18/07/2017 12:04 GMT+7

Chơi đồ hiệu: Kỳ 1 - Những “con nghiện” hàng hiệu

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Theo một khảo sát gần đây do Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thực hiện, người Việt nằm trong “top 3” thế giới (cùng với người Trung Quốc và Ấn Độ) về mức độ yêu thích hàng hiệu.

*** Error ***
Đồ hiệu xa xỉ bày bán trong một trung tâm thương mại ở Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

 

“Theo những người sành điệu, có ba nhóm chính chơi hàng hiệu hiện nay: doanh nhân, một số vợ con quan chức giàu có, nghệ sĩ và các cô gái xinh đẹp có bố mẹ hoặc bạn trai làm “hậu phương vững chắc”

Trong suy nghĩ của phần lớn chúng ta, người có tiền sắm hàng hiệu chắc hẳn phải giàu có hoặc là nghệ sĩ, doanh nhân, nhưng thực tế không hẳn là như vậy.

Giữa trưa tháng 5, cửa hàng Hermes tọa lạc trong khuôn viên khách sạn Metropole Hà Nội vẫn có khách mua hàng. Phố Lý Thái Tổ và khu vực xung quanh phố Tràng Tiền với nhiều cửa hàng đồ hiệu, từng có người ví là một “góc Paris của Hà Nội”.

Người giữ xe ở góc phố này chép miệng: túi xách, thắt lưng, nước hoa đều tính bằng đôla, thế mà ngày nào cũng có người vào mua, thậm chí không phải một mà là nhiều người mua mỗi ngày.

Thích đồ hiệu từ thời học sinh

Chị H.Đ. là chủ một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thực phẩm loại cao cấp từ châu Âu về Hà Nội. Cuối tuần rồi chị vừa chuyển 85 triệu đồng cho tiếp viên hàng không nhờ xách chiếc túi Fendi da rắn có phần nẹp viền da nhiều màu, riêng chiếc dây da rắn màu cam để “mix” cùng túi giá đã là 700 euro.

“Hầu như tuần nào tôi cũng mua đồ, túi xách tôi có gần 40 cái, người bình thường có 1-2 chiếc túi hiệu thì chỉ mua loại thông dụng độ 1.000 USD/chiếc. Nhưng tôi không thích thế, tôi mua là phải độc, ít người có nên đắt gấp 3-4 lần là thường” - chị H.Đ. nói.

H.Đ. thích đồ hiệu từ khi còn là học sinh cấp II. Hồi đó chị gái chị có cửa hàng bán đồ handmade trên phố cổ Hà Nội cho khách nước ngoài. Đ. đến đó bán hàng, ở đó Đ. nghĩ ra những mẫu vòng handmade hình dáng kỳ quái nhất để bán cho khách.

Bán được vòng là lao ra Cửa Nam mua quần bò. Ngày đó quần bò Armani giá 150-200 USD/chiếc đã là “rất kinh” rồi, thế mà Đ. có hàng chục chiếc. Ở tuổi học trò, Đ. đã dám mua chiếc đồng hồ cả chục ngàn USD.

“Chất chơi thì từ bé nó đã thế rồi” - Đ. cười.

Sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa rồi, Đ. cầm 25.000 euro sang Pháp mua ba chiếc túi và ba đôi dép. Trước đó vài tháng, Đ. sang Singapore chơi và chi 3.000 USD chỉ để mua... son môi.

“Tôi vừa đặt chiếc xe hiệu M. hơn 8 tỉ đồng, tháng 10 này xe về, chiếc xe màu này là chiếc thứ ba ở Hà Nội” - Đ. cho biết.

*** Error ***
Bộ sưu tập khăn quàng của một phụ nữ nghiện hàng hiệu, trong số này có chiếc khăn giá 1.500 euro - Ảnh: L.Anh

Chơi hàng hiệu đi... bưng phở!

Theo những người chơi đồ hiệu, có ba nhóm chính chơi hàng hiệu hiện nay: doanh nhân, một số vợ con quan chức giàu có, nghệ sĩ và các cô gái xinh đẹp có bố mẹ hoặc bạn trai làm “hậu phương vững chắc”.

Nhưng cũng có người đồ hiệu đầy người, riêng trang sức trên người trị giá gần 2 tỉ mà hằng ngày vẫn ra cửa hàng bưng phở.

Chị N.L., chủ một hiệu phở, là một người như vậy. Chị kể mình từng sống trong thời kỳ bao cấp rất khó khăn, vợ chồng chị đi lên từ gánh phở rồi mở được quán phở, mua được hai khách sạn cùng một ngôi nhà mặt phố đã xây 10 tầng vừa ở vừa cho thuê.

Chỉ vào chiếc Range Rover đen đậu ở nhà, chị kể xe này mua gần 10 tỉ đồng cuối năm 2014 để chồng lái đi chơi. Con trai chị đi làm trên chiếc xe giá 3 tỉ. Trên tay chị là chiếc đồng hồ Rolex gắn kim cương và chiếc nhẫn kim cương 7,2 li, cổ đeo dây chuyền mặt kim cương 6,3 li...

“Hơn 10 năm trước tôi bắt đầu mua đồ hiệu, đầu tiên là mua chiếc áo da trăn giảm giá 140 triệu đồng. Lúc đầu phải giấu chồng nhưng sau này mua đồ hiệu không phải một mình tôi hưởng, mà mua cho cả chồng con dùng.

Tôi chỉ có mỗi một đứa con, tài sản sau này là của nó cả. Từ đây vào Sài Gòn tôi cũng không vay mượn của chị em nào. Trong bốn tháng vừa qua tôi đã nhờ ship từ Pháp về hai đôi giày và một cái xắc tay Hermes.

Quản lý tất cả cửa hàng đồ hiệu từ Hà Nội vào Sài Gòn đời đầu đều biết tôi. Thế nhưng tối nào tôi cũng ra quán bưng phở, người ta hỏi chị giàu thế bán phở làm gì, tôi bảo họ giờ tôi ra bán phở chỉ để... khoe quần áo thôi” - chị N.L. chia sẻ.

Mua "cháy thẻ"

Trong gia đình chị T., vợ một quan chức sống trong một biệt thự rất đẹp ở Hà Nội, chị T. và cả chồng rất thích hàng hiệu. Trong các kệ kê sát tường của hai tầng biệt thự này đầy giày LV, Valentino, Hermes, đồng hồ Chopard, khăn LV, túi Hermes, Gucci...

Chị T. cho biết mình bắt đầu thích đồ hiệu từ khi có tiền, hơn 10 năm trước. Lúc đầu chỉ mua những loại hàng tầm tầm. Nhưng dần dà thì như lên cơn nghiện, mua đồ nọ xong thấy đồ kia lại thích lại cố mua, chưa mua được thì người luôn bứt rứt dù mua về thỉnh thoảng lắm mới dùng vì tủ đầy đồ đẹp.

Chị từng mua một chiếc túi xách Hermes với giá 15.000 USD trong khi giá trên hóa đơn chỉ là 10.000 USD, nhưng vì thích nên... không tiếc.

Chị H.Đ. cũng nghiện như vậy. Làm kinh doanh nên lúc nào cũng cần vốn nhưng cứ có đồ vừa mắt là chị lại mua.

Chị có 20 đôi dép lê giá 600-700 euro/đôi; áo pull 10 triệu đồng/chiếc cũng hàng chục chiếc; hai cái đồng hồ trị giá 1,5 tỉ đồng; 4 túi Hermes mà cái đắt nhất gần 500 triệu đồng; còn túi các nhãn hiệu khác như Dior, Fendi, Gucci, LV... thì “vô biên”.

Chỉ vào ảnh một chiếc Dior màu rêu, chị H.Đ. cho biết hồi đầu năm khi sang Pháp, chị đã đi khắp Paris mới tìm được màu túi này.

“Ở VN lúc đó túi này bán với giá 100-110 triệu đồng, tại Pháp lúc ấy tôi mua là 67 triệu, loại da rắn này nhanh cũ nhưng thích nên phải lùng bằng được. Từng có lần ở Nhật tôi chỉ ăn một chiếc bánh gạo lót dạ vào buổi sáng rồi đi mua sắm đến 9h tối, bỏ cả bữa trưa và bữa tối mà không mệt, vẫn hừng hực tinh thần.

Tôi mà đi nước ngoài là tiêu hết tiền, cháy thẻ...” - Đ. nói.

Không phải là tuyệt đối

Nhiều năm mua đồ hiệu nhưng chị N.L. vẫn gặp phải vô số tai nạn hàng hiệu, bỏ ra cả đống tiền nhưng đồ nhận về bỏ thì thương, vương thì tội.

“Có lần tôi mua chiếc áo da hơn 100 triệu đồng, nhìn hình thì thích lắm và nghĩ là rất hợp, nhưng lúc hàng về mặc thử đã thấy không vừa ý do áo này chỉ hợp người trẻ tuổi, dáng mảnh mai, trong khi mình đứng tuổi lại tương đối mập mạp.

Nhiều đôi giày nhìn rất đẹp nhưng đặt mua về đi vào chân lại thấy không ưng.

Kinh nghiệm của tôi chỉ đặt mua túi là an toàn nhất, còn lại quần áo, giày dép phải thử rồi mới quyết định nên mua hay không, vì giá đồ hiệu đắt đỏ mua về không vừa, không đẹp, tâm lý ai cũng muốn thanh lý cho nhanh, cho “khuất mắt” và buộc phải bán rẻ”- chị L. nói.

Theo chị Nguyễn Thu Huyền - một người kinh doanh hàng hiệu ở Hà Nội, người mua thường có xu hướng tôn sùng hàng hiệu, cho hàng hiệu là không bao giờ hỏng, dùng mãi vẫn như mới...

Nhưng theo Huyền, hàng hiệu vẫn có khi bị lỗi như lớp mạ trên giày hiệu bị xỉn màu hay bị bạc, không hiếm các túi hiệu đắt tiền có chỉ thừa, bị chảy keo, nắp vặn không chặt...

“Hàng hiệu cũng không phải là gì quá tuyệt đối” - Huyền nói.

* Kỳ 2: “Không phải nắng thì đừng chói chang”

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên