Test nhanh kháng nguyên (Ag-RDT) đang là chủ bài chiến dịch tầm soát, bóc tách F0. Ag-RDT kém chính xác hơn RT-PCR “cái đầu”, cụ thể độ nhạy 80% và độ đặc hiệu 97%.
Dương tính giả và âm tính giả, là tồn tại của Ag-RDT, cái giá cho nhanh tiện nhầm “hớt váng” F0 lẹ. Chốt hạ sau đó đều phải qua tay PCR.
Nhân tiện, biết qua về độ nhạy và độ đặc hiệu, giò cẳng của một xét nghiệm. Test có độ nhạy cao, tức cho âm tính giả ít, trong khi độ đặc hiệu cao, ngược lại, ít dương tính giả. Lý tưởng cả cặp 100% nhưng không có thứ như vậy trên đời. Xét riêng test nhanh, tách F0 cách ly sớm, thì độ nhạy ưu tiên hơn, bởi bảo đảm không “thả” vào cộng đồng quá nhiều người mang mầm bệnh. Riêng test có độ đặc hiệu cao, nếu thực hiên ở “vùng đỏ” thì kết quả dương tính có độ tin cậy cao. Các Ag-RDT thường độ nhạy kém hơn độ đặc hiệu.
Hiểu đơn giản thì các Ag-RDT không thể phát hiện được lượng virus mẫu quá thấp. Nghĩa là ai đó mới nhiễm, đang ủ bệnh, hoặc gần như hồi phục với Covid-19 thì test nhanh vẫn cho kết quả âm tính.
Còn phải kể các ca +/- không nói có /có nói không do lỗi kỹ thuật: lấy mẫu hoặc bảo quản mẫu sai, tác động hóa/lý làm hỏng kit, kit quá date, kit đểu, và vô số loạn nhiễu không tên...
Y tế quá tải, test nhanh đang có xu hướng san sẻ, một phần như người cho lấy mẫu /phần còn lại của y tế, hoặc người dân tự mua test về xử cả gói. Xôi hỏng bỏng không theo đó diễn biến.
Minh họa. Hầu hết RDT test lấy mẫu dịch tỵ hầu, một thuật ngữ ngơ ngác với đa số. Thử xem đúng sách thì chọc mũi tỵ hầu là thế nào: người cho ngồi hoặc nằm đầu nghiêng sau 70 độ - người lấy mẫu đưa que thử qua lỗ mũi, đẩy dọc sàn mũi tới khoang mũi hầu cho đến khi có lực cản (sâu khoảng ½ khoảng cách từ đầu mũi đến dáy tai) – xoay que 3 lần và rút que ra khỏi mũi và không để quẹt va vào chỗ nào khác của mũi.
Một mếu dở đơn cử khác. Các bộ kit có 2 vạch, vạch T kết quả và vạch C là vạch chứng. Dương tính khi có cả T và C (2 vạch), âm tính khi chỉ có C (1 vạch). Chỉ là trường hợp cắc cớ, chỉ có vạch T nhưng không có vạch chứng C, về lý là không hợp lệ, kết quả hủy, nhưng với nhiều người thì cứ 1 vạch là nổ sâm banh ăn mừng. Hướng dẫn sử dụng có, nhưng không chắc được xem tường tận. Với đa số, chọc mũi là chọc mũi, 2 vạch là lên đường...
Quay lại chủ đề, về việc bị “xin tí huyết” sau test nhanh. Sách có nói, thấy đau nghĩa là chọc đúng tỵ hầu, không thấy đau người cho cần khiếu nại người lấy mẫu. Có điều, để làm đau thì đôi khi lỡ tay chảy máu mũi, nhất là với người nhạy cảm, tật vẹo vách mũi, polip, viêm mũi dị ứng... Về lý, que thử bị “thôi nhiễm”, phải hủy, vì có thể sai lệch kết quả. Riêng ca về nhà máu mũi, thì khả năng que thử trước đó vô sự.
Tính khó đoán của các test nhanh đã được dự báo, nhưng không nên nhìn chúng dưới con mắt là một xét nghiệm ngờ nghệch, cho có. Sàng lọc hiệu quả có giá trị lớn trong kiểm soát dịch. Việc của chúng ta là đảm bảo mọi thứ để các test cho kết quả chính xác nhất mà chúng có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận