Khi hành khách chọn sử dụng tính năng "chuyến xe yên lặng", tài xế sẽ nhận được thông báo giữ im lặng trong suốt chuyến đi, trừ khi khách cần hỗ trợ.
Đặt thử chiếc xe 4 chỗ của một hãng xe công nghệ từ cơ quan về nhà, tôi chọn vào tính năng "chuyến xe yên lặng" vì quá ngán ngẩm với những tài xế nói nhiều từng gặp.
Sợ khách ngủ gật mới hỏi
Ngoài cuộc gọi báo đã tới chỗ, khi leo lên xe, tôi chỉ nhận được đúng một cái gật đầu chào của tài xế này. Anh vẫn cười thân thiện với khách, song không hề nói thêm câu gì.
Nếu là chuyến xe bình thường, bác tài thường bật nhạc hoặc radio để nắm được tình hình giao thông.
Nhưng trong chiếc xe tôi chọn tính năng yên lặng, hoàn toàn không có những âm thanh như thế. Yên lặng đến độ có thể nghe được tiếng máy lạnh của xe đang thổi bên tai.
Tôi cảm thấy thoải mái khi không phải tham gia vào những cuộc trò chuyện mà mình không mong đợi. Càng quý hơn khi tận dụng được thời gian này để thư giãn sau ngày làm việc mệt mỏi.
Dù không trò chuyện nhưng thỉnh thoảng bác tài vẫn để ý xem hành khách có cần phục vụ gì không. Sự yên lặng này hoàn toàn không phải thờ ơ, mà là sự tôn trọng đối với không gian cá nhân của khách hàng.
Gần đến điểm trả khách, anh tài xế tuổi trạc ngoài 40 vẫn nhỏ nhẹ cười xác nhận lại địa chỉ. Anh không tỏ ra khó chịu chút nào, còn cảm ơn khách. Tôi cũng đáp lại người tài xế mình chỉ nghe được vỏn vẹn 3 câu từ khi bắt chuyến xe bằng cái đánh giá 5 sao.
Trải nghiệm chuyến xe yên lặng của tài xế xe máy cũng đem lại cho tôi cảm giác tương tự. Thỉnh thoảng bác tài vẫn quay sang hỏi vì sợ khách ngủ gật rồi thôi, chứ không nói liên tù tì như một số tài xế khác.
Tuy nhiên, chuyến xe yên lặng chỉ thật sự thoải mái với những lúc hành khách cần sự yên tĩnh.
Có lần nhóm bạn bốn người chúng tôi đặt xe công nghệ bốn chỗ để đi chơi. Vì muốn có sự thoải mái cho nhóm bạn nên tôi chọn chức năng chuyến xe yên lặng.
Thế nhưng khi lên xe ai cũng sượng trân vì tài xế không nói câu nào khiến cả nhóm cũng chẳng dám hé răng.
Khi xe dừng đèn đỏ, tài xế cũng chỉ ngó nghiêng qua bản đồ xem lại đường đi, không hề nói gì với hành khách. Chúng tôi trở thành những người "vô hình" trong xe.
Sự thoải mái tan biến, tôi và nhóm bạn chỉ còn lại cảm giác ngại ngùng.
Hành khách và tài xế ngồi chung xe nhưng cứ ngỡ có một khoảng cách xa, chẳng nói chẳng nhìn. Dường như chúng tôi đều có cảm giác mất kết nối.
Nói thì sai yêu cầu của khách, không nói bị 1 sao
Thế nhưng nhiều tài xế không khỏi tâm tư khi nhận những cuốc xe mà khách yêu cầu im lặng.
Chị Trần Thị Phan Chi, tài xế xe công nghệ ở quận 10 (TP.HCM), cho biết: "Những lúc nhận cuốc xe kiểu này ngán lắm, bởi mình hiểu đây đa phần là khách khó tính. Tôi phải đoán ý khách hàng ngay từ lúc xe bắt đầu lăn bánh, rằng liệu người khách này có muốn trợ giúp gì không.
Điều này có thể gây ra sự căng thẳng không cần thiết và đôi khi gây ra những tình huống khó xử".
Tình cảnh càng oái oăm khi chị Chi cho biết có những lần khách yêu cầu chuyến xe yên lặng, chị tuân thủ nhưng vẫn nhận về đánh giá 1 sao.
"Mở app ra thì khách đánh vào lý do là tài xế không thân thiện. Muốn té ngửa luôn đó trời, nói thì sai yêu cầu của khách, mà không nói lại bị đánh giá không thân thiện", chị Chi chia sẻ thêm.
Còn với anh Nguyễn Văn Thức (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) nhận cuốc của những khách đặt chuyến xe yên lặng anh cảm thấy không thoải mái.
Anh cho biết: "Mình hoạt ngôn nhưng cũng biết chừng mực, đâu phải cái gì cũng hỏi, cái gì cũng nói đâu. Nhiều khi lên xe chở khách im re chẳng khác nào chở món hàng. Nhưng mà thôi, làm dịch vụ phải chịu, nếu im lặng mà khách cảm thấy thoải mái thì cũng ráng".
Anh Thức cho biết thêm số người đặt chuyến xe yên lặng cũng khá ít, cả tháng đôi khi anh chỉ nhận khoảng 2-3 cuốc như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận