Các cộng đồng buôn, làng này tồn tại lâu dài với luật tục riêng của từng dân tộc cho đến khi có luật pháp thay thế điều chỉnh.
“Chế tài” của luật tục với nhiều hình thức phạt vạ rất nghiêm khắc, thậm chí có hình phạt dã man. Theo mức độ vi phạm luật tục mà chủ làng, già làng sẽ xử phạt người vi phạm bằng các hình thức: nộp hiện vật như cồng, chiêng, nồi đồng, vòng thau, ché rượu, trâu, bò, heo, gà, lúa, cho đến các hình thức gắp than lửa bỏ vào lòng bàn tay, nấu chì sôi đổ vào bắp vế, bắt lặn xuống nước, bắt bỏ đói trong rừng cho thú dữ ăn thịt... Thế nhưng xem ra các hình phạt đó không có nhiều tác dụng giáo dục, răn đe lâu dài bằng dư luận xã hội.
Cái “hình phạt” mà người dân tộc sợ nhất vẫn là dư luận xã hội của cộng đồng dân cư buôn, làng. Biết người nào đó vi phạm luật tục thì người này liền rỉ tai người kia, nhà này nói với nhà khác, làng trên nói với làng dưới; già trẻ, lớn bé cả mấy làng cạnh nhau truyền miệng cho nhau biết và kẻ có lỗi lập tức bị cả cộng đồng khinh ghét, xa lánh, cô lập; kẻ có lỗi rất xấu hổ, có khi phải bỏ làng ra đi...
Người dân tộc thiểu số vùng Tây nguyên VN có đặc trưng văn hoá rất độc đáo: ngoài cái mà người ta tôn vinh như di sản văn hóa cồng chiêng, các lễ hội, người dân tộc nghiêm cấm phóng uế trên nương rẫy và nguồn nước, không chặt phá rừng đầu nguồn (rừng thiêng để cho yàng ở), không tham lam, không nói dối, không ngoại tình, đói thì tự mình làm ăn, không đi ăn mày - ăn xin, không trộm cắp, trả lại của rơi khi nhặt được, thương yêu trẻ con, quý trọng người già, thương con nuôi như con đẻ, biết nhường cơm sẻ áo, biết giúp đỡ người nghèo khó, tàn tật.
Người dân tộc thiểu số Tây nguyên khi đã tin là không thay lòng đổi dạ, đã hứa là giữ lời, luôn nhớ ơn ai đã giúp đỡ họ lúc khó khăn và cũng biết “nhịn miệng tiếp khách”. Đặc trưng văn hóa đó đã hun đúc cho mỗi con người Tây nguyên có bản sắc đặc trưng: chất phác, hiền hòa, ngay thẳng, có lòng vị tha, bao dung và luôn gắn kết chặt chẽ với cộng đồng.
Như trên đã nói, dư luận xã hội là một “chế tài” nghiêm khắc để duy trì trật tự trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc thiểu số Tây nguyên từ ngàn xưa, và trên thực tế cũng là “chế tài” không thể thiếu để góp phần thực thi pháp luật ở các cộng đồng dân tộc đa số và các nhà nước tiến bộ.
Giờ đây, tiếp thu dư luận xã hội để giám sát cán bộ cũng là điều rất cần thiết. Thiết nghĩ điều này không có gì mới, nhưng sẽ không bao giờ cũ nếu ta thấy nó có ích.
Cơ chế dân giám sát đã được luật pháp quy định. Nếu tôn trọng dư luận xã hội, lắng nghe ý kiến của dân sẽ không thể có vụ một số cán bộ chủ chốt ở Đồng Tháp chiếm đất của dân, lấy tiền dự án đưa cho người thân làm giàu; một số cán bộ ở Bình Thuận không thể đóng vai lâm tặc để chia đất của dự án Ba Bàu, Hàm Thuận Nam.
Tương tự các vụ án có liên quan đến đất đai như Phú Quốc - Kiên Giang, Đồ Sơn-Hải Phòng, Gò Vấp - TP.HCM cũng không đến nỗi gây hậu quả nghiêm trọng như đã từng xảy ra... Nếu dư luận xã hội cũng được xem là kênh thông tin cần thu thập, xử lý nghiêm túc, chắc chắn sẽ hạn chế được nhiều vụ việc tham nhũng tiêu cực của cán bộ, công chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận