06/09/2020 11:34 GMT+7

Chơi thể thao đỉnh cao, khổ luyện vẫn chưa đủ

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC
HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC

TTO - Trò chuyện với Tuổi Trẻ, các VĐV, HLV nổi tiếng như tay đua Nguyễn Thị Thật, kình ngư Ánh Viên hay HLV Nguyễn Thị Thanh Hương của Tú Chinh đều cho rằng trong thi đấu thể thao ngày nay, sự khổ luyện của VĐV là chưa đủ.

Chơi thể thao đỉnh cao, khổ luyện vẫn chưa đủ - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thật thi đấu chuyên nghiệp trong màu áo CLB Lotto Soudal Ladies (Bỉ) - Ảnh: Lottosoudal.be

Và đây là những bày tỏ của họ về những ước mơ trong tương lai.

Tay đua Nguyễn Thị Thật: "Mơ một môi trường tập luyện khoa học"

Được tham gia khóa huấn luyện tại Trung tâm đào tạo VĐV xe đạp thế giới (Thụy Sĩ) và sau đó đầu quân cho CLB chuyên nghiệp Lotto Soudal Ladies (Bỉ), tôi nhận thấy các tay đua VN chịu nhiều thiệt thòi do thiếu sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật.

Đơn cử như việc cấp xe cho VĐV, ở VN cứ đưa xe cho VĐV lên ngồi thấy ổn là được. Nhưng với các CLB chuyên nghiệp, họ có máy móc để làm việc đó chính xác đến từng milimet. VĐV được yêu cầu ngồi vào một chiếc máy chiếu laser kết nối máy tính. Máy sẽ đo, phân tích chiều dài từ hông tới gối, tình trạng đầu gối, phân tích xương, các khớp của chân... và cho ra những thông số rất cụ thể. Từ những thông số này, ban huấn luyện sẽ đưa ra một chiếc xe rất chuẩn. Khi VĐV ngồi lên chiếc xe như được thiết kế riêng cho mình, họ sẽ cảm thấy rất thoải mái, tự tin và quan trọng hơn là giảm thiểu nguy cơ chấn thương.

Trong tập luyện, dù cũng tập trên đường trường hoặc đạp tại chỗ trên máy (đạp rulo), VĐV ở châu Âu được yêu cầu đeo đồng hồ theo dõi trong khi tập. Khi về nhà, VĐV kết nối vào hệ thống thì khối lượng tập, nhịp tim, năng lượng tiêu hao, tình trạng sức khỏe... sẽ được báo về cho ban huấn luyện. Từ đó họ điều chỉnh giáo án, bài tập phù hợp và cả chế độ dinh dưỡng để bù đắp năng lượng tiêu hao cho VĐV trong những ngày tiếp theo. Đặc biệt, VĐV luôn được các bác sĩ, nhân viên săn sóc, vật lý trị liệu quan tâm.

Đó là những điều tôi mơ ước sẽ đến với các tay đua VN trong tương lai.

Chơi thể thao đỉnh cao, khổ luyện vẫn chưa đủ - Ảnh 2.

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên

Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên: "Tôi sẽ thi đấu tốt đến năm 30 tuổi"

Dư luận thời gian qua thường đánh giá rằng tôi đã hết thời, sự nghiệp không thể phát triển hơn nữa ở độ tuổi 24 hiện tại. Sự thật nhiều nữ kình ngư VN cũng giải nghệ ở độ tuổi này. Tôi từng trải qua giai đoạn rất tự ti về bản thân, đặc biệt là sau thất bại ở Asiad 2018. Suốt một thời gian dài tôi đã nghĩ mình không thể nào lấy lại phong độ như trước đây, chứ đừng nói là tiếp tục tiến bộ. Thậm chí nhiều lúc tôi đâm chán nản với việc phải oằn mình tập luyện ngày này sang ngày khác. Giờ tôi đã vượt qua được rào cản tâm lý này.

Hiện tại tôi có lòng tin mình sẽ thi đấu tốt đến năm 30 tuổi, ít nhất là duy trì phong độ như trước đây. Định kiến cho rằng các nữ VĐV bơi không thể duy trì phong độ khi bước qua tuổi 25 là không chính xác. Bằng chứng là có rất nhiều VĐV hàng đầu thế giới vẫn tiến bộ ở tuổi 30, điển hình là Katinka Hosszu. Chị ấy là một hình mẫu mà tôi hướng tới (Hosszu dù đã 31 tuổi nhưng vẫn giành nhiều HCV ở các giải vô địch thế giới gần đây cùng việc cải thiện về mặt thành tích).

Để hướng đến hình mẫu nói trên, tôi cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng như nhiều năm qua. Không còn được đi tập huấn ở Mỹ, điều kiện tại VN không bì được nhưng tôi vẫn duy trì sự nỗ lực cũng như các công thức dinh dưỡng, chế độ tập luyện khoa học tối đa. Tôi vẫn thường trò chuyện với HLV Đặng Anh Tuấn để nghe tư vấn, cũng như tự tìm tòi thông tin để cải thiện cách thức tập luyện.

Chơi thể thao đỉnh cao, khổ luyện vẫn chưa đủ - Ảnh 3.

Hai cô trò Thanh Hương (trái) - Tú Chinh - Ảnh: NAM KHÁNH

HLV Thanh Hương: "Tú Chinh cần những bạn tập ở trình độ cao hơn"

Điều kiện tập luyện và chế độ của Tú Chinh tại TP.HCM đã ở mức cao nhất, không có gì phải than phiền. Nhưng thật lòng mà nói muốn tiến bộ hơn nữa, Tú Chinh cần được tập huấn ở

nước ngoài.

Sự khác biệt của việc tập huấn nước ngoài, nhất là ở những quốc gia phát triển về thể thao như Mỹ, rất rõ. Phòng tập thể hình, tập hồi phục của họ có những thiết bị chuyên dụng, chính xác từng chút một để VĐV tập trung phát triển từng kỹ năng. Ở VN, chúng tôi chỉ có thể ra sức khổ luyện. Ngay cả chuyện có một đôi giày phù hợp cũng khó. Đó không phải là chuyện tiền, nhưng mỗi VĐV có những đặc thù rất riêng biệt về cấu tạo bàn chân, xương khớp… Vì vậy, để mua được một đôi giày thực sự phù hợp với VĐV cần lựa chọn rất kỹ.

Ngoài ra, ở VN hiện gần như không còn VĐV nào để tập cùng Tú Chinh. Nói vậy bởi lâu nay Tú Chinh phải tập với các VĐV nam. Để chinh phục SEA Games như vậy là ổn, nhưng muốn vươn đến tầm cỡ châu lục Chinh cần những bạn tập ở trình độ cao hơn.

Cú đúp Cú đúp 'vàng' cho Lê Tú Chinh

TTO - Ngày 11-6, “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh gây ấn tượng khi giành HCV 100m nữ của Giải điền kinh Cúp tốc độ Thống Nhất TP.HCM trên SVĐ Thống Nhất với thành tích 11,55 giây.

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên