Tại hội nghị đánh giá việc biên soạn sách giáo khoa xã hội hóa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 12-12, ông Thái Viết Trường, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, đề nghị nên điều chỉnh chuyển quyền phê duyệt danh mục chọn sách giáo khoa về cho giám đốc sở giáo dục và đào tạo thay vì giao quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh như hiện nay.
Có điều chỉnh như đề nghị của địa phương?
Lý do ông Trường đưa ra là việc giao cho sở sẽ giảm bớt quy trình, thủ tục để có sách cung ứng sớm hơn cho học sinh trước năm học mới.
Vì trên thực tế, danh mục sách lựa chọn cũng do sở giáo dục và đào tạo tổng hợp từ ý kiến, đề xuất của các nhà trường, giáo viên để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh.
Ý kiến của ông Trần Tuấn Khanh, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang, cũng nêu quan điểm như lãnh đạo giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam, mong muốn quyền phê duyệt danh mục sách giáo khoa giao cho cấp sở để đảm bảo rút ngắn thủ tục không cần thiết.
Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, cho biết quy định về chọn sách giáo khoa được quy định tại các văn bản pháp lý hiện hành nên sẽ không thể điều chỉnh như đề nghị của địa phương.
Trước đây theo nghị quyết 88 quyền chọn sách giáo khoa được đưa về các nhà trường, do hiệu trưởng trường phổ thông quyết định. Nhưng tại Luật Giáo dục, quyền phê duyệt danh mục sách giáo khoa lại giao cho UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên sau đó Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, đúng là không nên nhiều khâu trung gian nên chắc chắn bộ sẽ kiến nghị sửa luật theo hướng đề xuất của các sở đã nêu về việc trao quyền phê duyệt chọn sách cho sở giáo dục và đào tạo.
Thầy, cô phải "nợ" tiền sách thì học sinh mới kịp có sách học
Đến từ một tỉnh rất khó khăn là Hà Giang, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ Hà Giang là địa bàn có nhiều xã đặc biệt khó khăn, tỉ lệ học sinh được hưởng chính sách rất lớn.
Trong đó những học sinh được hưởng chính sách được phát miễn phí sách giáo khoa mới. Tuy nhiên do các thủ tục phức tạp nên thường thời điểm trước năm học mới, tiền hỗ trợ mua sách chưa có.
Để học sinh có sách học, ngành giáo dục phải đứng ra "nợ" tiền sách với đơn vị cung ứng, thậm chí trích từ nguồn khác chi trả thì mới kịp có sách cho học sinh.
Bất cập là hiện nay một số xã vùng cao được công nhận nông thôn mới nên có nhiều chính sách giáo dục bị cắt. Học sinh ở vùng này dù vẫn rất khó khăn cũng không được phát sách miễn phí nữa.
Ngành giáo dục năm nào cũng phải lo đi xin sách cho học sinh từ các nhà hảo tâm. Tuy nhiên, do việc chọn sách từ nhiều bộ khác nhau nên việc quyên góp sách cũ cũng gặp khó khăn vì có khi sách quyên góp không đúng với sách được chọn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giá sách đã giảm
Tại hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị xuất bản phải tăng cường trách nhiệm xã hội, trong đó có việc hỗ trợ học sinh và các nhà trường vùng khó khăn, không để học sinh không có sách giáo khoa trước năm học mới.
Đồng thời lãnh đạo bộ cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục tiết giảm các khâu trong sản xuất, kinh doanh để giảm giá thành sách giáo khoa.
Phải đa dạng kênh phát hành đến các cơ sở giáo dục, học sinh và cha mẹ học sinh, đẩy nhanh tiến độ cung ứng sách giáo khoa trước năm học mới ít nhất 1 tháng để giáo viên, học sinh có thời gian đọc, tìm hiểu chương trình trước khi bước vào dạy học.
Trong báo cáo tại hộ nghị, Bộ Giáo dục và Đào cho biết hai bộ (cùng với Bộ Tài chính) đã rà soát phương án kê khai giá sách của các đơn vị và đề nghị các đơn vị thực hiện tối đa cắt giảm các khoản chi phí chung để giảm giá sách.
Đề nghị các đơn vị thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc cung cấp sách giáo khoa miễn phí cho tủ sách dùng chung, cho học sinh những vùng khó khăn, học sinh diện chính sách xã hội.
Năm 2024, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam kê khai giảm giá sách giáo khoa tái bản 9,6% - 11,2% tùy theo từng bộ sách.
Theo Tổng cục Thống kê, phương án giá sách giáo khoa góp phần tăng chỉ số CPI hằng năm khoảng 0,05% điểm phần trăm.
Theo luật giá 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 quy định sách giáo khoa là danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá và Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa.
Dù vậy giá sách giáo khoa hiện vẫn là vấn đề gây lo lắng cho xã hội và phụ huynh vì vẫn cao hơn so với giá sách của chương trình cũ. Trong khi việc chọn sách khác nhau khiến cho phụ huynh không phải ai cũng có thể sử dụng lại được sách cũ cho con.
Một điểm hạn chế mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định là một số ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa ở một số môn học, ví dụ tiếng Việt lớp 1, ngữ văn lớp 6 và khoa học tự nhiên lớp 6 - còn xuất hiện quan điểm khác nhau, gây băn khoăn cho dư luận và người sử dụng.
Việc lựa chọn sách giáo khoa ở một số nơi, một số thời điểm còn khó khăn. Việc thực hiện tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa đối với một số môn học thực hiện bằng hình thức trực tuyến nên việc tương tác hai chiều hạn chế.
Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam từ chỗ phát hành 100%, nay thị phần còn 71,8%
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính tới thời điểm hiện tại có 7 nhà xuất bản và 12 công ty cổ phần tham gia biên soạn, liên kết biên soạn.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, so với chương trình giáo dục phổ thông 2006, số tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhiều gấp ba lần.
Cho tới thời điểm này, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo có 826 đầu sách. Trong đó có những đầu sách có nhiều sách giáo khoa do các đơn vị khác nhau biên soạn và được phê duyệt.
Việc lựa chọn sách giáo khoa thực hiện theo quy trình lấy ý kiến giáo viên, tổ chuyên môn ở cấp trường. Dựa trên danh mục tổng hợp sách giáo khoa do các nhà trường lựa chọn, UBND cấp tỉnh phê duyệt gửi nhu cầu cung ứng sách đến các đơn vị xuất bản.
Sau ba năm triển khai, tỉ lệ phát hành (thị phần) giữa các đơn vị xuất bản có sự thay đổi. Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam từ chỗ phát hành 100% thị phần nay còn 71,8%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận