Niềm vui của học sinh trường tiểu học Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An khi uống sữa học đường |
Tại hội thảo triển khai Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 (do Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế phối hợp tổ chức ngày 25-7), các chuyên gia về dinh dưỡng và chuyên gia giáo dục đã tập trung trao đổi về một thực trạng đáng lo ngại, khi dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ chưa được quan tâm đúng mức.
Rối loạn chuyển hóa do chế độ ăn
Về chuyện “chén xôi - ly sữa”, TS Bùi Thị Nhung phân tích: “Chén xôi có thể có lượng calo cao, nhưng lượng canxi lại rất thấp. Trong khi đó, ly sữa có lượng calo thấp hơn nhưng lượng canxi lại vượt trội”.
Cũng theo TS Nhung, thói quen uống sữa của trẻ em VN không được chú trọng một phần do quan niệm chưa đúng của các bậc phụ huynh, và nhiều nhà trường có bữa ăn bán trú chưa khoa học.
Còn bà Mai Hoa - phó phòng chính trị tư tưởng, phụ trách chung về công tác học sinh, sinh viên của Sở GD-ĐT Hà Nội - cho biết tại hội thảo trên: tình trạng trẻ em ở Hà Nội thừa cân, béo phì, còi xương vẫn cao (trên 40%), con số này ở TP.HCM là trên 50%.
Đặc biệt, tỉ lệ trẻ ở độ tuổi tiểu học bị rối loạn chuyển hóa do chế độ ăn uống đang gia tăng trong các năm gần đây.
TS Bùi Thị Nhung cho biết từ khảo sát của viện cũng cho thấy tình trạng trẻ thiếu vitamin, canxi, dẫn tới các vấn đề bất ổn về sức khỏe, trong đó nổi trội là còi xương, rối loạn chuyển hóa do béo phì.
Từ thực trạng trên, việc xây dựng thực đơn mẫu, đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng hợp lý cho trẻ lứa tuổi mầm non, mẫu giáo đang là vấn đề bức thiết.
Trong chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm xây dựng chương trình giáo dục dinh dưỡng và thể chất cho học sinh các cấp, tăng cường tổ chức bữa ăn, sữa học đường cho trẻ, xây dựng các mô hình dinh dưỡng...
Tháng 7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo, tiểu học. Trong đó Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp với Cục An toàn thực phẩm tiến hành nghiên cứu tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất của trẻ em VN theo quy định quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình sữa học đường.
Bổ sung sữa cho khẩu phần của học sinh
Các đại biểu đang xem sản phẩm sữa TH true milk |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Ngũ Duy Anh - vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT - cho biết từ những nghiên cứu về vai trò của sữa đối với học sinh, nên tháng 11-2016, Bộ GD-ĐT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn TH thực hiện Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Chương trình này đã triển khai rộng rãi ngay trong năm học 2016-2017, bắt đầu từ tỉnh Nghệ An.
Bà Thái Hương - chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH - cho biết khi triển khai chương trình, một thực trạng nhìn thấy khá rõ là có khá nhiều trẻ em vì nghèo mà không được uống sữa. Từ đó Quỹ vì tầm vóc Việt ra đời với sự đóng góp của xã hội.
Đây là quỹ hoạt động phi lợi nhuận, dưới sự giám sát của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Mặt trận Tổ quốc VN. Ngoài đối tượng dùng sữa thông thường, quỹ này sử dụng 100% nguồn huy động chi phí uống sữa cho trẻ em nghèo, 50% cho trẻ cận nghèo.
Tại hội thảo, đại diện Bộ GD-ĐT và các chuyên gia cũng thảo luận nhiều về những khó khăn trong việc triển khai Chương trình sữa học đường.
Không chỉ gặp khó khăn về tài chính cho công tác dinh dưỡng học đường, thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, mà một trở ngại rất lớn là nhận thức của phụ huynh về vai trò của sữa đối với trẻ em. Việc không tập thói quen cho trẻ uống sữa và dùng các chế phẩm từ sữa cũng dẫn tới tình trạng nhiều trẻ bị dị ứng với sữa.
Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, có nhiều địa phương đã sử dụng nguồn sữa chưa đảm bảo. Vì thế, rất cần những mô hình chuẩn, sử dụng sản phẩm sữa đúng quy định của Bộ Y tế để đảm bảo hiệu quả dinh dưỡng cho trẻ em.
Nghệ An: 311.000 học sinh tham gia Nghệ An là tỉnh đầu tiên triển khai Chương trình sữa học đường trên toàn tỉnh năm học 2016-2017, với 311.000 học sinh tại 21 huyện thị tham gia. Chương trình sử dụng đồng bộ sữa tươi học đường bổ sung vi chất dinh dưỡng theo đúng quy định của Bộ Y tế. Sau khi thực hiện chương trình này, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi giảm trung bình 2,85%, khả quan hơn mức giảm trung bình hằng năm từ 2010 đến nay (0,7%); tỉ lệ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi ở các trường mầm non cũng giảm 2,75%. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận