Người lạ đậu xe chắn trước cửa, tôi không ra khỏi nhà để đi làm được nên tức giận lấy đá chọi bể kiếng xe, vặn gãy gương chiếu hậu. Chiều muộn người để xe quay lại lấy xe và trình báo công an việc xe bị phá. Tôi thừa nhận tôi làm. Sau khi nghe công an phân tích, tôi đã đồng ý bồi thường cho chủ xe. Đồng thời, tôi và chủ xe ký cam kết không khiếu nại khiếu kiện gì. Tuy nhiên, sau 2 tháng tôi nhận được quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú của công an cấp quận cho hành vi hủy hoại tài sản. Xin cho hỏi tôi có thể làm gì để bảo vệ mình?
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời:
Việc người lạ đậu xe chắn trước cửa nhà bạn dẫn đến việc bạn không ra khỏi nhà được là ứng xử không văn minh.
Tuy nhiên, bạn đập bể kính xe và vặn gãy gương chiếu hậu xe ô tô là hành vi hủy hoại tài sản của người khác.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong câu hỏi, bạn không nói rõ là bạn và chủ xe thỏa thuận thương lượng bồi thường số tiền là bao nhiêu để xác định mức độ thiệt hại.
Để xác định chính xác hành vi của bạn có đủ yếu tố để xử lý hình sự hay không thì các cơ quan tố tụng nơi xảy ra vụ việc (cũng là nơi cư trú của bạn) phải trưng cầu giám định trong tố tụng hình sự để xác định mức độ thiệt hại.
Khi cơ quan cảnh sát điều tra công an quận nơi xảy ra sự việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì có thể kết quả giám định giá trị thiệt hại của tài sản mà bạn hủy hoại phải từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng bạn có một trong các trường hợp quy định ở khoản 1 của điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Điều 178 Bộ luật Hình sự quy định như sau:
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm".
Khoản 3 điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: "Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự".
Điểm a, khoản 1, điều 9 Bộ luật Hình sự quy định: Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn, mà mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm. Theo đó, bạn chỉ có thể xem xét được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 điều 29 Bộ luật Hình sự khi thỏa mãn ba điều kiện:
- Hành vi của bạn thuộc khoản 1 điều này, tức thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng;
- Bạn đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.
- Được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Giữa bạn và người bị hại, trước đây có thỏa thuận không khiếu nại, khiếu kiện gì sẽ không có giá trị trong trường hợp này.
Vì vậy, để bảo vệ mình, bạn cần hòa giải với người bị hại và đề nghị họ làm văn bản gửi cơ quan tố tụng nơi ra quyết định khởi tố đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bạn. Việc được miễn hay không sẽ do cơ quan tố tụng quyết định.
Trường hợp, hành vi vi phạm của bạn ở khoản 2 điều luật này trở lên thì sẽ không được xem xét miễn trách nhiệm hình sự, kể cả khi có đơn đề nghị của bị hại.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận