19/09/2017 10:55 GMT+7

Chơi golf bằng cành cây, cô gái 18 tuổi thay đổi lịch sử

HẢI ĐĂNG
HẢI ĐĂNG

TTO - Sinh ra trong một gia đình nghèo, Pratima Sherpa đã vượt qua khó khăn và thiếu thốn để trở thành một trong những nữ golf thủ hàng đầu Nepal.

Chơi golf bằng cành cây, cô gái 18 tuổi thay đổi lịch sử - Ảnh 1.

Cô bé Pratima là niềm hi vọng mới của làng golf Nepal - Ảnh: CNN

Sinh năm 1999, Pratima Sherpa là hiện tượng trong làng golf Nepal. Cô bé và bố mẹ sống trong một nhà kho bảo trì ở Câu lạc bộ golf Royal Nepal tại Kathmandu. Sherpa cũng là tay golf tài năng bậc nhất quốc gia nhỏ bé này.

Bố mẹ Pratima là lao công ở Royal Nepal, với thu nhập chưa tới 3 USD một ngày. Tuy nhiên, chính công việc của họ và nơi gia đình Pratima sống đã cho cô bé cơ hội tiếp xúc với môn thể thao quý tộc này hàng ngày. 

Pratima bắt đầu cầm gậy đánh golf từ năm 11 tuổi. Sachin Bhattarai, vận động viên chuyên nghiệp kiêm thầy giáo ở câu lạc bộ, đã dạy miễn phí cho cô bé. Một thành viên khác tặng cho cô bóng golf để tập.

Ngày nay, Pratima đã khẳng định vị trí với chiến thắng ở 7 giải trong nước và một giải ở Mỹ. Mơ ước của cô là trở thành nữ golf thủ thi đấu chuyên nghiệp đầu tiên của Nepal. 

Việc hoàn thành mục tiêu này không chỉ có ý nghĩa với bản thân Pratima, mà còn có thể truyền cảm hứng cho cả một thế hệ thiếu nữ ở Nepal vượt qua những thiếu hụt về kinh tế để theo đuổi ước mơ.

Pratima bày tỏ trên CNN Sports: "Nepal là một quốc gia nhỏ hơn nhiều nước khác, và chơi golf là điều khó khăn với những gia đình nghèo như chúng tôi. Tuy nhiên, tôi tự hào và may mắn khi có được chơi môn này. Tôi muốn trở thành một golf thủ giỏi".

Chơi golf bằng cành cây, cô gái 18 tuổi thay đổi lịch sử - Ảnh 2.

Căn nhà nhỏ của gia đình Pratima thực chất là kho để đồ bảo trì của sân golf - Ảnh: CNN

Niềm hi vọng mới của làng golf Nepal

Pratima có cơ hội để khai phá vùng đất mới cho môn golf Nepal. Với cô gái sống trong ngôi nhà còn chẳng có nước máy, chơi golf bằng cành cây trong những ngày đầu tập luyện, được chơi ở đẳng cấp quốc tế có thể giúp Pratima đổi đời.

Nhờ sự giúp đỡ và quyên góp của nhiều người, Pratima được theo học ở một trường cao đẳng tại Mỹ, nơi cô sẽ được đào tạo với các chuyên gia, được tập luyện thường xuyên và tiếp cận với các thiết bị hiện đại nhiều hơn.

Tuy nhiên, Pratima không quên quê hương - quốc gia chỉ có 700 golf thủ trong tổng dân số 29 triệu người. Cô cho biết: "Tôi muốn phát triển golf ở Nepal. Tôi sẽ đền đáp cho cộng đồng những người chơi golf ở quê nhà, và giúp những đứa trẻ nghèo khó tận hưởng môn thể thao này như tôi trước kia".

Oliver Horovitz, phóng viên kiêm vác gậy golf, người đã gặp Pratima ở Royal Nepal và gây quỹ giúp đỡ cô, hi vọng cô gái 18 tuổi này có thể trở thành một gương mặt nổi bật trong giới golf thủ đẳng cấp thế giới. 

Anh cho biết: "Trong lịch sử, golf là môn thể thao giới hạn, thường theo con đường ngặt nghèo và buồn tẻ. Ở nhiều quốc gia, golf chỉ dành cho nhà giàu. Cả Nepal  tự hào và ủng hộ Pratima Cô bé là phát ngôn viên và biểu tượng đẹp đẽ của làng golf Nepal nói riêng, cho Nepal và phụ nữ ở đây nói chung".

Chơi golf bằng cành cây, cô gái 18 tuổi thay đổi lịch sử - Ảnh 3.

Pratima tập chơi golf từ năm 11 tuổi, với những dụng cụ thô sơ và nghèo nàn - Ảnh: CNN

Thành công trên đất Mỹ

Mới đây, Pratima đã có chuyến đi 5 tuần ở Mỹ. Đây là lần đầu tiên cô thi đấu ở nước ngoài. Từ một quốc gia chỉ có 4 sân golf và vài trăm người chơi, cô phải cạnh tranh ở quốc gia sở hữu 4 trong 5 giải đấu lớn nhất, và hơn 1/3 trong số 100 vận động viên giỏi nhất thế giới.

Pratima tham gia 5 giải khu vực ở California, thắng một giải và vào top 6 hai giải. Cô tâm sự: "Mỹ có nhiều sân golf với các kiểu thiết kế khác nhau. Một số sân khá khó, nhưng điều quan trọng là tôi đã học hỏi được thêm về môn này, và biết vị trí của chúng tôi ở đâu so với nước Mỹ. Với tôi, mỗi cú đánh là một niềm vui".

Thái độ tích cực của Pratima đã thu hút sự chú ý của huấn luyện viên Don Parsons, người hướng dẫn cô giữa các giải đấu. Có kinh nghiệm đào tạo từ năm 192, ông đã giúp nhiều tay golf trẻ ở California phát triển sự nghiệp. 

Ông cho biết: "Thật tuyệt vời khi thấy cô bé cảm nhận được nhiều niềm vui từ thi đấu. Cô ấy khao khát đánh trúng đích. Pratima có cơ hội để truyền cảm hứng cho vô số đứa trẻ ở Kathmandu và đạt những thành tích lớn. Cô bé là thần tượng của cả một thế hệ ở Nepal".

Theo ông Parsons, ngoài tình yêu dành cho golf, chính nỗ lực tiến bộ là điều giúp Pratima nổi bật. 

Ông nói: "Gương mặt cô bé bừng sáng mỗi lần làm được điều giúp tăng cơ hội chiến thắng. Bất cứ golf thủ nào muốn vươn lên đẳng cấp thế giới đều phải tập luyện chăm chỉ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được niềm vui sau mỗi lần đánh trúng. Tôi nghĩ đó là sự khác biệt lớn giữa Pratima và những tay đấu trẻ khác".

HẢI ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên