Đại học Aalborg (Đan Mạch) nghiên cứu các mẫu dương tính với biến thể mới ở Anh - Ảnh: REUTERS
Các nhà nghiên cứu đã nghĩ đến nhiều giải pháp phát triển các loại vắc xin mới đủ công hiệu ngăn ngừa các biến thể SARS-CoV-2 mới.
Sử dụng hai liều vắc xin khác nhau
Tại Pháp, TS virus học Marie-Paule Kieny - chủ tịch Hội đồng Khoa học về vắc xin COVID-19, cho biết: "Một thử nghiệm lâm sàng đã được dự kiến để thử nghiệm cho 100 người về khả năng tạo phản ứng miễn dịch theo quy trình như sau: đầu tiên sử dụng vắc xin AstraZeneca, (adenovirus của tinh tinh), kế đến sử dụng liều đầu tiên của vắc xin Sputnik V (adenovirus ở người). Thử nghiệm lâm sàng sẽ bắt đầu vào tháng 3-2021".
Đối với vắc xin của AstraZeneca/Oxford (vắc xin sử dụng công nghệ vector virus), hôm 4-2 Đại học Oxford ở Anh thông báo đã bắt đầu thử nghiệm nhằm xác định tiêm hai liều vắc xin khác nhau có đủ công hiệu ngăn ngừa các biến thể mới hay không.
Trong 820 tình nguyện viên trên 50 tuổi, nhóm thứ nhất được tiêm liều đầu tiên với vắc-xin Pfizer/ BioNTech, sau đó nhận liều thứ hai với vắc xin AstraZeneca. Nhóm thứ hai được tiêm hai liều ngược lại.
TS Peter English (Anh) giải thích: "Một số loại vắc xin hoạt động tốt hơn nếu chúng ta sử dụng một loại vắc xin khác để tiêm nhắc lại".
Vắc xin của AstraZeneca/Oxford đang được tiêm chủng - Ảnh: AFP
Tiêm liều thứ ba để tăng kháng thể
Một giải pháp khả thi khác là tiêm bổ sung thêm liều thứ ba tăng cường ngoài hai liều vắc xin thông thường.
Công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) đưa ra hai giải pháp.
Một là tiêm thêm liều thứ ba bổ sung cho hai liều vắc xin ARN thông tin đang được tiêm chủng hiện nay (tổng cộng phải tiêm ba liều).
Hai là tổ chức thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin mới chứa một loại protein đặc trưng có khả năng ngăn ngừa biến thể được phát hiện ở Nam Phi.
TS miễn dịch học Brigitte Autran - thành viên Hội đồng Định hướng chiến lược vắc xin của Pháp - mô tả: "Giải pháp này là tiêm nhắc lại với các loại vắc xin hiện có, đơn giản để tăng hiệu giá kháng thể (nồng độ kháng thể). Ngay cả khi vắc xin giảm hiệu quả đối với biến thể mới ở Nam Phi, hiệu quả vắc xin vẫn cao hơn phạm vi bảo vệ và như vậy vẫn ngăn ngừa được.
Giải pháp khác là thay thế vắc xin như chúng ta đã làm với vắc xin chống bệnh cúm, tức điều chỉnh vắc xin thích ứng với các biến thể mới".
TS Anthony Fauci tại cuộc họp báo thường kỳ ở Nhà Trắng ngày 21-1 - Ảnh: GETTY IMAGES
Phát triển vắc xin mới
Rất dễ điều chỉnh vắc xin theo công nghệ ARN thông tin (mRNA) để có vắc xin mới thích ứng với các biến thể mới.
Hôm 3-2, Công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh và đối thủ cạnh tranh CureVac của Đức thông báo sẽ liên minh phát triển thế hệ mới vắc xin ARN thông tin đủ sức chống lại các biến thể mới hiện nay và kể cả trong tương lai.
Công ty BioNTech của Đức - đối tác của Pfizer (Mỹ), bảo đảm chỉ trong 6 tuần có thể phát triển được một loại vắc xin mới ngăn ngừa các biến thể mới. Vắc xin mới sẽ chứa một loại protein đặc trưng của biến thể mới như vắc xin của Moderna.
Vắc xin mới có cần xin cấp phép hay không?
Một khi các hãng dược thay đổi công thức để phát triển vắc xin mới ngăn ngừa các biến thể virus mới, về cơ bản vắc xin mới không khác bao nhiêu so với vắc xin ban đầu, do đó có thể không cần qua quy trình thử nghiệm lần nữa.
Báo Les Echos (Pháp) ghi nhận thủ tục cấp phép đối với vắc xin mới còn tùy thuộc cơ quan chức năng.
Giám đốc Cơ quan An toàn thuốc và sản phẩm y tế quốc gia Pháp (ANSM) Christelle Ratignier-Carbonneil cho biết châu Âu "đang thảo luận xem các loại vắc xin đã điều chỉnh có phải thực hiện lại toàn bộ quy trình cấp phép lưu hành hay không, tuy nhiên chúng tôi cố tránh bắt đầu lại từ đầu".
Tại Mỹ, TS miễn dịch học Anthony Fauci - cố vấn COVID-19 của Tổng thống Joe Biden khẳng định: "Tiêm nhắc lại sẽ không cần qua thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn nữa".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận