Câu chuyện hy hữu này xảy ra với gia đình liệt sĩ Trương Văn Chấn ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Trưởng công an xã ký giấy mượn đất
Cuối tháng 10-2023, chúng tôi đến huyện An Biên tìm gặp ông Trương Văn Trình (71 tuổi), người đang gửi đơn cầu cứu đi khắp nơi để xin nhận lại phần đất của gia đình đã cho chính quyền xã mượn từ năm 1983. Ông Trình là con ruột của liệt sĩ Trương Văn Chấn.
Theo ông Trình, sau năm 1975, gia đình ông về phần đất của cha ông ở ấp Bảy Chợ (xã Đông Thái, huyện An Biên) cất nhà để ở. Do việc trồng lúa kém hiệu quả nên các anh chị của ông bỏ đi nơi khác tìm kế sinh nhai, phần đất được giao lại cho hai mẹ con ông quản lý.
Ngày 19-2-1983, ông Huỳnh Thanh Long (khi đó là bí thư Đảng ủy xã Đông Thái) và ông Trần Cầm (khi đó là trưởng Công an xã Đông Thái) đến gặp gia đình ông và thông báo rằng huyện chuẩn bị tách làm hai, cho nên Huyện ủy chỉ đạo xã Đông Thái quy hoạch để chuẩn bị di dời các cơ quan của xã.
"Chính quyền xã Đông Thái ngỏ ý mượn đất của gia đình tôi để xây dựng trụ sở, sau này xã dời đi chỗ khác sẽ trả đất lại. Sau khi bàn bạc thì gia đình tôi đồng ý ngay", ông Trình nhớ lại.
Việc mượn đất này được thể hiện bằng giấy mượn đất do ông Trần Cầm được phân công viết và ký tên.
Giấy mượn đất được giao cho gia đình ông Trình lưu giữ cho đến tận bây giờ. Nội dung tờ giấy này thể hiện đầy đủ nguyên nhân của việc mượn đất, lời cam kết của chính quyền xã và sự thống nhất đồng ý của bốn mẹ con ông Trình.
Mịt mù chuyện đòi lại đất
Cho mượn đất xong, ông Trình và mẹ phải dọn đi sinh sống ở một phần đất khác của gia đình, nhưng rồi phần đất cuối cùng này cũng phải bán đi để chạy chữa bệnh tật cho mẹ ông những ngày cuối đời.
Gánh nặng cơm áo buộc ông Trình phải rời xa vợ con, trôi dạt làm thuê trên tàu cá ở miệt Hà Tiên. Nhưng cuộc sống lênh đênh trên biển vốn không êm ả, tai họa bất ngờ tìm đến, cuối năm 2004 hai bàn tay ông Trình bị cuốn vào chân vịt tàu biển làm đứt lìa tám ngón.
Mất khả năng lao động, ông Trình trở về lại quê nhà ở xã Nam Thái (huyện An Biên) và cất tạm căn nhà để ở trên phần đất của đứa con rể. Ông kể: "Trong một lần tôi về xã Đông Thái đi đám giỗ thì hay tin ủy ban xã đã dời đi chỗ khác nhưng không ai thông báo cho tôi biết.
Tôi đến xã hỏi thì họ bảo mất hồ sơ rồi đề nghị tôi làm văn bản gửi huyện, tôi làm đơn gửi UBND huyện An Biên xong thì phải đến khoảng một năm sau (giữa năm 2022) tôi mới được mời đến UBND xã Đông Thái để tiếp xúc, trao đổi".
Đến cuối năm 2022, UBND huyện An Biên có văn bản trả lời yêu cầu của ông Trình do ông Tô Thanh Đoàn - phó chủ tịch UBND huyện - ký.
Theo UBND huyện An Biên, phần diện tích đất ông Trình yêu cầu trả đã được thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước từ năm 1983 cho đến nay, là diện tích đất xây dựng trụ sở các cơ quan và khuôn viên UBND xã Đông Thái cũ (nay là cơ quan Đội cảnh sát PCCC và CNCH vùng U Minh Thượng).
Mặt khác, từ năm 1983 cho đến nay, ông Trình cũng không có quá trình sử dụng đối với diện tích đất này.
"Việc yêu cầu đòi lại đất cũ của ông Trương Văn Trình là không phù hợp với quy định tại khoản 2 điều 2 Luật Đất đai năm 1993; khoản 2 điều 10 Luật Đất đai năm 2003; khoản 5 điều 26 Luật Đất đai năm 2013. Do đó, nội dung yêu cầu của ông Trình không có cơ sở xem xét giải quyết" - trích văn bản trả lời của UBND huyện An Biên.
Không đồng tình với kết quả trả lời trên, ông Trình tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến UBND tỉnh Kiên Giang thì ngày 8-11-2023 nhận được... đơn hướng dẫn.
Cụ thể, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng khiếu nại của ông Trình thuộc thẩm quyền giải quyết của chủ tịch UBND huyện An Biên. Ông Trình tiếp tục gửi đơn theo hướng dẫn nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào.
Những nhân chứng sống
Theo ông Trình, phần đất mà ông đang đòi lại có diện tích khoảng 800m2 nằm ở Chợ Thứ 7.
Ghi nhận hiện nay tại khu đất này có nhiều ki ốt của các tiểu thương bao quanh, bên trong chỉ còn lại đống đổ nát là trụ sở cũ của Đội Cảnh sát PCCC và CNCH vùng U Minh Thượng (đơn vị này cũng đã dời sang trụ sở mới) và phần lớn diện tích bỏ hoang, cây cối mọc um tùm.
Ông Phạm Hồng Thọ (80 tuổi, người được nhắc tên trong giấy mượn đất) cho biết vào thời điểm 1983 ông là huyện ủy viên - phó trưởng Công an huyện An Biên.
"Thời điểm đó, theo phân công của Huyện ủy, tôi là người phụ trách, chỉ đạo xã Đông Thái mượn đất của gia đình liệt sĩ Trương Văn Chấn. Gia đình liệt sĩ đồng ý cho mượn vì tin tưởng đồng chí, đồng đội nên đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng cam kết giữa chính quyền với gia đình liệt sĩ Chấn.
Đạo lý mượn là phải trả, huống hồ gì đây là đất của liệt sĩ đã hy sinh xương máu. Chẳng lẽ đây là cách chúng ta đền ơn đáp nghĩa người có công?", ông Thọ bức xúc.
Còn ông Trần Cầm (69 tuổi) cũng xác nhận toàn bộ nội dung giấy mượn đất do chính ông viết và ký tên.
"Năm 1983, tôi là trưởng Công an xã Đông Thái. Thực hiện chỉ đạo của phó trưởng Công an huyện, tôi đi cùng bí thư xã (đã mất) tiếp xúc gia đình liệt sĩ Trương Văn Chấn. Ông Long trình bày việc mượn đất với điều kiện sau này xã có di dời thì sẽ trả lại đất cho gia đình và được đồng ý. Sau đó, ông Long chỉ đạo tôi trực tiếp viết giấy mượn đất và ký tên", ông Cầm kể.
Liên quan vụ việc trên, theo luật sư Trương Hồng Điền - Đoàn luật sư TP.HCM, pháp luật đất đai hiện hành không có quy định cụ thể về việc cho mượn đất.
Tuy nhiên, căn cứ điều 116 Luật Đất đai 2003 đã có quy định về trường hợp hộ gia đình, cá nhân trước đây đã cho cơ quan nhà nước mượn đất, nay có nhu cầu sử dụng thì thẩm quyền giải quyết thuộc về UBND tỉnh.
"Trường hợp trên, có thể căn cứ theo quy định tại điều 499 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền của bên cho mượn tài sản để xem xét, trả lại đất cho ông Trình.
Theo đó, bên cho mượn tài sản có quyền đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý", luật sư phân tích.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ UBND tỉnh Kiên Giang để tìm hiểu thì được trả lời vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Tỉnh hướng dẫn ông Trình gửi đơn đến UBND huyện An Biên như trên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Trận - chủ tịch UBND huyện An Biên (người phát ngôn của huyện) - lại không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn dù phóng viên đã nhiều lần liên hệ làm việc.
Đầu tháng 12-2023, Tuổi Trẻ tiếp tục có công văn gửi UBND huyện An Biên đề nghị trao đổi thông tin về trường hợp của ông Trình nhưng đến nay huyện này vẫn im lặng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận