Mới sáng sớm em Cà Chua dằn dỗi hất mấy con cờ vô hộp, cất đi trước khi đến trường. Ngồi sau lưng mẹ, em Cà Chua có vẻ không vui tươi như mọi ngày. Mẹ hỏi sao thế, em tủi thân bảo: “Chẳng ai thèm chơi với em hết”.
Mẹ hiểu ra ngay vấn đề. Em Chua có tính luôn muốn mình chiến thắng. Dù chỉ là chơi oẳn tù xì với chị và mẹ, hay mấy trò đánh trận, trốn tìm với bọn trẻ con lau nhau chung ngõ, em đều tìm cách... ăn gian, sao cho mình không bị thua.
Nếu bị lật tẩy, em sẽ vùng vằng, gây gổ loạn xạ. Riết rồi không đứa trẻ nào muốn chơi với em Chua nữa...
Chị Cà Rốt lớn hơn em gần năm tuổi nhưng nhỏ con, tính hay tị nạnh. Em Chua lớn tướng, thích mách mẹ, cứ ít phút là chạy vô mách mẹ cái này cái khác. Tất nhiên toàn là chuyện vụn vặt.
Có hôm quá bận rộn, thấy con mình chỉ có mỗi việc chơi với nhau mà không yên, tôi chán nản buông một câu sai lầm: “Đánh nhau đi, đứa nào mạnh đứa đó thắng”!
Ngay sau đó, em Chua vốn còn quá tồ đã nhảy vô... giáp lá cà với chị. Nhường em là khái niệm không có trong từ điển của Cà Rốt, nên đương nhiên sau cuộc bể dâu là chúng ồn ào khóc lóc đòi phân xử.
Chị em ruột đã thế, huống gì khi chơi chung với bọn trẻ hàng xóm, hay anh chị em họ trong nhà. Các ông bố bà mẹ luôn phải đóng vai trò quan tòa hòa giải, cũng dễ hiểu.
Có người tranh thủ dạy con qua các trò chơi tập thể hay trí tuệ hoặc vận động này nọ. Không gì khiến trẻ dễ hòa đồng và hợp tác hơn khi được rủ rê chơi đùa này nọ, chứ bảo “dạy hoặc học” thì tâm lý chúng khác hẳn!
Tôi từng nhiều lần khuyến khích con gái làm một số việc nhà đơn giản, nhưng con bé tỏ ra thiếu hào hứng, nếu không muốn nói là lảng tránh.
Vậy mà khi tôi bảo cuối tuần này chúng ta chơi gọt rau củ, rồi nhồi bột làm bánh theo kiểu “chơi đồ hàng” thì Cà Rốt vô cùng thích thú. Con còn rủ thêm bạn học về nhà để tham gia.
Những bài nhập môn nữ công gia chánh vỡ lòng mà tôi dạy cho con gái Cà Rốt của mình đều bắt đầu từ những trò chơi bếp núc như vậy.
Trước khi con chơi trò gì đấy, người lớn cần phán đoán được các tình huống bất lợi mà trẻ gặp phải như té ngã trượt chân, đứt tay, bị phỏng, đi lạc, đuối nước... chẳng hạn.
Sân chơi có khi ở ngay trong nhà. Là khu đất trống trong hẻm phố. Là công viên. Là một trung tâm thương mại nào đấy. Là hồ bơi. Không nhất thiết là ở khu vui chơi giải trí tốn tiền. Và con trẻ sung sướng được chơi vui trong tầm giám sát của người lớn chúng ta.
Trẻ con là tuổi ăn tuổi chơi, cứ biết ngồi là chúng tự khắc biết “xử lý” đồ chơi của mình, rồi u ơ chơi với bạn. Cần gì phải dạy.
Cũng bởi suy nghĩ đó nên tôi hồn nhiên thả con chơi chung với nhau, hoặc với bạn bè của chúng. Chúng ta dường như hay quên mất việc dạy con chơi như thế nào cho “đẹp”!
Dạy con chơi làm sao để vui vẻ hữu ích, không xảy ra sự cố, con trẻ tận hưởng được niềm hạnh phúc tuổi thơ là cả một nghệ thuật của các ông bố bà mẹ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận