17/02/2023 10:56 GMT+7

Chơi boardgame chăm sóc sức khỏe tinh thần

Từ trò chơi hỏi đáp trên đường đi học về cùng cô bạn hồi cấp III, Đào Hải Nhật Tân - sinh viên ngành tâm lý Đại học Fulbright - đã phát triển thành chuỗi sản phẩm boardgame chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người trẻ, lập công ty mang tên Seesaw.

Đào Hải Nhật Tân (thứ hai, từ phải sang) cùng các cộng sự đều thuộc thế hệ Z tại Seesaw - Ảnh: B.MINH

Đào Hải Nhật Tân (thứ hai, từ phải sang) cùng các cộng sự đều thuộc thế hệ Z tại Seesaw - Ảnh: B.MINH

Mình chưa bao giờ nghĩ đến việc phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống bởi đang được sống và làm những điều mình yêu thích nhất.

ĐÀO HẢI NHẬT TÂN

Nhật Tân nhớ hoài nụ cười của cô bạn học chung Trường THPT chuyên Bắc Ninh mỗi lần hai đứa đồng hành từ trường về nhà suốt những buổi trưa. Đầu năm lớp 11, cô bạn ấy bất ngờ tự tử sau một biến cố lớn nhưng may mà cứu kịp.

"Tụi mình đã làm một bộ thẻ chứa các câu hỏi và thông điệp để giúp bạn trải lòng dễ hơn. Mỗi ngày đạp xe về, tụi mình sẽ bốc một lá và trò chuyện cùng nhau", Tân kể.

Nụ cười chắp cánh ước mơ

Mọi chuyện dần khá lên. Năm cuối cấp, nhìn thấy nụ cười thật tươi của bạn mình trong lễ tổng kết, Nhật Tân gọi đó là khoảnh khắc "ngọt ngào", giúp bạn nhận ra điều muốn làm sau khi tốt nghiệp.

Cũng ngay giây phút ấy, Tân nhớ lại câu hỏi của ba lúc còn sống: "Điều cuối cùng mà con muốn có được khi nằm trên giường bệnh lúc cuối đời là gì?". Câu hỏi mà tại thời điểm được nghe, Nhật Tân từng cho là kỳ lạ, thậm chí là hơi ngớ ngẩn vì chẳng hiểu hết ý nghĩa.

Nhớ lại hình ảnh người bạn thân của mình trên giường bệnh, rồi vẻ mặt tươi tắn sau đó một năm, mọi thứ như động lực thôi thúc cô gái phải làm điều mình muốn. "Mình hiểu ra rằng mình sẽ nỗ lực để tìm lại nụ cười trên gương mặt của những người đã từng bị tổn thương, từng có vết sẹo trong tâm hồn. Mình muốn đồng hành cùng họ", Tân chia sẻ lý do chọn ngành tâm lý để theo đuổi.

Nhật Tân từng tự hỏi chính mình rằng liệu có đủ dũng cảm dành cả cuộc đời cho những câu chuyện đau khổ của người khác không. Từng chọn và học ngành báo chí song nhận ra bản thân rất yêu thích lĩnh vực tâm lý, đam mê ấy cứ như ngọn lửa âm ỉ cháy trong Tân.

Rồi một ngày khi đang ở phòng trọ, một tiếng nói cất lên trong đầu Tân: "Mình muốn đi vào TP.HCM!". Năm ngày sau, cô gái đã ngồi máy bay vào TP.HCM, quyết định ngừng học báo, nộp đơn vào ngành tâm lý học Đại học Fulbright.

"Do No Harm"

Năm 2020, Seesaw chào đời bắt đầu với sản phẩm là những bộ trò chơi boardgame. Chúng giúp người chơi nhìn nhận các khó khăn trong cuộc sống và cảm thấy họ có thể đương đầu với chúng thay vì bỏ cuộc, gia tăng cảm giác tích cực trong mỗi trải nghiệm.

Trên một tấm thẻ trong bộ trò chơi mà Nhật Tân cùng cộng sự thiết kế, người chơi có thể gặp câu hỏi khá "hình tượng": "Bạn đang đi vào một ngõ hẹp thì có một chú bò đi ngược lại chắn đường. Cái ngõ và con bò trong tuần qua của bạn là gì?". Ấy cũng là cách đặt vấn đề tích cực và nhẹ nhàng hơn thay vì nói rằng cuộc sống của bạn vốn đã rất khó khăn, đâu là điều còn cản trở bạn trong tuần qua.

Nhật Tân có một không gian thư giãn của Seesaw tại một căn hộ chung cư ở quận 7, nơi các bạn trẻ có thể đến uống nước và lựa chọn giải trí bằng các trò chơi theo từng mức giá khác nhau. Ở đây còn có những góc nhỏ để mỗi khách ghé thăm để lại tâm tư, suy nghĩ qua sổ tay, bảng trang trí...

Không gian ấy còn có sự hiện diện của những chú mèo do Tân cứu hộ. Những người bạn bốn chân đã được tiêm phòng, triệt sản chung sống trong một mái ấm. Chúng hay nhảy lên những góc bàn có nắng chiều rọi vào rồi đánh một giấc no nê. Chính khoảnh khắc đó khiến khách ghé thăm cảm nhận được sự bình yên đến lạ. Ngắm những chú mèo ngủ yên cùng những giây phút thư giãn đã giúp họ trải lòng nhiều hơn qua các boardgame.

"Do No Harm" - nỗ lực không gây nguy hại lên môi trường, con người hoặc cộng đồng là phương châm hàng đầu khi cô sinh viên năm thứ 3 ấy thiết kế các bộ trò chơi và hướng hoạt động của Seesaw. Đây là bài toán khó khi hoạt động sản xuất và vận hành sắp tới được đẩy mạnh. Điều thuận tiện duy nhất là toàn bộ nhân viên đều thuộc thế hệ Z sáng tạo và nhiều ý tưởng nên cô chủ Nhật Tân dí dỏm: "Tụi mình sẽ luôn luôn tìm được lối thoát".

Bộ kit "cấp cứu cảm xúc" sắp ra mắt sẽ có các mẹo để mọi người sử dụng ngay, ứng phó với các tình huống choáng ngợp về cảm xúc. Mỗi tấm thẻ được làm từ xơ dừa, có chứa hạt giống bên trong nên ngay cả khi bị thải ra môi trường, chúng không gây hại mà gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển thành cây.

"Chúng mình luôn nỗ lực để mỗi sản phẩm không chỉ bán và thu lợi nhuận mà khi đến tay khách hàng, chúng sẽ tiếp tục một hành trình thật dài, gieo được thật nhiều giá trị dù là cho mỗi người hay cho cộng đồng", Nhật Tân chia sẻ.

Nên biết chăm sóc bản thân trước

Dù lúc nào cũng tràn đầy năng lượng song Nhật Tân thừa nhận sau nhiều tuần làm việc hăng say cũng có lúc thấy mệt mỏi. Khi ấy, Tân chọn cách quay về chăm sóc bản thân trước khi tiếp tục hành trình.

Tân khoe đã được học nhiều phương pháp mà một trong những điều thấy khó nhất chính là từ bỏ những định kiến của bản thân khi tiếp xúc với thân chủ. Chẳng hạn một người khi từng bị lạm dụng tình dục khi còn bé rồi sau đó trở thành chuyên viên tâm lý, gặp đúng vị khách hàng là người từng lạm dụng tình dục người khác sẽ thế nào!

"Đó là lúc họ cần tiếp xúc khách hàng với góc nhìn của chuyên viên làm việc chuyên nghiệp và không mang cảm xúc cá nhân vào quá trình trị liệu. Nếu không thể giải quyết được những khúc mắc của bản thân, cách tốt nhất là hãy từ chối và dừng lại", Tân giải thích.

Sức khỏe tinh thần của nhà khởi nghiệpSức khỏe tinh thần của nhà khởi nghiệp

TTO - Khi khởi nghiệp, bạn thường chịu áp lực phải hoàn thành công việc đúng thời hạn, đạt kết quả và đương đầu với khó khăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên