Ba thí sinh vào chung kết không chênh lệch nhiều nên Chuông vàng vẫn là cơ hội để ngỏ cho cả ba, từ trái qua: Mỹ Tiên, Diễm Ngọc và Hồng Trang - Ảnh: LÊ THÚY BÌNH
Sự cố dậy sóng sau đêm chung kết 3 tối 22-9 (vì thí sinh bị loại tuy có chất giọng tốt nhưng lại "hạn chế" về sắc vóc, Tuổi Trẻ ngày 24-9) càng khẳng định vẫn còn rất nhiều khán giả quan tâm, theo dõi Chuông vàng. Chính vì yêu mến nên họ đặt nhiều kỳ vọng, và có quan tâm họ mới phản ứng với những gì họ cho rằng không hợp lý.
Phái nữ lại chiếm lĩnh
Đã có mùa giải khi đi đến vòng chung kết xếp hạng, ba thí sinh bước tiếp vào vòng trong chỉ toàn là nữ. Năm nay, càng buồn hơn khi chỉ có một thí sinh nam là Lê Trung Tuấn trong chín thí sinh được chọn vào vòng chung kết. Thế nhưng mới đêm chung kết đầu tiên Tuấn đã không thể trụ lại, từ đó chỉ còn các cô gái thi thố cùng nhau. Thiếu thí sinh nam khiến các vòng thi cũng giảm bớt phần thú vị.
Nhìn rộng ra sàn diễn cải lương hiện tại ở phía Nam, thật hiếm hoi kép trẻ có đủ sắc vóc, giọng ca và khả năng diễn xuất để đảm nhiệm vai chính. NSƯT Hữu Quốc từng than: "Mỗi lần kiếm kép trẻ thật khó khăn, nhìn qua nhìn lại cũng chỉ có được Võ Minh Lâm".
Diễm Ngọc
Năm nay, chất lượng giọng ca so với các năm trước không vượt trội. Những mùa giải trước có các giọng ca gây ấn tượng như Thu Vân, Võ Thành Phê, Minh Trường, gần đây là Nguyễn Văn Khởi, Kim Cương... Năm nay, các giọng ca được chọn sàn sàn nhau, không có giọng ca nào gây chú ý từ những vòng thi đầu tiên.
Trong các thí sinh, Phạm Huyền Trâm không phải là giọng ca xuất sắc nhưng gây cảm tình bởi sự đa dạng, có thể ca trong diễn, diễn trong ca tốt từ màu hài tới bi. Rất tiếc cô đã bị loại trong đêm chung kết 3 và gây một luồng sóng phản ứng từ khán giả tới người trong giới.
Người thường xuyên đạt số điểm cao trong các đêm thi là Lê Hồng Trang. Giọng Trang tương đối có nét riêng, ẩn chứa màu u uẩn, khá phù hợp với vai đào thương. Tuy nhiên, nếu cô không tiết chế, vài chỗ ca còn bị "sét", cách nhấn nhá vẫn còn chưa điêu luyện. Trang còn thiếu kinh nghiệm nên diễn xuất còn vụng về.
Mỹ Tiên
Định hướng nào cho thí sinh?
Không chỉ dừng lại ở trường hợp gây tranh cãi của Huyền Trâm, các nhà chuyên môn đang bày tỏ những băn khoăn. Soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng cách ngân, luyến trong bài bản cải lương hay là nhờ cách xử lý của từng nghệ sĩ sao cho phù hợp với tình huống, tính cách nhân vật.
Ông lấy ví dụ như nghệ sĩ Bạch Tuyết khi hát trong Đời cô Lựu có bài ca đúng lý phải hát chữ xê - xang, nhưng bà ca luôn hai chữ xang mà không ai bắt bẻ vì nó hay, phù hợp tâm lý nhân vật, vì vậy việc bắt bẻ thí sinh cần phải cân nhắc, không nên gò bó thí sinh theo ý muốn chủ quan.
Về cách đánh giá của một số vị trong hội đồng nghệ thuật giải Chuông vàng những năm gần đây, ông lo ngại: "Có giám khảo cho rằng cứ phải hát bắn, chồng cao khoe hơi một cách bất chấp, hệ lụy là đã có một sự sai lệch trong suy nghĩ, làm nghề của một số bạn diễn viên trẻ bước ra từ cuộc thi. Đúng tâm lý hay không đúng tâm lý nhân vật cũng hát bắn lên, hơi đủ hay không đủ cũng ráng gào lên, không quan tâm tới cảm xúc nhân vật. Nếu quan niệm như vậy thì những Mỹ Châu, Thanh Nga, Út Bạch Lan... với chất giọng mùi mẫn, tinh tế trong từng bỏ nhỏ sao đứng trên sân khấu được".
Từng là huấn luyện viên nhiều năm của giải Chuông vàng vọng cổ, NSƯT Lê Tứ đau đáu: "Chuông vàng vọng cổ không chỉ có phần thi ca, mà vô những vòng trong còn có phần thi ca trích đoạn, ca trong diễn. Phải hiểu rằng ca trong diễn khác với ca salon. Tùy theo tình huống, không thể cứ bắt thí sinh ca chồng, ca bắn lên để khoe giọng được, vì như thế có thể không phù hợp với tình huống, tâm lý nhân vật lúc đó".
Ông Lê Nguyên Đạt - trưởng khoa kịch hát dân tộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM - cho rằng qua bao nhiêu năm, Chuông vàng vọng cổ ngày càng tỏ ra chuyên nghiệp trong khâu tổ chức.
Tuy nhiên, ông bày tỏ cần một sự cân nhắc trong việc chọn người mời vào hội đồng nghệ thuật: "Không nên chọn họ chỉ vì thương hiệu cá nhân, mà họ phải có được tiếng nói giá trị, xác đáng để chọn người xứng đáng trao giải vàng. Ngay cả ban huấn luyện khi phát biểu về thí sinh cũng nên nói rõ về chuyên môn, ưu khuyết của thí sinh như một sự tư vấn cho hội đồng nghệ thuật, chứ không chỉ dừng lại ở việc trình bày cảm xúc như hiện tại".
Theo ông Hoàng Song Việt, để giảm bớt những trăn trở, bức xúc, có lẽ ban tổ chức nên có những thay đổi. Nên thống nhất về tiêu chí của cuộc thi. Tìm giọng ca hay trình độ ca? Trình độ ca bứt phá hay nghệ thuật? Nếu chỉ chú trọng ca để khoe hơi, khoe giọng thì thí sinh biết mà tìm trích đoạn cho phù hợp.
Còn theo ông: "Nếu tiêu chí của cuộc thi không có vấn đề thì phải làm việc rõ với giám khảo về tiêu chí. Nếu không thay đổi được thì bắt buộc phải thay giám khảo!".
Hồng Trang
Ra đời từ năm 2006 với tên gọi đầu tiên là Ngôi sao vọng cổ truyền hình, đến nay đã bước vào mùa Chuông vàng vọng cổ lần thứ 14, HTV chứng tỏ sự nỗ lực bền bỉ của những người thực hiện để duy trì một chương trình tôn vinh bài vọng cổ, nghệ thuật cải lương trên sóng truyền hình.
Một chương trình có tuổi đời 14 năm, theo thời gian tất nhiên sẽ phát sinh những vấn đề. Mong rằng những người thực hiện sẽ chịu khó lắng nghe, có sự cân nhắc, điều chỉnh hợp lý để Chuông vàng vọng cổ tiếp tục tạo được niềm tin từ khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận