Trước đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có văn bản báo cáo phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn TP.HCM - Long Thành).
Đề xuất của VEC đưa ra bốn phương án. Trong đó, VEC đề xuất thực hiện phương án 2: đầu tư với cơ cấu nguồn vốn hỗn hợp (VEC + NHTM) và có sự tham gia của ngân sách nhà nước.
Sau khi xem xét báo cáo của VEC, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng trong điều kiện hiện nay, phương án đầu tư với cơ cấu nguồn vốn có sự tham gia của ngân sách nhà nước (phương án 2) là phương án có tính khả thi nhất.
Lý giải việc này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết phương án này phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, phát huy lợi thế của VEC hiện đang là chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác.
Việc tiếp tục giao VEC làm chủ đầu tư mở rộng dự án sẽ đảm bảo tính đồng bộ của toàn dự án.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện ngắn hơn do không phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Việc đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án thông qua tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp đầu tư vào dự án sẽ thực hiện được việc thu giá phù hợp với các quy định hiện hành nhằm thu hồi vốn đã đầu tư và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp và phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Thường trực Chính phủ.
Mặt khác, phương án VEC kiến nghị đầu tư mở rộng dự án là phương án đầu tư công nên dự án phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn và phải trình Quốc hội cho phép giao vốn trực tiếp cho VEC.
Trường hợp VEC được cấp có thẩm quyền quyết định giao làm chủ đầu tư dự án, các vướng mắc về việc tăng vốn điều lệ, giãn thời gian hoàn trả khoản tiền gốc trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022 - 2027 sang hoàn trả trong giai đoạn 2032 - 2035 và khoản lãi phát sinh của khoản tiền này, VEC hoàn trả trong giai đoạn 2027 - 2036 cần phải được tháo gỡ, giải quyết.
Trường hợp VEC không đủ điều kiện được giao làm chủ đầu tư dự án, đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về hình thức đầu tư dự án.
Kiến nghị sớm mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 - 12 làn xe
Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài 55km, quy mô 4 làn xe đã được đưa vào sử dụng từ năm 2016, là tuyến giao thông quan trọng kết nối TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên sau khi đưa vào khai thác chỉ vài năm, tuyến cao tốc đã bắt đầu quá tải và trong vài năm trở lại đây, lưu lượng xe cộ lưu thông trên tuyến ngày càng đông dẫn đến tình trạng ùn ứ diễn ra thường xuyên.
Vì vậy, tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ gần đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho hay dự án sân bay quốc tế Long Thành hiện còn đang xây dựng nhưng tình trạng kẹt xe trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã rất nghiêm trọng.
Cụ thể, đoạn từ cầu Long Thành (huyện Long Thành giáp với TP.HCM) đến đại lộ Mai Chí Thọ (TP.HCM), xe luôn kẹt gây ùn tắc giao thông.
Vì vậy, Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần sớm triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 - 12 làn xe nhằm bảo đảm giao thông và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận