23/03/2008 14:36 GMT+7

Chợ xăng bên kia biên giới

Theo PHƯƠNG HOADoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo PHƯƠNG HOADoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Những chiếc xe máy buộc đằng sau hàng chục can nhựa cáu bẩn chạy vèo vèo trên con đường đất của các xã Hưng Điền A và Hưng Điền B, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đã thành quen mắt với nhiều người. Dù vậy, thật đáng ngạc nhiên khi trọn cả buổi sáng được chứng kiến quang cảnh tấp nập người buôn lậu xăng qua biên giới.

BnY6T9SV.jpgPhóng to
Những chuyến xe với hàng chục can xăng xuôi ngược trên đường mòn nhỏ ngay sát nhà bộ đội biên phòng Campuchia
Những chiếc xe máy buộc đằng sau hàng chục can nhựa cáu bẩn chạy vèo vèo trên con đường đất của các xã Hưng Điền A và Hưng Điền B, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đã thành quen mắt với nhiều người. Dù vậy, thật đáng ngạc nhiên khi trọn cả buổi sáng được chứng kiến quang cảnh tấp nập người buôn lậu xăng qua biên giới.

Đồn biên phòng trên đất Campuchia và chỉ cách điểm tập kết xăng lậu vài trăm mét. Thật xót xa khi chính quyền và người dân ngày ngày lo lắng vì vật giá leo thang do giá xăng tăng thì ở đây, một trong nhiều điểm buôn lậu, xăng vẫn chảy qua biên giới.

Hai đất nước chỉ cách nhau bờ đê cao ngăn giữa cánh đồng làm đường biên, nhưng không gian lại quá khác biệt. Nếu cánh đồng phía Việt Nam được canh tác lúa có màu xanh ngát thì bên đất bạn, những gốc rạ từ mùa trước đã trụi đi vì nắng, thi thoảng một cây thốt nốt cao chót vót hắt xuống đường bóng râm thẳng băng. Dù vậy, cả hai cánh đồng đều có điểm tương đồng là những bờ ruộng nhỏ gấp khúc, lồi lõm. Người không quen đi bộ còn cảm thấy khó khăn, thế mà chính những bờ ruộng này lại là con đường “huyết mạch” cho hàng trăm lượt xe máy, xe đạp qua lại hàng ngày.

Hai lần mục kích chợ xăng

Trong ba năm qua, chúng tôi xuống Hưng Điền A hai lần, vượt biên giới qua đường ruộng một lần cùng những người nông dân. Khi ấy, sau câu nhắc nhở của anh xe ôm: “Túm áo tui chặt vào, coi chừng rớt nghe”, chiếc xe lao lên, vượt qua lối đi nhỏ đã mòn sâu vết bánh xe của con đê. Chưa hết cái cảm giác bồi hồi vì lần đầu tiên ra khỏi đường ranh bao bọc đất nước mình, tôi sửng sốt vì thấy đám đông vài chục người đứng, ngồi lố nhố giữa hàng đống can nhựa cáu vàng. Hỏi người xe ôm: “Họ làm gì ở đây?” thì được biết đó là chỗ giao nhận xăng lậu bằng đường xe máy. Muốn dừng lại vài phút nhưng người lái xe ôm thẳng thừng từ chối: “Bộ muốn bị ăn đập sao?”.

Dù ở nơi hoang vắng, sát đường biên, nhưng người ta tụ tập giao xăng, nhận tiền nên nơi đó được coi là chợ xăng. Cho đến hôm nay, sau gần ba năm, chúng tôi lại một lần nữa ở rất gần chợ xăng. Chợ xăng vẫn hoạt động như cũ. Ít nhất là ba năm rồi, không biết bao nhiêu xăng đã “vượt biên” sang đây.

Người bộ đội biên phòng Campuchia nhã nhặn tiếp đoàn đi thực địa sau khi xem kỹ tờ giấy giới thiệu của Bộ Văn hóa và Thông tin nhưng từ chối mọi câu hỏi về hoạt động buôn lậu xăng từ Việt Nam sang.

Hàng ngày, tàu xăng từ trong nội địa Việt Nam đi theo sông Vàm Cỏ vào vùng biên giới và bơm lên cho đội quân buôn lậu ở các xã. Qua khoảng hai cây số từ đường chính của xã đi theo bờ ruộng là gặp đường biên giới. Đoạn đường rất ngắn, nên chỉ tốn hơn chục phút là sang “an toàn khu”, bởi bên này đường biên không còn thuộc địa phận của bộ đội biên phòng Việt Nam nữa.

Mặc dù không thừa nhận, nhưng có vẻ mọi hoạt động của người buôn lậu xăng qua lại đây rất thoải mái. Con đường mòn bên hông đồn biên phòng nhẵn lì vết xe. Ngay trong khi chúng tôi nói chuyện với người đồn trưởng, những chiếc xe máy vẫn phóng qua rầm rầm. Người thông dịch cho biết: “Ở vùng giáp ranh này cũng có nhiều điều phức tạp, nhưng không lớn. Bộ đội biên phòng hai nước mỗi tuần gặp nhau một lần mà. Có gì thì cùng nhau giải quyết”. Thế nên có thể nói, việc mua bán xăng lậu dường như không bị coi là phạm pháp. Muốn đi dọc đường biên, ngang chỗ chợ xăng nhưng chúng tôi chỉ được đi lại từ phạm vi đồn biên phòng vào trong nội địa. Hóa ra, chợ xăng là nơi cấm xâm nhập đối với người nước ngoài.

Đứng ở mặt ruộng khô nhìn về đất nước mình có thể thấy rõ từng nóc nhà, nhưng không biết mái nhà nào đặt trụ sở bộ đội biên phòng Việt Nam. Không biết từ đó các anh có nhìn thấy hình ảnh mà chúng tôi đang thấy - những chiếc xe máy chở xăng di động khó nhọc như những con kiến nặng bụng vì thức ăn.

Người chở xăng đa số là đàn ông, nhưng lẫn trong đội quân ấy vẫn có cả phụ nữ và trẻ em. Những người đàn ông khỏe mạnh nhanh chóng tháo các can đầy xăng xuống và cũng nhanh như thế buộc lên xe những can rỗng và quay về. Xe máy chở xăng từ hướng chợ phía sau lưng người lái phình to trên dưới 20 chục can lặc lè bò chậm chạp. Ở chiều ngược lại các xe chở can rỗng chạy phăng phăng, như sợ chậm chân sẽ hết hàng.

Sự cố chợ xăng

RaGrgtPF.jpgPhóng to
Phụ nữ không có sức cũng tranh thủ dong bộ xe đạp vài can

Có tiếng “rầm” bên hông đồn biên phòng. Một cậu bé chỉ chừng 15-16 tuổi, nhỏ bé, nằm sóng xoài trên nền đất bên cạnh những can đầy xăng. Hai người đàn ông lái xe sau em vòng tay lái để tránh cũng lao đao suýt ngã, nhưng không dừng lại.

Chúng tôi giúp em dựng xe lên, buộc lại các can xăng. May mắn cậu bé không bị thương. Xong việc, cậu ta leo lên xe đi tiếp, không hề nói năng gì, cũng không tỏ cử chỉ nào tỏ vẻ cảm ơn. Khi ấy tôi mới để ý chiếc xe cao mà chân cậu bé quá ngắn để với tới cần số nên yên đã bị tháo ra. Cậu ta ngồi trên bình xăng xe để lái.

Người lính biên phòng mời chúng tôi ngồi chơi, chờ anh đi mua cà phê về đãi. Giữa cánh đồng vắng tanh, cháy nắng thế này mà có quán cà phê? Nhìn theo xe máy của anh lính, phía xa xa là một căn nhà nhỏ nằm trơ trọi. Từ đó, lác đác bóng xe máy và dĩ nhiên luôn có can nhựa đằng sau. Nơi đó có quán nước phục vụ những người buôn bán ở chợ xăng, bởi chắc chắn không người dân nào vượt mấy cây số từ các làng mạc gần đó đến chỉ để giải khát.

Được sự đồng ý của các anh ở đồn biên phòng, chúng tôi lấy máy chụp hình. Những khuôn mặt lầm lì, không cảm xúc, thở dốc cực nhọc cùng sự vội vã. “Chụp cái gì?” - một người đàn ông thấp đậm vác trên vai hơn chục can không, chằm chằm nhìn vào mặt tôi. Không biết anh ta là người Việt hay người Campuchia. “Nhà báo à?”. Ngay lúc đó, một bạn đồng nghiệp nước ngoài đi ra lôi tôi vào đồn. Người đàn ông vác các can nhựa đến bên hông đồn vứt bịch xuống đó, lườm chúng tôi lần nữa rồi mới ra sân leo lên xe máy phóng đi.

Kết thúc buổi làm việc, trên đường quay về, chúng tôi gặp lại người phụ nữ đã qua lại đồn hôm nay hai lần. Chị không đi xe máy mà buộc ba can xăng ở yên sau xe đạp rồi đẩy bộ. Chúng tôi dừng xe hỏi chị có nói được tiếng Việt không. Chị lắc đầu. Qua người thông dịch mới hay chị đi lại mỗi ngày hai, ba lượt tùy sức lực. Chị không chở thuê mà mua về để cho người mẹ già bán trước cửa nhà, mỗi ngày kiếm được vài chục nghìn ria.

Đường từ trong biên giới về tỉnh lị Svay Rieng cứ cách vài chục mét lại có một nhà bán xăng. Trung tâm thị xã cũng có cây xăng nhưng cả ngày vắng vẻ vì giá trên bảng điện tử luôn luôn cao hơn những điểm bán xăng bên đường. Người bán loại xăng lậu đưa từ Việt Nam sang luôn luôn rẻ hơn từ ba đến năm trăm ria một lít, tùy lượng xăng họ nhận được nhiều hay ít. Xe khách, xe tải từ Phnom Penh đến khu vực ấy, trước khi quay lại là xe nào cũng đổ đầy xăng. Đó chỉ là số xăng được tiêu thụ ngay trên địa bàn, ai cũng quan sát được. Số xăng chính xác được tuồn sâu vào Phnom Penh thì không ai có thể thống kê.

Trong hai tuần tại tỉnh này, mỗi sáng, các bạn đồng nghiệp người Campuchia của chúng tôi lại chạy xe máy đến con đường đất đỏ mua đầy bình xăng rồi mới đi đâu thì đi. Ông Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Svay Rieng nói đùa: “Mua xăng Việt rẻ chở người Việt Nam đi làm”.

Theo PHƯƠNG HOADoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên