13/09/2003 07:04 GMT+7

Chơi tem cũng lắm lọc lừa!

PHI LONG - TRẦN NHẬT VY
PHI LONG - TRẦN NHẬT VY

TT (TP.HCM) - Chơi tem - một thú chơi tao nhã, bổ ích! Đúc kết này đã được chứng minh với một bề dày thời gian. Song mời gọi mọi người vào cuộc chơi này lại không thể né tránh một thực tế: chất tao nhã đang bị đe dọa bởi chuyện mua bán...

QMGZl73P.jpgPhóng to
TT (TP.HCM) - Chơi tem - một thú chơi tao nhã, bổ ích! Đúc kết này đã được chứng minh với một bề dày thời gian. Song mời gọi mọi người vào cuộc chơi này lại không thể né tránh một thực tế: chất tao nhã đang bị đe dọa bởi chuyện mua bán...

Ở TP.HCM hiện có chín câu lạc bộ (CLB) sưu tập tem với khoảng 800 hội viên và rất nhiều người khoái sưu tập nhưng không tham gia các CLB. Đã chơi tem ắt phải có mua bán, trao đổi. Song trong thời đại mà nhiều phương tiện kỹ thuật phát triển tối đa, xem ra người chơi cũng gặp nhiều bất trắc hơn khi dạo bước vào thị trường tem.

Mua bán chưa được bảo hành

bJcRttst.jpgPhóng to
Một sáng cuối tuần nào đó, nếu rảnh rỗi bạn hãy thử dạo bước đến quán cà phê trong sân Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, 97 Phó Đức Chính (Q.1) hay 36 Nguyễn Thị Diệu (Q.3). Ở đó, bạn sẽ gặp một không khí mua bán tem rôm rả giữa các nhà sưu tập chuyên nghiệp và cũng là những người mua bán tem thành thạo.

Ông Bình, một người sưu tập - buôn bán tem nổi tiếng, cho biết: “So với giới sưu tập thế giới, người sưu tập tem VN thất thế nhiều vì không có nơi chính thức để mua bán trao đổi có bảo hành. Nhất là do chưa nhập tem chơi nên giới sưu tập cũng mất nhiều công phu trong việc tìm kiếm tem ngoại và không có nhiều mẫu đẹp, hay”.

Tuy nhiên chỉ hai nơi trên thôi đã hình thành một “chợ tem”. Nhiều người ở khắp nơi đã tìm đến đây, từ Hà Nội, Vĩnh Long, Nha Trang và cả từ Pháp. Họ trao đổi, mua bán và thông tin quanh chuyện con tem lẫn buồn vui của người chơi tem.

Chẳng hạn thông tin về kinh nghiệm bảo quản. Dân ngoại đạo vào đây mới biết các nhà sưu tập gìn giữ tem “như giữ sức khỏe cho sinh mạng mình”. Vợ nhà sưu tập L.Đ.T. từng nói với người viết bài rằng tuy là vợ nhưng chị hiếm khi được vào phòng chơi tem của chồng.

Còn với Đỗ Long, tổng giám đốc Công ty Bita's - người được giới sưu tập phong là “cao thủ” (theo bản tin nội bộ số 1 tháng 5-2003), “tem là một món hàng đầu tư”.

Những bộ tem quí được ông bảo quản rất kỹ bằng cách cho vào cặp khóa kỹ và... gửi ở ngân hàng! Nhưng thông tin hấp dẫn nhất có lẽ vẫn là chuyện mua bán gặp sự cố: chuyện anh A, anh B được tiếng là nhà mua bán tem chuyên nghiệp vừa bị một nhà sưu tập non trẻ lừa đẹp, hay một nhà sưu tập có máu mặt trong làng vừa mua phải đồ giả...

Tem giả!

tBYlKrtU.jpgPhóng to
Một trong những con tem quý hiếm hiện nay
Nói đến tem quí hiếm của VN, người ta nói ngay đến bộ Mạc Thị Bưởi, Binh sĩ lá mạ, Lực sĩ cử tạ, bloc Cò... Giá của những con tem này lên đến cả triệu đồng/con.

Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, do hoàn cảnh liên lạc khó khăn, Bưu điện liên khu 5 có phát hành tem liên khu 5 dành cho địa phương. Những con tem này ngày nay có giá trị sưu tập rất cao lại khó kiếm, dẫn đến giá khá cao.

Có nhà sưu tập ở TP.HCM khi nghe tin một cựu chiến binh từng làm việc ở liên khu 5 còn giữ một vài con tem liên khu 5 liền đáp máy bay đi miền Trung để mua cho được. Giá bán một con tem liên khu “sống” trong nước hiện nay thường trên 100 USD, còn giá trong catalogue Micheal (Đức) lên cả ngàn USD/con.

Tuy nhiên, cho đến nay chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra hình ảnh con tem thật thời đó ra sao cả. Vì thế người ta đã làm ra tem giả để bán với giá khoảng 70.000 đồng/con.

Thời gian gần đây, tem dị bản (những con tem thiếu chữ, thiếu màu hoặc đục răng sai lỗi do nhà in...) xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Nhiều người sưu tập rất cảnh giác, trước khi mua quan sát thật kỹ bằng kính lúp (dùng kính hiển vi thì tốt hơn).

Nếu thấy sớ giấy bị sờn, không phẳng, thì biết là tem giả. Một người sưu tập lâu năm lưu ý cũng cần cảnh giác với những bộ tem không răng cưa như bộ Mừng Chính phủ về thủ đô, Cải cách ruộng đất...

Cách đây năm năm đã xuất hiện một số tem không răng cưa dạng này và được chào bán với giá 300USD/con. Nhưng tất cả đều là tem giả được in bằng máy in màu sau này.

Không chỉ những con tem giá cao mới có tem giả mà khá nhiều tem thường cũng bị giả. Ví dụ tem Nguyễn Văn Trỗi (thuộc dòng tem Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam VN) cũng bị giả dù giá bán chỉ 2.000 đồng/con.

Trước xu hướng sưu tập phát triển mạnh, người ta sưu tập cả những phác thảo tem. Đây là những bản vẽ về một con tem nào đó của các họa sĩ. Bản nào được duyệt thì có chữ ký duyệt và đóng dấu Tổng cục Bưu điện. Bản nào không được duyệt thì họa sĩ giữ lại. Các bản vẽ này còn lại rất ít nên giá khá cao.

Hiện trên trang web của một công ty nổi tiếng giới thiệu vài chục phác thảo tem VN được chào bán với giá 200 - 1.600 USD/bản. Tuy nhiên, theo nhận định riêng, có đến 60% phác thảo trên trang web này là đồ giả.

Muốn biết thế nào là phác thảo thật (theo kinh nghiệm riêng của một người chơi tem lâu năm), cho bản vẽ vào nước 5-10 phút, sau đó dùng tay xoa nhẹ lên bản vẽ, nếu mực nhòe ra thì đó là phác thảo giả được vẽ gần đây.

Tem giả, phác thảo giả đang là vấn nạn mà người chơi tem nếu lỡ bị thì... ráng chịu, bởi hiện chưa có điều luật nào xử lý vấn đề này. Vì thế, người chơi chỉ có nước cảnh giác, cân nhắc kỹ trước khi mua một vật sưu tầm mình ưa thích. Và điều này đã làm cho thú sưu tập tem mất đi một chút tao nhã.

PHI LONG - TRẦN NHẬT VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên