Cảnh trong vở kịch thiếu nhi Làm bạn với bầu trời do biên kịch Việt Linh chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - Ảnh: HỒNG HẠC
1 Đã qua nhiều trải nghiệm, nhưng tôi nhớ nhất chọn lựa liên quan vật chất lần quay phim Mê Thảo. Đó là năm 2002 khi chúng tôi quay ở Sơn Tây, "đập hộp" máy ARI 4 của Hãng phim Quân đội.
Tôi ngồi sau máy cùng thư ký, DOP trên đỉnh đê, theo dõi xe thổ mộ đạo cụ di chuyển bên dưới. Bỗng xe gãy bánh sụm xuống! Theo phản xạ tức khắc, mọi người chạy ào đi xem có tai nạn hay không.
Tôi cũng nhớm chạy nhưng nhận ra chỉ còn mình với đống máy triệu đô, lọt thỏm trong biển người tham quan luôn phấn khích. Mắt vẫn dán về sự cố không quá nghiêm trọng bên dưới, tôi chọn ngồi giữ máy, phòng ai đó vô tình/ cố ý gây hỏng.
Sự cố được chủ nhiệm, phó đạo diễn - những người trách nhiệm trực tiếp thu xếp ổn, tôi tiếp tục cảnh quay khác theo tiến độ, định bụng tới thăm ông bà cụ diễn viên khi buổi quay xong.
Đang làm việc bỗng có hai thanh niên hùng hổ xông tới, la mắng "con mụ đạo diễn" vô tình! Không thể phân thân chu đáo, nhưng rõ ràng trong khoảnh khắc đó, đầu tôi chỉ kịp suy nghĩ bảo vệ tài sản công, mà nếu hư hao sẽ kéo theo bao hệ lụy.
Chuyện không có gì, các cụ bình an, có thù lao hậu; nhưng trong tôi mãi mãi ám ảnh một chọn lựa xa đức tính.
Tôi nhớ câu chuyện này khi đọc tin Bệnh viện Papa Giovanni ở thành phố Bergamo (Ý) bị Covid đánh gục.
Cái tên Bergamo làm tôi chú ý bởi nơi đó có LHP tôi từng dự, từng hòa vô biển người biểu tình chống Mỹ bỏ bom Iraq, Mê Thảo nhận giải Bông hồng vàng. Nhưng nhói não tôi hơn là lời kêu thống thiết của các nhân viên y tế.
Họ kể "xe cấp cứu ở đây không hú còi nữa, bởi nó khiến người dân thêm sợ hãi". Rằng các khu chăm sóc đặc biệt bão hòa không tiếp nhận bệnh nhân trên 70 tuổi, bởi cơ hội sống của họ rất thấp. Y sĩ Busi nói điều đau lòng nhất là những người già phải chết cô đơn.
"Chết trong cô độc là điều rất khó để chấp nhận, bởi nó không phải văn hóa của chúng tôi. Chúng tôi luôn sống gắn bó với nhau". Một chọn lựa quá nghiệt ngã.
2 Mùa xuân này tôi chọn chuyển thể kịch tiểu thuyết Làm bạn với bầu trời của Nguyễn Nhật Ánh, vì tính duyên dáng cùng cốt truyện lâm ly.
Chuyện kể về cậu bé Tèo mà khi kết thúc vẫn không biết tông tích cha mình. Bằng trái tim nhạy cảm phương Đông và trải nghiệm thực tế phương Tây - điều 7 Công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định trẻ em có quyền biết cha mẹ mình và được cha mẹ chăm sóc.
Thậm chí năm 2016 các nhà lập pháp Đức đã hoàn tất dự thảo luật bắt buộc các bà mẹ phải khai thật cha ruột của con nếu chồng họ yêu cầu - tôi băn khoăn cái kết của anh Ánh quá đau cho nhân vật tám tuổi.
Để đo cảm xúc, tôi tham khảo ý kiến tám diễn viên nhí học sinh Trường quốc tế Nam Mỹ UTS - đơn vị hợp tác với Hồng Hạc, và nhiều cộng sự trước khi tập.
Đa số đồng quan điểm với tôi, theo đó cuối kịch Tèo sẽ có ba là chú Vịnh. Vẫn bối rối, dù tôi vốn đề cao quan điểm gia đình-hiện đại, ngày tổng diễn nội bộ, tôi mời vài bạn thân thiết đến xem.
Hai bạn muốn giữ kết văn học, rằng nỗi đau là hiện thực, nghệ thuật có tránh thì nỗi đau vẫn y nguyên.
Cán cân cảm xúc trong tôi nghiêng, và khi con tôi - cô gái trẻ sinh trưởng bên Tây - nói thực tế có nhiều trẻ không cha, ta nên chấp nhận, bù đắp bằng những tình yêu-không huyết thống; thì kết kịch trở về nguyên bản: Tèo tạm không biết cha, nhưng em lại được ba người cha khác - cậu ruột, cha kế, chú của bạn - yêu thương.
Không có lựa chọn nào đơn giản, cùng nhà văn, tôi chọn nỗi đau được băng bó chứ không duy lý trí. Đó là lời cảm thông với muôn vạn bé Tèo trong cuộc sống, lòng tin vào hạnh phúc của những gia-đình-không-ruột-thịt, vào nỗi đau mạnh mẽ. Và rằng, trong nghịch cảnh, tình yêu trỗi dậy…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận