỉ học được một tuần phụ mẹ chăm sào ruộng nhưng cứ khóc suốt. Hay tin Ý nghỉ học, hai người bạn đến nhà năn nỉ mẹ Ý: “Bác cho bạn đi học kiếm cái bằng tốt nghiệp THPT cũng được”. Thầy giáo cũng gọi điện đến nhà xin mẹ Ý cho cô trò nhỏ chăm ngoan đến trường. Sau đó mẹ Ý bảo: “Con ưng đi học quá thì mẹ ráng cho hết lớp 12”.
Vậy là Ý trở lại trường. Nhưng để được đến trường và đỡ gánh nặng cho mẹ, hè năm lớp 11 Ý xin mẹ cho vào TP.HCM làm giày da cùng anh chị. Lúc đầu, mẹ Ý không cho đi vì trước giờ con gái nhỏ chưa đi xa gia đình bao giờ. Rồi người mẹ vay được đúng 220.000 đồng tiền xe cho cô học trò về TP.HCM tìm việc.
Hè lớp 11, khi các bạn cùng lớp dự tổng kết năm học thì Ý vẫy xe xuống TP.HCM xin làm công nhân giày da. Sợ chưa đến tuổi không xin được việc, anh chị của Ý đã làm giả hồ sơ cho bạn để tìm cơ hội việc làm. Ngày đầu tiên làm công nhân, đứng suốt 12 giờ cắt đế giày Ý muốn khuỵu xuống. Để kiếm tiền Ý xin làm tăng ca đêm. Miệt mài làm 12 giờ ban đêm, 12 giờ ban ngày suốt hai tháng, bạn dành dụm được 8 triệu đồng để đi học. Ngày lên xe ra về, tưởng công ty đã chuyển tiền lương vào thẻ nhưng về đến nhà Ý vẫn chưa thấy lương. Nghĩ bị “giam” lương, Ý đón xe xuống lại TP.HCM làm thêm một ngày nữa đến khi cầm được tiền trong tay mới lên xe ra về.
“Xuống xe em chạy đến trường luôn vì đúng ngày tập trung năm học mới. Về nhà rồi lên lại sợ không kịp...” - Ý nhớ lại.
Suýt bỏ thi
Nhà Ý ở thôn 4, xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk - cách Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nơi bạn học 8km. Hằng ngày Ý đạp xe đến trường hai buổi sáng chiều trong suốt ba năm. Sau khi Ý phải dừng việc học năm lớp 11, khi trở lại trường bạn bè và thầy cô đã cùng “tiếp sức” cho bạn. “Em đóng tiền quỹ lớp các bạn không nhận nữa” - Ý bảo vậy.
Biết hoàn cảnh của cô học trò, một thầy giáo dạy thể dục ở trường đến gặp Ý: “Em thích học môn gì nói thầy để thầy “xin” các thầy cô khác cho”. Và thế là thầy giáo này đi “xin” cho bạn học thêm toán, lý, hóa với thầy cô trong trường mà không phải đóng tiền. Cứ thế, cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, cô học trò Thu Ý đã đi hết chặng đường học sinh phổ thông của mình. Bạn thi tốt nghiệp THPT được 45 điểm.
Kỳ thi đại học năm nay, đã làm hồ sơ dự thi đại học nhưng Ý định bỏ thi để ở nhà đi làm phụ mẹ. “Tốn mấy trăm còn đỡ hơn mấy triệu” - Ý bảo khi nói về số tiền làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học đã nộp so với lộ phí đi thi. Một phần cũng vì mẹ Ý bảo “chỉ ráng cho hết lớp 12”. “Em chỉ nghĩ thi tốt nghiệp xong là về đi làm kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Mẹ đau bệnh suốt...” - Ý lại đưa tay quệt nước mắt.
Biết tin Ý bỏ thi đại học, cô Lê Thị Thu Hiền - giáo viên chủ nhiệm - gọi Ý lên động viên: “Đây là khoảnh khắc quan trọng của đời em. Mỗi đời người chỉ có một lần, chưa biết kết quả thế nào nhưng cô nghĩ em cứ đi thi để sau này không hối tiếc. Khó khăn, nhà trường sẽ hỗ trợ em”. Ý kể một người bạn cũng “la quá trời” khi Ý đã học 12 năm giờ lại bỏ thi.
Nghe lời cô giáo, bạn bè, Ý ôn thi trở lại và quyết tâm về thành phố dự thi. Ngặt nỗi số tiền từ khi làm công nhân, tính sẽ dành dụm đến ngày đi thi đại học cũng đã mua gạo, mắm cho những bữa ăn hằng ngày của nhà. Trước ngày lên xe về thành phố, mẹ Ý đi vay nóng 1 triệu đồng bảo “trả lại cho con” nhưng bạn không nhận.
Và rồi Ý cũng có mặt ở TP.HCM sau những hành trình khúc khuỷu trên con đường học của mình. Tiền xe đi thi, bạn được mẹ của một người bạn hỗ trợ. Trong những ngày thi Ý ở nhờ chị họ gần ngã tư Thủ Đức. Đến TP.HCM, ngoài nỗi lo sách vở Ý còn không yên tâm khi mẹ ở nhà đau yếu không ai chăm sóc.
“Mỗi lần mẹ bệnh là nằm suốt hai tuần. Phải mời bác sĩ đến nhà khám. Nhiều lúc em chỉ muốn làm cho mẹ bớt khổ. Thi đại học xong, em sẽ ở lại thành phố tìm việc gì đó làm kiếm tiền. Nếu thi đậu, em cũng sẽ bảo lưu một năm đi làm rồi trở lại trường sau...” - Ý nói rồi nhìn ra cửa...
Phóng to |
Thu Ý không cầm được nước mắt khi kể về hành trình học tập gian khó của mình - Ảnh: H.Bình |
Trường chung tay hỗ trợ
Thầy Phạm Anh Tuấn - bí thư đoàn Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - kể: “Tôi nghe thông tin về trường hợp đặc biệt khó khăn của Ý, có thể bỏ thi. Giáo viên chủ nhiệm cũng làm đề xuất đoàn trường hỗ trợ em. Đoàn trường hội ý và quyết định trao 700.000 đồng cho Ý làm lộ phí đi thi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận