15/11/2012 08:38 GMT+7

"Choáng" với phí quốc lộ 51

L.Thanh
L.Thanh

TT - Nhiều doanh nghiệp vận tải có nhu cầu qua lại trên tuyến quốc lộ 51 đã “choáng váng” trước thông tin phí giao thông đường bộ trên tuyến này sẽ tăng gấp đôi (Tuổi Trẻ 14-11).

Tuy nhiên, chính người tiêu dùng là đối tượng lãnh đủ các chi phí này.

21GdoiMV.jpgPhóng to
Quốc lộ 51 đoạn qua tổ 3, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang thi công dang dở nhưng vắng bóng công nhân (ảnh chụp trưa 14-11) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo thông tư của Bộ Tài chính, phí đường bộ quốc lộ 51 tới đây đồng loạt tăng gấp đôi đối với tất cả phương tiện vận tải. Chẳng hạn, mức phí qua trạm Long Thành (Đồng Nai) sẽ là 160.000 đồng/lượt đối với container 40 feet thay mức 80.000 đồng/lượt như hiện nay. Ngoài ra, trạm Tân Hải (huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu), dự kiến sẽ đưa vào hoạt động khi việc nâng cấp quốc lộ 51 hoàn thành, cũng áp mức phí tương tự.

Đường nâng cấp, phí gấp đôi

Thực hiện theo đúng cam kết!

Ngày 14-11, trao đổi với chúng tôi về thời gian thu hồi vốn và mức phí thu trên quốc lộ 51, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết Nhà nước sẽ phải thực hiện theo đúng cam kết với nhà đầu tư vì chủ trương đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 51 theo hình thức hợp đồng BOT đã được Thủ tướng phê duyệt. Mức phí sử dụng đường bộ qua các trạm trên quốc lộ 51 được quy định theo đúng cam kết giữa Nhà nước với nhà đầu tư tại hợp đồng BOT, cũng như phù hợp với quy định tại thông tư 90 năm 2004 của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính cũng nói thêm với tổng mức đầu tư quốc lộ 51 là hơn 3.970 tỉ đồng, nhà đầu tư đã đổ vào đây một khoản vốn không nhỏ. Nhất là trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp như hiện nay, để có nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ thì VN cần phải có cơ chế để khuyến khích, kêu gọi vốn ngoài ngân sách.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp vận tải ở Bà Rịa - Vũng Tàu đều sửng sốt và bức xúc trước thông tin giá phí trên quốc lộ 51 sẽ tăng gấp hai lần. “Tăng gì mà dữ vậy!” - ông Tôn Đức Hải, giám đốc Công ty TNHH vận tải và thương mại Trường Tồn, nói. Việc giá phí cao sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, trước mắt là ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.

Ông Hải lấy ví dụ hiện tại một xe chở container 40 feet đi từ Bà Rịa đến ngã ba Vũng Tàu với giá từ 3,5-4 triệu đồng. Sau khi trừ hết các khoản chi phí chỉ lãi khoảng 300.000 đồng, nếu phí qua trạm tăng gấp đôi thì lãi chỉ còn một nửa. “Các doanh nghiệp vận tải khó làm ăn, hàng hóa sẽ kém lưu thông dẫn đến tồn kho nhiều. Hậu quả là các nhà máy dừng sản xuất, công nhân thất nghiệp, khách đi du lịch giảm. Người dân đã chịu khổ quá nhiều khi hàng gì cũng tăng giá nay lại có thêm khoản mới” - ông Hải bức xúc.

Ông Trần Ngọc Thọ, giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải Trung - cũng bức xúc cho rằng chẳng biết dựa vào cơ sở nào mà tăng phí lên gấp đôi. Theo ông Thọ, trong khi quốc lộ 51 chỉ mở rộng, diện tích mặt đường tăng thêm chưa tới 40%, làm trên nền cũ thì việc tăng thu phí qua trạm Long Thành từ 80.000 đồng/lượt hiện nay lên 160.000 đồng/lượt tới đây là điều vô lý.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, tới đây các doanh nghiệp phải đóng phí bảo trì đường bộ hằng năm sau khi dỡ bỏ các trạm thu phí của Nhà nước nhưng trong thực tế khu vực Đông Nam bộ hiện không còn trạm thu phí của Nhà nước mà chỉ có trạm của dự án BOT. Như vậy, vô hình trung doanh nghiệp phải chịu hai lần phí.

Người tiêu dùng lãnh đủ

Hiện các cảng thuộc hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đang trong giai đoạn đói hàng, nếu doanh nghiệp vận tải phải gánh thêm phí, chắc chắn nguồn hàng về đây càng giảm. Ông Trần Khánh Sinh, giám đốc Tân Cảng Cái Mép, cho rằng mặc dù hiện tại việc tăng cước phí chưa ảnh hưởng nhiều đến các cảng nước sâu container vì hàng container vận chuyển bằng đường bộ chưa nhiều nhưng việc thu phí kéo dài tới hơn 24 năm là bằng nửa vòng đời của một cảng. Do đó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng sau này.

“Rõ ràng, cước phí đường bộ tăng sẽ làm chỉ số cạnh tranh của Bà Rịa - Vũng Tàu giảm sút so với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Các doanh nghiệp sản xuất thép ở Bà Rịa - Vũng Tàu hay những cảng hàng rời chuyên nhập, xuất thức ăn gia súc, hàng nông sản sẽ phải đội chi phí, mà người chịu cuối cùng là người tiêu dùng”.

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải lo lắng, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng sốt vó trước thông tin về giá thu phí quốc lộ 51 tăng gấp đôi. Ông Trần Tuấn Việt, chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay chi phí cho giao thông trong kinh doanh du lịch rất lớn, việc tăng phí này chắc chắn sẽ gây bất lợi cho ngành du lịch địa phương này. Do đó, ông Việt kiến nghị nên giữ mức phí cũ và chờ tình hình kinh tế sáng sủa sẽ thu theo giá mới.

Ông Hồ Văn Niên, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng bày tỏ lo lắng rằng việc tăng phí trên quốc lộ 51 chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến chiến lược biến địa phương này thành trung tâm dịch vụ logistics, bởi ngành vận tải là một khâu quan trọng trong logistics. Theo ông Niên, tỉnh sẽ nắm lại sự việc để có kiến nghị tiếp và việc thu phí cần có tính toán lại để cùng có lợi cho hai, ba phía.

Ông Thái Văn Chung (tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM): Khó khăn thêm chồng chất

Từ TP.HCM đến Vũng Tàu doanh nghiệp đâu chỉ đóng phí ở quốc lộ 51 mà còn phải đóng khá nhiều phí khác. Trong tình hình các doanh nghiệp vận tải phải gánh chịu quá nhiều loại phí như hiện nay sẽ là điều khó chấp nhận được.

Ông Lê Đình Tuấn (giám đốc chi nhánh phía Nam Công ty du lịch Tân Hồng): Thêm gánh nặng cho doanh nghiệp

Mỗi lần tàu du lịch (1.000-2.000 khách) chở khách cập cảng Phú Mỹ, chúng tôi phải huy động khoảng 50 xe (loại 45 chỗ) để chở khách tham quan. Mỗi xe sẽ di chuyển tổng cộng bốn lượt với phí qua trạm hiện nay là 44.000 đồng/lượt đã là một khoản chi phí khá lớn, chưa kể phí qua xa lộ Hà Nội. Nếu tới đây, phí qua các trạm trên quốc lộ 51 tăng gấp đôi sẽ là một gánh nặng cho các đơn vị vận tải khách du lịch như chúng tôi.

L.Thanh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên