Liên hoan giáo viên trẻ tiêu biểu TP.HCM lần 1-2008:
Phóng to |
Giáo viên trẻ xem đồ dùng dạy học sáng tạo tại triển lãm “Giáo viên trẻ TP.HCM làm theo lời Bác” - Ảnh: Minh Đức |
Trong khuôn khổ liên hoan giáo viên trẻ tiêu biểu TP.HCM, chiều 16-11 Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức buổi “Gặp gỡ và đối thoại” giữa lãnh đạo TP và 96 giáo viên trẻ tiêu biểu.
Tại buổi gặp gỡ, nhiều giáo viên đã đề nghị cải tiến vấn đề lương, thưởng; lập quỹ hỗ trợ kinh phí cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao tay nghề, xây nhà ở bán trả góp cho giáo viên, giảm tải chương trình, được nâng cao trình độ lý luận chính trị...
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: “Chọn nghề giáo, các bạn trở thành người ươm mầm cho tương lai, là người sẽ mang đến cho học sinh, sinh viên niềm mơ ước, khát khao cống hiến, làm chủ đất nước trong tương lai, là một chọn lựa chấp nhận nhiều hi sinh thầm lặng”.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua chia sẻ: “Mong giáo viên trẻ, đặc biệt là giảng viên trẻ dành nhiều thời gian nghiên cứu khoa học, đồng thời tham gia công tác quản lý, đoàn thể của nhà trường. Chúng tôi sẽ đề nghị Ban tổ chức Thành ủy trong công tác quy hoạch cán bộ ngành giáo dục nên quan tâm đến đội ngũ giáo viên trẻ. Bàn với Trường Cán bộ TP tăng thêm các lớp lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên”.
Dự kiến 96/247 gương mặt giáo viên trẻ tiêu biểu trong sự nghiệp giáo dục sẽ được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương vào tối 18-11.
Trước đó, sáng 16-11 Thành đoàn TP.HCM triển khai diễn đàn “Trách nhiệm và vai trò của đội ngũ giáo viên trẻ trong quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục” với 100 giảng viên trẻ từ mẫu giáo đến cao đẳng, đại học tại TP.
Diễn đàn xoay quanh mẫu hình giáo viên trẻ trong xu thế hội nhập và phát triển, trách nhiệm người thầy trong xây dựng môi trường giáo dục thân thiện - người học tích cực, người đoàn viên - giáo viên và sức sống chi đoàn. Nhiều ý kiến cho rằng cần chọn người đoàn viên - giáo viên đầu tàu có nhiệt tâm, sáng kiến, trẻ trung... mới có thể dẫn dắt hoạt động tại cơ sở nhuần nhuyễn.
Các đại biểu đề xuất các cấp lãnh đạo Đoàn, chi đoàn có thái độ quan tâm khách quan và chia sẻ nhiều hơn đối với những người vừa làm công tác chuyên môn vừa hoạt động phong trào. Thành đoàn TP.HCM cũng triển lãm 70 ảnh “Giáo viên trẻ TP.HCM làm theo lời Bác” giới thiệu các sản phẩm, công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo, tranh ảnh, học cụ mới… áp dụng từ sáng kiến của các giảng viên trẻ. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 21-11 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.
Phóng to |
TS Từ Diệp Công Thành - Ảnh: M.Đức |
* Xu hướng một số bạn trẻ khi du học thường tìm đất dụng võ bằng cách ở lại, vậy tại sao anh trở về và chọn nghề giáo?
- Trước khi sang Hàn Quốc nghiên cứu luận án tiến sĩ, tôi đã là người của ĐH Bách khoa TP.HCM. Ngay lúc học tôi luôn tâm niệm phải học hết tốc lực để về VN. Hoàn thành chương trình tiến sĩ với thời gian ngắn nhất, vị giáo sư hướng dẫn tôi muốn giữ tôi ở lại làm công tác nghiên cứu. Tôi bảo ở đây tôi cũng ngồi nghiên cứu trong khi môi trường nghiên cứu khoa học tại VN quê tôi còn mênh mông lắm dù còn khó khăn về cơ sở vật chất. Tôi thuyết phục và thầy đã cho tôi mang thiết bị về nước để tiếp tục làm công tác nghiên cứu.
Với tôi, ngoài công tác giảng dạy tôi còn đam mê nghiên cứu khoa học. Và tôi cũng muốn truyền lửa đam mê ấy đến với sinh viên. Dĩ nhiên trong cái khó của nghề giáo hiện nay như thu nhập không cao, điều kiện làm việc còn khó khăn so với những lời mời hấp dẫn từ bên ngoài, nếu không yêu nghề sẽ dễ dàng lung lay. Tôi còn được ba mẹ, hai người cùng làm nghề giáo, luôn động viên tôi theo con đường nghề giáo. Câu hỏi tôi thường trao đổi với sinh viên: “Tại sao thầy Thành không ra ngoài làm công ty?”, nhiều sinh viên cho rằng ra ngoài làm sẽ có thu nhập cao, tiếp cận máy móc hiện đại và có mối quan hệ rộng. Tất cả điều ấy tôi đều có thể tìm thấy trong công việc của mình. Hiện tôi thu nhập đủ sống nhưng với việc nghiên cứu khoa học cũng đem lại nguồn thu nhập cho tôi.
Hiện trường bên Hàn Quốc vẫn mời gọi với mức lương 22.000 USD/năm, chỉ dạy ba tiết/tuần và mỗi bài báo quốc tế tôi viết sẽ được trả 5.000 USD. Tôi vẫn thích là một ông thầy. Làm sao vai trò của SV được nâng cao hơn. Khuyến khích sinh viên trao đổi, nghiên cứu, tôi chỉ là người giúp các bạn chứng minh đâu là đúng, sai. Tôi thường đi ngược lại, đưa ra vấn đề sai để từng nhóm sinh viên tìm hiểu sửa lại cho đúng. Mỗi nhóm mỗi hướng và tôi sẽ là người giúp sinh viên tìm ra phương pháp đúng. Học theo cách này sinh viên sẽ học hỏi lẫn nhau, giờ học luôn hào hứng.
Không chỉ truyền thụ chuyên môn, khi giảng dạy tôi cũng quan tâm nắm bắt quan điểm sống của sinh viên, hướng tư tưởng cho các bạn. Học sao để xứng với kỳ vọng của cha mẹ, không phí sức ông thầy và phải sử dụng quỹ thời gian tốt nhất.
* Để rút ngắn thời gian học tập của mình tại Hàn Quốc, anh đã phải học như thế nào?
- Ngay khi còn là sinh viên tôi cũng đã rút ngắn thời gian học ĐH chỉ còn ba năm rưỡi. Đấy là nhờ tinh thần quyết liệt, nỗ lực hết mình bằng tất cả khả năng, giam mình vào vòng học hỏi. Đôi khi cũng “liều” nhận trách nhiệm và tìm mọi cách hoàn thành. Đi vào thực tế và kiểm nghiệm thực tế.
* Nhưng cái khó với giảng viên trẻ khi tham gia giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học còn không ít?
- Điều kiện được mời dự hội thảo khoa học quốc tế đã khó, kinh phí tham gia các hội thảo khoa học quốc tế và trong nước dành cho giảng viên trẻ dường như không có. TP có thể có quỹ tạo điều kiện để giảng viên trẻ ít nhất được tham gia một hội thảo khoa học để họ được trình bày ý tưởng mới cũng như học hỏi tiếp thu cái mới.
Hiện nay tôi đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực cơ điện tử y sinh. Tôi đang nghiên cứu đề tài cấp bộ là “Nghiên cứu chế tạo một số thiết bị y tế tập phục hồi chức năng cho khớp gối” (kinh phí 500 triệu đồng) và đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị kéo cột sống và thử nghiệm hỗ trợ điều trị lồi đĩa đệm đốt sống thắt lưng” (kinh phí 680 triệu đồng). Tôi ấp ủ rất nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ trong lĩnh vực y học...
Nếu thật sự yêu nghề, chủ động đề xuất thì những rào cản sẽ dần được tháo gỡ.
---------------
Công cụ lao động chính là nhân cách người thầy
Phóng to |
Giảng viên Đặng Tất Dũng - Ảnh: M.Đức |
- Tôi thích nghề giáo từ nhỏ. Thật sự cũng có đôi lần băn khoăn về thu nhập nhưng tôi có lý tưởng sống rõ ràng: đi dạy không tạo nên số lượng tiền lớn nhưng tạo nên giá trị kiến thức lớn. Nếu làm luật sư, mỗi lần tôi chỉ tư vấn cho một người. Làm giảng viên, mỗi lần tôi truyền đạt kiến thức cho 50 người. Điều quan trọng của cuộc sống là được làm điều mình yêu thích và cảm thấy công việc đó có ý nghĩa rõ ràng. Thêm nữa, tôi cũng được gia đình ủng hộ.
* Điều gì khiến anh quan tâm nhất hiện nay?
- Tôi quan tâm đến việc làm sao chuyển tải hết lượng kiến thức trong bài và sinh viên tiếp nhận nó một cách thích thú. Một ngày tôi làm việc 12-13 giờ. Ngoài thời gian dạy ở trường, buổi tối về nhà tôi phải chấm bài, soạn giáo án, làm học cụ, đọc sách, suy nghĩ ra những phương pháp dạy mới lạ, cuốn hút sinh viên...
* Theo anh, giảng viên, giáo viên trẻ ngày nay cần chú trọng yếu tố gì?
- Tôi nghĩ giáo viên trẻ cần rèn luyện cả chuyên môn lẫn đạo đức, tác phong. Trong sư phạm có một câu đại loại như thế này: nghề sư phạm được xem như một nghề đặc biệt mà công cụ lao động đặc biệt quan trọng là nhân cách người thầy.
* Mọi việc đối với anh có vẻ như rất thuận lợi: tốt nghiệp đại học loại giỏi, được giữ lại trường. Sau hai năm làm trợ giảng, thi đậu học bổng du học ở Hàn Quốc. Về nước, đi dạy rồi trở thành phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật…?
- Để có được học bổng, tôi phải trải qua một quá trình học tập, phấn đấu cả về chuyên môn lẫn ngoại ngữ. Khi về nước, tôi trình bày ý tưởng thành lập trung tâm ứng dụng và phổ biến pháp luật với hiệu trưởng Trường ĐH Luật. Ngoài việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo, trung tâm còn mang lại những bài học thực tiễn hết sức bổ ích cho giảng viên, sinh viên. Viết đề án lần một rồi lần hai đều bị bác vì chưa thuyết phục, tôi không nản lòng, viết lại đề án lần ba và cuối cùng trung tâm cũng ra đời.
Hè 2008, trung tâm đã thực hiện việc đưa pháp luật đến với các khu công nghiệp, khu chế xuất bằng các phiên tòa tập sự, kịch pháp luật, tư vấn trực tiếp tại chỗ... và đã có hơn 10.000 lượt công nhân được tư vấn qua chương trình này. Trung tâm tư vấn pháp luật hiện có 30 giảng viên làm tư vấn viên, 90 sinh viên làm cộng tác viên với nhiệm vụ trợ giúp pháp luật cho người nghèo, tư vấn pháp luật, làm đầu mối liên kết giữa nhà trường và các đơn vị sử dụng lao động. Chúng tôi đã tổ chức một số buổi tọa đàm, hội thảo để lắng nghe các doanh nghiệp, xem họ mong muốn luật sư tương lai phải đạt chuẩn chất gì. Sắp tới chúng tôi sẽ làm một cuộc khảo sát về vấn đề này sau đó gửi lên hội đồng đào tạo nhà trường để họ cải tiến chương trình phù hợp với thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận