23/02/2020 09:01 GMT+7

Cho vay nặng lãi vào trường học: Nào phải chuyện nhỏ

NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)
NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)

TTO - 15 học sinh có liên quan đến vụ việc cho vay lãi cao tại một trường THPT ở Đắk Lắk (Tuổi Trẻ 14-2) là thêm một lời cảnh báo về tình trạng cho vay lãi suất cao giữa học sinh với nhau.

Cho vay nặng lãi vào trường học: Nào phải chuyện nhỏ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Ảnh: TTO

Chuyện không phải mới, nhưng có nguy cơ ngày càng nhiều hơn nếu thiếu sự lưu tâm đặc biệt, hoặc giấu giếm thông tin về những vụ việc này. Và "vòi bạch tuộc" tín dụng đen (TDĐ) đã thò vào trường học.

Phát hiện: dễ hay khó?

Đã có chuyện người ngoài xã hội đưa tiền cho một số học sinh mang vào lớp cho vay lấy lãi. Chuyện này không còn xa lạ. Ở nơi tôi đang dạy và nhiều nơi khác từng phát hiện và xử lý. Chuyện xảy ra phải mất một thời gian mới bị phát hiện, khi đó có thể đã liên quan đến nhiều học sinh. Học sinh lỡ vay tiền mà không có tiền trả đúng hẹn lại được giới thiệu đến người khác (cũng trong các nhóm cho vay). Và tất nhiên vay của nhóm sau lãi suất sẽ cao hơn nhóm trước.

Qua tìm hiểu mới biết mỗi ngày nhóm học sinh này đi học thật sớm, rồi chia nhau đến từng lớp thu lãi các em đã vay tiền. Đa số các em vay tiền để chi mua sắm đồ dùng cá nhân như điện thoại, quần áo hay tiệc tùng, sinh nhật... Các khoản vay này có thể đến hàng triệu đồng.

Chung lớp, chung trường, những học sinh trong nhóm cho vay nắm bắt được nhu cầu về tiền bạc của bạn. Khi người vay không còn khả năng trả lãi lẫn vốn, các học sinh này sẽ thông tin đến gia đình với những lời đe dọa, làm cả gia đình lo lắng vì có thể bị tổn hại đến danh dự, uy tín và công việc làm ăn. Phụ huynh đành phải thanh toán các khoản vay và thường không báo cho nhà trường.

Một học sinh từng tham gia đường dây cho bạn vay tiền nói với tôi rằng bản thân em không có tiền, em nhận được phần tiền lãi chênh lệch khá cao khi thanh toán với người ra vốn. Mọi giao dịch diễn ra tại trường, thường là vào đầu buổi học, ở căngtin chẳng hạn. Do "lợi nhuận" lớn nên em ra sức chiêu dụ bạn bè vay tiền. Giáo viên chủ nhiệm từng thu được một quyển sổ em này ghi chép các khoản thu chi hằng ngày, số tiền con nợ đã vay thường có sáu số 0. Có nhiều em vay tiền, trả suốt nhiều tháng vẫn còn y nguyên phần vốn.

Có em tiết lộ tham gia việc cho bạn vay, không cần ra vốn, sau một năm em đã có một số tiền kha khá mà cha mẹ em lao động vất vả kiếm tiền không thể ngờ em có thể có được. Em lại giữ bí mật nên gia đình không hề biết được chuyện em làm đến khi chuyện vỡ lở.

Giúp trẻ tránh xa "bẫy"

Muốn xóa bỏ tệ TDĐ trong trường học, theo tôi, trước hết từ phía gia đình, cha mẹ cần nắm chắc nhu cầu chi tiêu của con, nhắc nhở con em về việc tiêu xài. Khi phát hiện con em có đồ dùng giá trị cao phải làm rõ vì sao mua sắm được món đồ đó.

Nhà trường thông báo đến học sinh về tác hại khi sa vào TDĐ thông qua sinh hoạt đầu tuần. Giáo viên có thể lồng ghép vào bài giảng về hành vi vi phạm pháp luật của việc cho vay nặng lãi và hậu quả của nó. Và điều quan trọng là cùng rèn luyện cho trẻ ý thức tự chủ, không để bị cuốn hút vào đời sống vật chất qua việc phải mua sắm cho được các vật dụng như điện thoại, máy tính bảng, trang phục đi chơi hay để có tiền dự các buổi tiệc mừng sinh nhật bè bạn chẳng hạn...

Chuyện xảy ra ở một trường THPT tại huyện Krông Búk (Đắk Lắk) liên quan đến 15 học sinh trong trường. Một học sinh tổ chức cho vay tiền trong trường với lãi suất thỏa thuận lên đến 20%/7 ngày. Học sinh này đã cho vay bằng tiền của chính mình theo cách cho vay lãi suất cao học từ... trên mạng. Từ tháng 12-2019 đến nay, học sinh này đã cho nhiều bạn vay, tiền lãi đã đến 10 triệu đồng.

Nếu thầy cô chủ nhiệm xây dựng được đội ngũ cán bộ lớp tốt, mọi hoạt động TDĐ trong nhà trường sẽ bị phát hiện sớm nhất. Cần giúp các em hiểu đây là tệ nạn, là hành vi vi phạm pháp luật để cùng lên tiếng, báo cáo cho nhà trường giải quyết. Có trường hợp học sinh biết trong lớp ai vay, ai đang cho vay nhưng xem đây là chuyện cá nhân nên im lặng không nói cho thầy cô biết. 

Ngay cả các em nhận tiền người ngoài rồi cho bạn vay lại cũng xem đây là việc kinh doanh dựa trên sự tin tưởng, thỏa thuận với nhau, chứ không là hành vi xấu. Lâu dần các em này có được số vốn rồi trở thành đầu mối cho vay, quên cả việc học hành. Khi các bạn không có khả năng thanh toán, các em này lại sử dụng biện pháp đe dọa và nhờ cả người xấu bên ngoài dùng bạo lực đến bạn mình.

Xây dựng nếp sống cần kiệm chưa bao giờ là thừa đối với học sinh. Vì các em chưa làm ra tiền, mọi sinh hoạt, chi tiêu đều từ cha mẹ. Gia đình và nhà trường cần phối hợp, nếu phát hiện vụ việc rất nên thông báo cho cơ quan chức năng vào cuộc. Thực tế cho thấy gần như các vụ cho vay trong trường học, đầu mối là người ngoài xã hội. Từ chỗ vay tiền rồi thiếu nợ, lãi suất cộng dồn với vốn ngày càng cao, các em rất có thể sa vào hành vi trái pháp luật.

Các em bị sa vào bẫy tín dụng đen trong trường học không hẳn thuộc gia đình khó khăn. Trái lại là khác. Nhiều em cha mẹ khá giả (nếu không nói là giàu có), nhưng các em cũng dễ dàng tìm đến tín dụng đen. Sau đó, các em này nghĩ ra nhiều cách, thường là bịa chuyện mua tài liệu, sách vở hay đóng các khoản thu cho nhà trường... để lấy được tiền từ cha mẹ mà trả lãi, trả vốn cho nơi đã vay.

Gia đình thường muốn giữ thể diện và cũng e sợ con em bị đánh giá thấp về hạnh kiểm, nhất là các em đang học lớp cuối cấp, nên khi biết liền chọn cách giấu nhẹm, tự giải quyết cho xong.

Học sinh cấp III cho vay nặng lãi trong trường Học sinh cấp III cho vay nặng lãi trong trường

TTO - Sáng 14-2, một lãnh đạo Công an huyện Krông Búk (Đắk Lắk) cho biết đã xử lý vụ học sinh cấp III cho vay lãi nặng trong trường theo hình thức 'tín dụng đen'.

NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên