TTCT - Xung quanh Hội nghị COP26, có chuyện dễ hiểu nhầm phổ biến về các mức cam kết khổng lồ và chuyện “thủ phạm” phát thải. Ảnh: un.org Đọc tin về COP26 rất dễ bị ấn tượng mạnh bởi mẩu tin hàng trăm ngân hàng, quỹ đầu tư, hãng bảo hiểm có trong tay đến 130.000 tỉ đôla cam kết đặt ưu tiên cho các hoạt động vì khí hậu. Ai cũng nghĩ với những khoản tiền khổng lồ như thế, việc hỗ trợ các nước chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch như than đá sang các nguồn năng lượng tái tạo là dễ như trở bàn tay. Tiền là tiền thế nào?Thật ra, tin các báo bị ảnh hưởng bởi thông cáo báo chí do cái liên minh tài chính này soạn thảo và phát ra nên đều tô đậm món tiền 130.000 tỉ đôla, tức lên đến 40% dòng vốn toàn cầu. Nói cho chính xác thì đây là tổng dòng tiền các ngân hàng, quỹ đầu tư này quản lý, chủ yếu là quản lý cho người khác. Cái họ cam kết là khi quản lý dòng tiền này, họ sẽ chú ý để tiền chảy vào các dự án thân thiện với môi trường, góp phần ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu. Nói cụ thể hơn, một quỹ đầu tư chuyên rót tiền cho các dự án năng lượng, nay sẽ yêu cầu các tập đoàn dầu khí giảm khai thác mỏ dầu mới bằng không họ sẽ rút vốn đem đi nơi khác. Một ngân hàng sẽ ưu tiên cho dự án làm điện mặt trời vay vốn trong khi sẽ từ chối tài trợ cho một dự án xây nhà máy điện chạy than. Cộng các hoạt động cho vay và đầu tư như thế lại, mục đích của liên minh tài chính là sao cho đến năm 2050, các dự án nhận tiền vay, tiền đầu tư sẽ có mức phát thải ròng là 0. Cam kết này là quan trọng vì sẽ nắn dòng chảy đầu tư toàn cầu vào các điểm cần thiết cho nỗ lực cứu lấy Trái đất thoát nạn diệt vong. Nhưng điều đó không có nghĩa 130.000 tỉ đôla sẽ được sử dụng vào các dự án chống biến đổi khí hậu. Hơn nữa, cam kết là lời nói, rất có thể gió sẽ thổi bay. Như tờ The Economist nhận định, không có cách nào đo lường chính xác mức phát thải của một danh mục đầu tư, chẳng hạn khí thải từ 1 thùng dầu có thể gán cho các hãng từ hãng khoan dầu, hãng lọc dầu đến hãng đốt thùng dầu đó. Ngược lại, giảm 1 tấn khí carbon cũng có thể gán cho nhiều quỹ khác nhau để cùng ghi nhận. Khái niệm mức phát thải ròng bằng 0 cũng rất dễ bị nhào nặn theo lợi ích của từng công ty.Trước cam kết của liên minh tài chính này, The Economist đưa ra lời khuyên rất lạ: Các quỹ sở hữu tài sản lớn như quỹ hưu trí phải duy trì các khoản đầu tư vào các hãng đang gây ô nhiễm nặng để đem lại sự thay đổi. Đó là bởi có một nguy cơ rất lớn khi cổ đông các quỹ gây sức ép buộc thoái vốn ra khỏi các ngành gây ô nhiễm như khai thác than đá, nhiều quỹ sẽ chuyển sang đầu tư vào các dự án sạch như kiểu rót tiền mua cổ phiếu Facebook hay Apple. Nhưng động cơ tìm kiếm lợi nhuận vẫn còn ở đó, thế là tiền từ các nguồn khác, kể cả từ các quỹ nhà nước không ai giám sát sẽ vẫn rót vào khai thác dầu khí, đào quặng than, xây nhà máy nhiệt điện... Như thế mèo lại vẫn hoàn mèo. Đốt rừng rồi dập lửaNgoài chuyện tiền, ai là thủ phạm gây phát thải nhiều nhưng không bị giám sát cũng là chuyện dễ hiểu nhầm. Các NFT gây ồn ào trên báo chí vì tuy chỉ là một phiên bản số duy nhất của một tác phẩm nào đó nhưng chúng lại được bán với giá hàng triệu hay hàng chục triệu đôla. Điều ít người chú ý hơn là để tạo ra một NFT hay để ghi nhận một giao dịch mua bán một NFT tạo ra chừng 200 ký khí thải carbon, tương đương với việc lái 800 cây số trên một chiếc xe hơi chạy xăng. Một ước tính cho biết lượng khí thải của một NFT bình quân bằng lượng điện một hộ gia đình châu Âu tiêu thụ trong 1 tháng. Họa sĩ kỹ thuật số Mike Winkelmann, người nổi tiếng dưới nghệ danh Beeple từng bán 1 tác phẩm NFT với giá “kinh khủng” 69 triệu đôla, hứa hẹn các NFT tương lai sẽ “có mức phát thải ròng bằng 0” như một cam kết long trọng của cả một quốc gia! Mike Winkelmann với tác phẩm NFT tiêu tốn lượng điện khủng khiếp. Điều này có nghĩa dù các NFT tương lai của anh ta vẫn tạo ra lượng khí thải lớn, anh sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng sạch hay rót tiền vào một dự án công nghệ hút khí carbon ra khỏi bầu khí quyển... sao cho bù qua sớt lại mức phát thải sẽ trung hòa! Nói vậy chẳng khác gì đốt rừng xong rồi mua bình cứu hỏa để bên cạnh. Tại sao không nghĩ đến phương cách đơn giản hơn là chấm dứt các sản phẩm NFT điên rồ kia đi?NFT đã vậy, các đồng tiền mã hóa như Bitcoin càng gây hại cho môi trường gấp trăm ngàn lần. Một nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết lượng điện do khai thác Bitcoin còn cao hơn lượng điện cả nước Argentina xài; mỗi giao dịch của Bitcoin cần đến 707 kWh. Thử tưởng tượng sau này giao dịch bằng Bitcoin phổ biến như quẹt thẻ Visa, cứ mỗi lần quẹt như thế tốn đến 707 “chữ điện”, ai mà chịu nổi. Việc khai thác Bitcoin được cố tình làm cho ngày càng khó nên lượng điện tiêu thụ ngày càng tăng; từ năm 2015 đến 2021 đã tăng đến 62 lần và vẫn còn đang tăng nữa. Ấy vậy mà Hội nghị biến đổi khí hậu không hề đề cập đến thủ phạm to tướng này; nó cũng mỉa mai như chuyện nghệ sĩ người Pháp Joanie Lemercier từng tham gia các cuộc biểu tình chống khai thác than đá để ủng hộ phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng anh cũng là người tạo ra nhiều NFT đem bán đấu giá và mới phát hiện 6 NFT của anh sử dụng lượng điện bằng phòng vẽ của anh cần dùng trong hai năm. Có lẽ anh sẽ còn buồn hơn nữa khi biết hàng triệu người Ấn Độ đang sống nhờ vào việc khai thác thủ công than đá; lượng than một người chuyên chở bằng xe đạp cả năm ắt ít gây hại hơn một tác phẩm NFT của anh nhiều lần. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Tiền chống biến đổi khí hậu đã được dùng thế nào? Tiếp theo Tags: Môi trườngBiến đổi khí hậuNFTCam kết tài chính COP26Đồng tiền mã hóa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.