Chạy xe cũng thấy đau vì chấn thương
Những môn chơi cầm vợt như bóng bàn, cầu lông, quần vợt… thường gây đau vùng mặt ngoài khuỷu tay ở tay cầm vợt. Tại sao như vậy?
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh (phó chủ tịch Hội Y học thể thao & Nội soi khớp Đông Nam Á) cho biết:
"Đau mặt ngoài khuỷu tay ở người chơi môn cầm vợt, nhất là môn quần vợt là loại chấn thương điển hình tới mức chúng ta thường nghe từ tiếng Anh "tennis elbow".
Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh nói: Nguyên nhân gây đau được cho là do viêm và rách vi thể nhóm gân duỗi cổ tay, nơi nhóm gân này bám vào mỏm trên lồi cầu ngoài xương cánh tay.
Trong số nhóm gân duỗi cổ tay có 1 gân tên là gân duỗi cổ tay quay ngắn. Khi chơi các môn cầm vợt, người chơi có cú đánh rờ ve. Cú đánh này làm gân duỗi cổ tay quay ngắn lăn trên chỏm quay, nên hay dẫn đến những chấn thương vi thể lặp đi lặp lại.
Gân bị chấn thương liên tục sẽ bị yếu đi. Do cấu tạo của gân bằng các sợi collagen và rất ít tế bào và mạch máu nuôi nên có chuyển hóa rất thấp. Vì yếu tố này nên gân dễ bị thoái hóa và đứt vi thể.
Mặt khác, khi gân yếu đi do chấn thương, các enzyme hủy sợi collagen sẽ dễ thâm nhập vào bó sợi gân và làm cho tình trạng viêm không do tế bào nặng hơn. Tình trạng viêm thoái hóa lại làm cho cấu trúc gân bị thay đổi.
Các sợi collagen bị viêm được thay thế bằng các sợi collagen non không có khả năng chịu lực. Điều này dẫn tới triệu chứng đau khi vận động, dù là vận động rất nhẹ.
Triệu chứng người bị viêm mỏm trên lồi cầu ngoài hay khuỷu tay tennis là đau. Cơn đau rất điển hình khi người bệnh cầm ca nước, ly bia hay vắt khăn mặt. Nhiều bệnh nhân than với chúng tôi là họ lên tay ga khi chạy xe gắn máy cũng bị đau. Một số đau khi duỗi khuỷu tay. Một số bệnh nhân bị đau lâu có thể thấy một cục cứng lồi lên dưới da mặt ngoài khuỷu và ấn vào rất đau giống như bị ung thư xương.
Để chẩn đoán thông thường chỉ cần hỏi bệnh sử và khám là đủ. Nếu làm siêu âm hay MRI có thể thấy hình ảnh viêm tụ dịch vùng điểm bám gân, hình ảnh rách bán phần gân. X-quang có thể thấy hình ảnh xơ đặc xương hay gai xương vùng mỏm trên lời cầu xương cánh tay.
Điều trị bệnh lý này tưởng đơn giản nhưng nhiều khi lại nhiêu khê. Các thuốc kháng viêm giảm đau chỉ có tác dụng một phần ở giai đoạn viêm. Ở giai đoạn biến đổi cấu trúc gân, dường như các thuốc kháng viêm giảm đau ít tác dụng.
Các bài tập căng gân và day gân kèm với thuốc kháng viêm dạng bôi cũng có hiệu quả. Người ta thấy khi căng gân, các enzyme hủy sợi collagen sẽ bị ép ra ngoài, giảm hiện tượng viêm và làm các sợi collagen trưởng thành, chịu lực tốt hơn. Các biện pháp vật lý như laser năng lượng cao (cấp độ 3 hoặc 4), sóng xung kích (sóng âm ở tầng số cực cao) tỏ ra có hiệu quả trong việc giảm đau và kích thích sự tái tạo các sợi gân.
Một số sản phẩm acid hyaluronic, collagen chích vào bề mặt gân và trong gân được chứng minh là có khả năng tái tạo sợi collagen. Tuy nhiên mức độ tin cậy của các nghiên cứu chưa cao và vẫn còn nhiều điều cần nghiên cứu. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu hay tế bào gốc cũng cho kết quả tương tự. Mức độ tin cậy của các nghiên cứu vẫn chưa cao.
Biện pháp cuối cùng khi điều trị bảo tồn thất bại là phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ mổ nội soi hay mổ mở để cắt lọc các sợi collagen bị rách và hư. Nạo xương nơi điểm bám gân cho chảy máu để kích thích mạch máu tái tạo nuôi gân. Nếu gân hư nặng có thể sẽ phải cắt phần gân hư, khoan vào xương cho chảy máu và đóng neo khâu gân vào xương. Thời gian để gân lành vào xương mất khoảng 6 tháng đến 1 năm.
Các biện pháp phòng ngừa chấn thương
Tập căng gân trước khi chơi. Căng nhóm gân duỗi, làm nóng nhóm gân duỗi ít nhất 15 phút trước khi chơi và làm nguội sau khi chơi.
Khi đã đau nên mang băng vùng dưới khuỷu để hạn chế tình trạng hoạt động quá mức của nhóm gân duỗi.
Điều trị sớm ở giai đoạn cấu trúc gân chưa bị thay đổi sẽ giúp mau giảm đau và hạn chế rách gân.
Có thể tạm thời đổi môn chơi nếu cần thiết. Hạn chế việc thay đổi nhịp điệu chơi đột ngột khiến gân chưa kịp thích ứng.
Tuổi tác cũng là yếu tố gây suy yếu gân, nên cần lượng sức mình khi chơi. Khi nghỉ chơi một thời gian cần phải luyện tập nhẹ nhàng và tăng dần cường độ để chơi lại như xưa.
Tránh tình trạng ra sân chơi ngay với cường độ cao mà chưa có thời gian luyện tập.
Tình trạng nóng ẩm làm mất nước và điện giải cùng làm cho sợi gân dễ bị chấn thương. Cần bù đủ nước và điện giải khi chơi, nhất là chơi ở thời gian trưa nắng gắt. Điều này hay xảy ra ở nước ta với khí hậu nóng và ẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận