Chơi game cũng phải coi chừng chấn thương

HUY ĐĂNG 22/04/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Mỗi ngày, Mike “Glaurung” Fisk - một VĐV thể thao điện tử (eSports) - thực hiện 100 lượt hít đất, cùng khoảng 30 phút “thụt dầu” để duy trì thể trạng tốt nhất, nhằm tránh… chấn thương khi thi đấu.

Nhiều phụ huynh có thể không thích thú gì, nhưng họ phải thừa nhận sự thật “chơi điện tử kiếm tiền” ngày càng trở thành một môn thể thao đại chúng. Nó bao gồm tất cả những yếu tố chuyên nghiệp như tiền thưởng, tập luyện căng thẳng, và cả rủi ro chấn thương.

Chơi đến xẹp phổi!

Bên trong một cơ sở đào tạo eSports chuyên nghiệp rộng 8.000m2 ở Santa Monica, California, 5 tuyển thủ bộ môn League of Legends (Liên minh huyền thoại) tập luyện miệt mài 8-12 giờ/ngày. Đó là chưa tính chuyện họ chơi game… giải trí vào cuối tuần.

Các VĐV eSports ngày nay vừa chơi game vừa phải tập luyện thể chất đều đặn. Ảnh: dailyesports

 

Chỉ tính riêng trò League of Legends, số lượng người chơi toàn cầu ước tính lên đến 100 triệu. Lượng khán giả của Giải vô địch thế giới League of Legends còn lớn hơn cả hệ thống giải World Series của môn bóng rổ. Ngành công nghiệp eSports ngày nay thì được ước tính trị giá khoảng 1,5 tỉ USD.

Với quy mô như vậy, không có gì ngạc nhiên khi các VĐV eSports hưởng mức đãi ngộ chẳng kém gì ngôi sao các môn thể thao nhà nghề khác. 

Ví dụ, Fornite World Cup có tổng giá trị giải thưởng lên đến 30 triệu USD, với người chiến thắng có thể bỏ túi đến 3 triệu USD. Theo eSports Earning, hiện có khoảng 100 VĐV eSport còn thi đấu đạt mức thu nhập hơn 1 triệu USD. 

Mỹ là quốc gia có đông đảo VĐV eSports nhất. Hơn 18.000 game thủ chuyên nghiệp ở đây kiếm được tổng cộng khoảng 161 triệu USD từ thị trường này, tức trung bình mỗi người kiếm được khoảng 8.500 USD trong “sự nghiệp”. Đó là mới tính tiền thưởng, chưa kể các khoản thu nhập nhờ tài trợ, quảng cáo, hay phát kênh YouTube…

Ở thượng tầng, rõ ràng hào quang của một VĐV eSports đỉnh cao chẳng kém gì một ngôi sao quần vợt hay bơi lội. Quá trình tập luyện của họ cũng khắc nghiệt cực kỳ. Jake Puchero - một VĐV League of Legends - cho biết anh tập không dưới 8 giờ một ngày. 

Mỗi phút Puchero thực hiện khoảng 500 thao tác, tức khoảng 10 thao tác mỗi giây. Những ngón tay của một VĐV eSports chuyển động với cường độ còn cao hơn đôi chân của các cầu thủ bóng đá, và mức độ tập trung là ngang ngửa kỳ thủ cờ vua.

Không có những cú va chạm nảy lửa dẫn đến việc rời sân trên cáng cứu thương, nhưng eSports vẫn tiềm ẩn rủi ro chấn thương đáng sợ. “Tôi từng chứng kiến những chấn thương đáng sợ của môn thể thao này, một số VĐV phải giải nghệ vì kiệt sức, và có người bị xẹp phổi vì ngồi cúi lưng quá lâu”, Puchero nói.

Levi Harrison, bác sĩ chấn thương chỉnh hình ở Los Angeles từng chữa trị cho nhiều VĐV eSports, cho biết ông bắt đầu tập trung vào đối tượng bệnh nhân này những năm gần đây. 

“Họ thường gặp các chấn thương cổ tay, khuỷu tay, vai, lưng và cổ. Đó đều là những chấn thương có thể dẫn đến kết thúc sự nghiệp”, Harrison nói.

Hallie Zwibell, người đứng đầu trung tâm y học eSports của New York, đưa ra những thống kê cụ thể hơn về các chấn thương phổ biến với VĐV eSports: khoảng 56% gặp các vấn đề về mắt, 42% đau cổ và lưng, 36% đau cổ tay, 32% đau tay, nhưng chỉ có khoảng 2% VĐV eSports thực sự ý thức việc phải điều trị y tế, và đến 40% không bổ sung dinh dưỡng một cách hợp lý…

Phải phát triển hệ thống đào tạo

eSports ngày càng phát triển thành một môn thể thao đại chúng, bất chấp những định kiến xã hội. Nhưng cũng phải thừa nhận những định kiến có nguyên nhân của nó. 

“Nếu ngay cả các VĐV eSports còn không ý thức rõ về việc họ phải tập luyện thể chất, bổ sung dinh dưỡng thế nào cho hợp lý, thì làm sao những đứa trẻ ngồi nhà chơi điện tử có thể?”. Những vấn đề sức khỏe của người chơi eSports đến ngay từ khi họ còn nhỏ, và dần dà tạo thành thói quen xấu, một nếp sống phản khoa học và thiếu lành mạnh.

Ngồi 10 giờ đồng hồ một ngày trước máy tính với cái lưng còng xuống, chi dưới bất động nhưng cánh tay hoạt động liên tục không thể là chuyện tốt cho sức khỏe với bất kỳ ai. Kiểu cách vận động của các VĐV eSports cũng “chẳng giống ai”, và gây ra nhiều nguy cơ chấn thương, bác sĩ Harrison cho biết.

Tất nhiên, một số VĐV vươn đến đỉnh cao hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề thể chất. Mike Fisk - VĐV hàng đầu của trò “Heroes of Storm” là ví dụ điển hình về lối sống mẫu mực. 

Mỗi ngày anh luyện eSports không dưới 10 giờ đồng hồ, nhưng Fisk luôn dành ra ít nhất 60 phút để tập luyện thể chất, bao gồm chạy bộ, hít đất, các bài tập thụt dầu. “Ngay cả trong quá trình tham dự giải đấu, tôi cũng không từ bỏ việc tập luyện mỗi ngày. Cơ thể càng khỏe khoắn thì thành tích thi đấu của tôi càng tốt”, Fisk nói.

Các VĐV eSports có thể tập luyện thể chất theo nhiều cách khác nhau, nhưng những bài tập thể dục tại chỗ được xem là phù hợp nhất với họ, vì đặc tính phải ngồi nhiều giờ bên máy tính. 

Tim Spencer - một VĐV eSports chuyên nghiệp - đã cùng vợ (HLV yoga) xây dựng một kênh truyền hình hướng dẫn việc tập luyện thể chất kết hợp với chơi game tên gọi Heroes of Fitness. 

Vợ chồng Spencer đặc biệt tập trung vào các bài tập hông - giúp game thủ chống chọi với việc phải ngồi im hàng giờ, cùng những bài tập co duỗi cổ tay. Lời khuyên mà Spencer đưa ra là hãy tập luyện 5 phút ngay sau mỗi ván đấu (kéo dài khoảng 30 phút).

Nhiều VĐV eSports chuyên nghiệp cho biết họ hối hận vì không nghe lời khuyên sớm hơn trong việc rèn luyện thể chất. Filip Liljestrom của đội Fnatic cho biết anh thường ngồi lì trong phòng để chơi game khi còn là học sinh, bất chấp ba mẹ la rầy. 

Dần dà Liljestrom bị béo phì, đạt đến mức cân nặng 90kg. Game thủ người Thụy Điển tìm đến Heroes of Fitness và bắt đầu tập luyện mỗi ngày, anh giảm được hơn 10kg và cũng thoát được các vấn đề về đau lưng.

“Các phụ huynh cần phá bỏ định kiến về trò chơi điện tử - ngày nay đã là một môn thể thao có thị trường tỉ USD. Nhưng những đứa trẻ phải học cách cân bằng cuộc sống của mình, chúng cần biết eSports là một môn thể thao, và cũng cần một hệ thống tập luyện đi cùng nó để hạn chế các rủi ro, những vấn đề sức khỏe. Trước khi đá bóng, ai cũng khởi động cả”, bác sĩ Harrison nói.■

Giải nghệ sớm vì chấn thương

Hai Lam (Lâm Du Hải) - game thủ người Mỹ gốc Việt rất nổi tiếng - thông báo giải nghệ ở tuổi 23 vào năm 2015 vì chấn thương cổ tay. Chấn thương của Lam không quá nặng, nhưng anh cho biết chừng đó là đủ để phản xạ của anh không còn theo kịp những VĐV trẻ hơn. Sau đó Lam chuyển qua công việc giám đốc tuyển dụng trong ngành eSports.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận