Người dân hay nhầm lẫn "bác sĩ online" thật - giả. Vậy làm thế nào để nhận biết được thông tin khuyến cáo, chăm sóc sức khỏe trên mạng là đúng?
Thật - giả lẫn lộn, chỉ nên tham khảo
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng), hiện nay với sự phát triển của công nghệ 4.0 thì việc tìm kiếm thông tin đã thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện ngành y đã áp dụng công nghệ thông tin để khám, chữa bệnh từ xa cho người dân.
"Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin trong việc phổ cập kiến thức y tế, truyền thông y tế đến người dân.
Trong dịch COVID-19, chúng ta đã truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội rất tốt. Trong đó, có cả hội nhóm do các bác sĩ thành lập đã tư vấn trực tuyến cho người bệnh vượt qua đại dịch", bác sĩ Hoàng khẳng định.
Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng cũng cho rằng việc sử dụng các trang mạng xã hội hiện nay người dùng phải biết chọn lọc thông tin. Người dân phải nhận thức rõ sức khỏe là vốn quý của mỗi người, không thể áp dụng một biện pháp, loại thuốc nào tùy tiện khi chưa được thăm khám, có chỉ định của bác sĩ.
"Nhiều người bán sản phẩm, họ chỉ cần mặc áo blouse hay đồng phục y tế rồi nói về công dụng của thuốc, tự kê đơn cho tất cả mọi người bất kể thể trạng thế nào. Trong khi đó, các bác sĩ luôn khuyến cáo người dân những triệu chứng bệnh thường gặp và hướng dẫn đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám. Những thông tin trên mạng xã hội, Internet chỉ nên mang tính chất tham khảo", bác sĩ Hoàng khuyến cáo.
Nghe tư vấn chăm bệnh hạ sốt, nhưng đừng tự chữa bệnh
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho hay bệnh viện tiếp nhận các trẻ chuyển biến nặng và nhanh do phụ huynh tự ý mua thuốc tại tiệm thuốc cho con uống tại nhà, thậm chí áp dụng các phương pháp điều trị chưa đủ cơ sở khoa học trên các mạng xã hội.
"Chỉ trong một số trường hợp như sốt thì có thể tự điều trị tại nhà vào ngày đầu tiên bằng cách uống thuốc hạ sốt, cấp vitamin C, uống nhiều nước, ăn nhiều bữa nhỏ...
Lý tưởng nhất vẫn là đến bệnh viện khi chúng ta có các triệu chứng bệnh để được chẩn đoán và xử trí đúng ngay từ đầu, nhất là trẻ dưới 2 tháng tuổi. Do đó phụ huynh không nên áp dụng những phương pháp chữa bệnh, đơn thuốc được kê từ các "bác sĩ online"", bác sĩ Tiến nói.
Nguy hiểm tính mạng khi theo hướng dẫn cắt tay chữa đột quỵ
Một bệnh nhân nam (60 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) nhập viện cấp cứu trong tình trạng năm đầu ngón tay chảy máu đầm đìa trước khi được đưa đến bệnh viện.
Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhân đột ngột liệt nửa người bên phải. Sau khi tham khảo "thầy thuốc online", vợ và người em của bệnh nhân nhanh chóng "cấp cứu" cho ông bằng cách lấy lưỡi lam cắt sâu vào các đầu ngón tay bên bị liệt.
Thấy máu ở các đầu ngón tay chảy nhiều nhưng bệnh nhân vẫn còn liệt nên gia đình đưa ông vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Sau đó, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhân dân 115 để kịp "giờ vàng".
PGS Nguyễn Huy Thắng - trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - khẳng định đến nay chưa có bằng chứng về việc cấp cứu người bị đột quỵ bằng cách chích máu từ đầu ngón tay. Nguyên tắc vàng khi phát hiện một người bị đột quỵ là cấp cứu kịp thời, giúp bệnh nhân thoát nguy cơ tử vong cũng như tàn phế.
Hay trường hợp thanh niên 18 tuổi (ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị tróc vảy toàn thân, da đỏ, da vùng lưng rạn nứt, người mệt mỏi, ớn lạnh... vì dùng thuốc mua trên mạng được quảng cáo là trị dứt bệnh vảy nến.
Bác sĩ CKII Nguyễn Vũ Hoàng - trưởng khoa lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM - khuyến cáo người bệnh không nên nghe theo những lời quảng cáo "có cánh", tự ý mua và sử dụng các loại thuốc uống hoặc thuốc bôi không rõ nguồn gốc, không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Không ít những trường hợp nguy kịch, đánh đổi sức khỏe khi nghe theo những "bác sĩ online", thế nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan làm theo.
Các bác sĩ nhiều chuyên khoa cảnh báo người dân tuyệt đối không nên áp dụng các phương pháp chữa bệnh trên mạng xã hội mà hãy chọn lọc thông tin tham khảo từ những bác sĩ chia sẻ trên website bệnh viện, tốt nhất nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị.
Cẩn thận với kiểu kê đơn, bốc thuốc cấp tốc
Trên một tài khoản TikTok với hơn 60.000 lượt theo dõi, cô gái trẻ mặc chiếc áo blouse tự xưng dược sĩ đông y hướng dẫn "mẹo chữa tận gốc bệnh tiểu đường". Cô gái này hướng dẫn một bài thuốc dân gian để "chữa tận gốc" bệnh tiểu đường tại nhà bằng đậu bắp và lá ổi.
Sau đó, cô gái này nhấn mạnh: "Tiểu đường là do thận yếu hoặc do tuyến tụy quá yếu dẫn đến không sản sinh được ra enzyme, nên đường huyết tăng... Chúng ta cần thải sạch độc tố trong cơ thể bằng cách uống ba viên bổ thận mỗi ngày, uống canxi dành cho người tiểu đường mỗi sáng".
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn - khoa nội tiết Bệnh viện Nội tiết trung ương, bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin (chứ không phải enzyme như cô gái này nêu) dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng.
Người mắc bệnh tiểu đường dẫn đến biến chứng suy thận, chứ không phải suy thận dẫn đến tiểu đường như "nữ dược sĩ" trên hướng dẫn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận