Phóng to |
Cô Phan Thị Kim Loan (đứng) hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành xây dựng một chương trình phát thanh - Ảnh: Q.L. |
Dạy từ thực tế cuộc sống
Sinh viên cần tiếp cận với thực tế, làm quen với công việc không phải đợi đến tốt nghiệp mà phải là ngay khi lên lớp mỗi ngày. Ý nghĩ đó thôi thúc nữ giảng viên trẻ Phan Thị Kim Loan - Trường CĐ Phát thanh truyền hình II - xây dựng cho mình những bài giảng gần với thực tế.
Ngoài các buổi lý thuyết làm cơ sở, những buổi học của cô Loan luôn là những buổi trò chuyện, trao đổi với một nhân vật nào đó đang làm nghề - nhà báo, họa sĩ, biên tập viên... Để kết thúc buổi học ấy, sinh viên sẽ khám phá thêm kỹ năng làm nghề hoặc bài học kinh nghiệm khi được trò chuyện với khách mời.
Có khi sau những buổi lên lớp về chương trình phát thanh, cô và trò lại cùng nhau xây dựng kịch bản cho một chương trình phát thanh về một vấn đề thời sự đang diễn ra. Và kiến thức lý thuyết nền tảng đã trở nên dễ nhớ hơn từ cách làm ấy.
Cũng vì sợ học trò thua thiệt mà Kim Loan vừa hoàn thành đề tài khoa học về lịch sử báo chí VN từ khởi thủy đến năm 2000. Cô lý giải: “Mình thực hiện công trình này như một biên niên sử của lịch sử báo chí VN, để sinh viên trường mình có thể đọc thêm ngoài những tiết học trên lớp”.
Cô Kim Loan vẫn viết bài cộng tác cho một số tờ báo, biên tập cho Bản tin quận 4 như một cách để không quên nghề và có thêm kinh nghiệm thực tế truyền lại cho học trò. Đây là năm thứ hai cô Loan nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”, trong số ít ỏi những giảng viên các trường cao đẳng toàn TP.
_________
Phóng to |
TS Nguyễn Bá Hải (trái) trao đổi cùng các chuyên gia nước ngoài về hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực công nghệ cao - Ảnh: Q.L. |
Đam mê ôtô, Nguyễn Bá Hải - chàng sinh viên quê Thanh Hóa - chọn Hàn Quốc để xin học bổng cao học ngay từ lúc chưa tốt nghiệp đại học. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp đại học vài tháng, Hải sang Hàn Quốc với học bổng cao học toàn phần của Chính phủ.
Tiếp đó, Hải giành được suất nghiên cứu sinh bằng học bổng của Tập đoàn Hyundai. Lúc ấy Hải vừa 25 tuổi, cũng không dám khẳng định mình có thể hoàn thành luận án tiến sĩ trong hai năm. Hiện tại, ở tuổi 28, Nguyễn Bá Hải vẫn là tiến sĩ trẻ nhất chuyên ngành ôtô của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Không ai hiểu nổi làm sao TS Hải có thể sắp xếp được thời gian khi mỗi năm giảng đến hơn 1.300 tiết cùng vô số buổi báo cáo chuyên đề, chưa kể tư vấn cho một số doanh nghiệp chuyên về ôtô. TS Hải hài hước: “Nếu không được làm việc sẽ thấy mình vô dụng lắm”.
Bao nhiêu ấp ủ, thai nghén và cuối cùng Hải cho ra đời khóa học mà bất kỳ ai quan tâm cũng đều có thể đăng ký với học phí...1 đôla/khóa. Cùng với bộ thí nghiệm đa năng HDL-9000, khóa học ấy phổ cập những kiến thức cơ bản nhất về khoa học kỹ thuật đến cộng đồng: sau khi nghe lý thuyết, học viên thực hành ngay với bộ thí nghiệm ấy. Khóa học đã đến nhiều trường học, công ty và còn đi xa hơn, đến nhiều tỉnh thành cả nước.
TS Hải vừa nhận quyết định mới, sẽ rời nhiệm vụ phó chủ nhiệm bộ môn điện tử - ôtô để vào vị trí phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng giáo viên và đào tạo nhân lực công nghệ cao (thuộc Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) tháng 12 tới. Một trung tâm mới toanh, hình thành bằng nguồn vốn ODA với gần 140 tỉ đồng, và đã có ngay đơn đặt hàng đào tạo cho 400 giảng viên cao đẳng cả nước từ Bộ Giáo dục - đào tạo.
Liên hoan “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức sẽ diễn ra hôm nay (17-11) với một số hoạt động: dâng hoa báo công tại bến Nhà Rồng, triển lãm hình ảnh, hội ngộ gương mặt đoạt giải các năm và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 2011. Không tự bằng lòng với những điều sẵn có, họ âm thầm tìm cho mình những cách riêng để xóa nhòa khoảng cách giữa lý thuyết với thực tiễn ngành nghề được đào tạo. Một lớp những thầy cô giáo trẻ của TP.HCM không ngại khó khi quyết định chọn cho mình lối đi ấy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận