Một nhóm du ca biểu diễn ở đường phố Hội An - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Sự việc được quay lại và tung lên mạng xã hội đã tạo nên một làn sóng dư luận dữ dội với nhiều tranh cãi: có phải hay không?
Nếu thực sự các bạn sinh viên không biết về thủ tục thì địa phương nên hướng dẫn cho các em. Còn nếu là hoạt động văn nghệ lành mạnh phường nên chỉ cho các em chỗ sinh hoạt
Bà NGUYỄN THỊ HỘI AN (phó giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng)
Lập biên bản, tịch thu nhạc cụ
Vào 20h30 ngày 3-7, ba thành viên của nhóm nhạc Fire band đều là sinh viên ĐH Huế vừa mới ra trường lần đầu đến chơi nhạc ở chân cầu Rồng. Vừa chơi được hai bản hòa tấu thì cán bộ P.An Hải Tây đến tịch thu hết nhạc cụ.
Đến sáng 4-7, nhóm nhạc này bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi "sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để thực hiện bày bán hàng hóa".
Căn cứ xử lý dựa theo quy định tại nghị định 46/2016 NĐCP 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Nhiều người dân và du khách chứng kiến sự việc đã lên tiếng bảo vệ nhóm nhạc và cho rằng hành vi của cán bộ này làm mất hình ảnh của TP du lịch, chỉ nên nhắc nhở ban nhạc. Phần lớn cho rằng nhóm nhạc chỉ muốn mang đến niềm vui và nét đẹp văn hóa cho TP.
Anh Nguyễn Hà Triều (23 tuổi, thành viên của nhóm) cho biết chỉ nghĩ đơn giản biểu diễn để góp vui cho mọi người. Nhóm vẫn thường biểu diễn ở phố đi bộ Huế và một số nơi.
Tuy nhiên Triều cũng thừa nhận có đặt vỏ cây đàn để khách bỏ tiền vào động viên tinh thần và hỗ trợ thêm chi phí cho buổi diễn.
Sau khi bị phản ứng, ông Nguyễn Bá An - chủ tịch UBND P.An Hải Tây - đã gặp trực tiếp nhóm nhạc nhắc nhở và trả lại nhạc cụ. Ông An nói khu vực nhóm biểu diễn là nơi phải được cơ quan thẩm quyền cho phép.
"Chúng tôi thấy kiểu vừa hát vừa xin tiền là hình thức trá hình gây phản cảm. Hơn nữa, khu vực đó là nơi không được buôn bán, chèo kéo, lang thang, xin ăn" - ông An giải thích.
Nhóm nhạc chơi dưới chân cầu Rồng trước khi bị cán bộ phường tới xử lý - Ảnh người dân cung cấp
Xin phép hay không?
Bà Nguyễn Thị Hội An - phó giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng - cho biết đã nắm được thông tin và đang chờ văn bản chính thức từ quận. Trên cơ sở này sở sẽ có văn bản nhắc nhở các địa phương hướng dẫn về quy định biểu diễn văn hóa, nghệ thuật cho các tổ chức, cá nhân.
Bà Hội An cho biết nghị định 79 của Chính phủ quy định rất rõ tất cả các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... phải có sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền.
Với biểu diễn nghệ thuật quần chúng phải thông báo về Sở VH-TT trước 5 ngày.
Trong thông báo này sẽ có nội dung chương trình biểu diễn, thời gian, địa điểm... Nếu đó là nội dung lành mạnh sẽ khuyến khích các bạn trẻ được thỏa mãn đam mê, phục vụ cộng đồng. Sở hướng dẫn và địa phương sẽ chỉ địa điểm, khu vực để các bạn trẻ có chỗ sinh hoạt.
"Có thể là do thái độ của đoàn kiểm tra gây ra sự bức xúc, còn đúng là các em phải xin phép, có văn bản thông báo đến cơ quan chức năng mới được biểu diễn. Vi phạm lần đầu nên nhắc nhở là chính" - bà Hội An cho biết thêm.
Luật sư Lê Cao - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - cho biết trình diễn âm nhạc trước công chúng theo hình thức trên là dạng biểu diễn nghệ thuật quần chúng và theo quy định tại điều 15 nghị định số 79 thì hình thức biểu diễn này không phải được cấp giấy phép mới được biểu diễn.
Tuy nhiên cũng theo nghị định trên buộc chủ thể tổ chức buổi diễn phải gửi thông báo cho Sở VH-TT nơi biểu diễn ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày biểu diễn.
Việc thông báo ở đây là để các cơ quan có thẩm quyền nắm được mục đích, phạm vi, nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn phục vụ cho hoạt động quản lý chứ không phải là một dạng cấp phép biểu diễn.
Luật sư Cao cũng cho biết bản thân các bạn tổ chức nhóm nhạc sinh viên biểu diễn nhằm phục vụ công chúng, mà có đặt thùng tiền để người nghe tự nguyện ủng hộ thì không phải là hoạt động biểu diễn kiểu bán vé thu tiền, nên không cần phải được cấp phép, nhưng vẫn cần thông báo đến cơ quan có thẩm quyền như đã nêu.
Vì vậy, nếu các bạn muốn mọi việc mình làm với mục đích tốt nhưng được thực hiện đúng theo quy định hiện hành thì sẽ tránh được những rắc rối về mặt pháp lý khi triển khai.
"Đây là các hoạt động mang tính văn hóa, biểu diễn và không phải là hoạt động kinh doanh mang tính chất thu lợi, nên xử phạt hành chính hành vi theo kiểu bán hàng hóa nơi giao thông công cộng là không hợp lý và không đúng tính chất của vấn đề" - luật sư Cao cho hay.
Không nên cứng nhắc
Anh Nguyễn Văn Tám, chủ nhiệm câu lạc bộ guitar Trường ĐH Kỹ thuật - y dược Đà Nẵng, cho biết rất khó khăn trong việc biểu diễn âm nhạc đường phố ở Đà Nẵng. Nhiều nhóm đã bị tịch thu nhạc cụ, xử phạt nên phải vào Hội An biểu diễn.
Anh Tám cho rằng nếu tổ chức biểu diễn âm nhạc đường phố cố định và lâu dài thì cần phải có sự cho phép của cơ quan chức năng. Còn chỉ một nhóm du khách hay nhóm bạn trẻ ngẫu hứng chơi nhạc thì không nên xử lý cứng nhắc.
Bởi Đà Nẵng là TP du lịch nên âm nhạc đường phố có thể làm đẹp thêm cho TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận