01/03/2019 09:50 GMT+7

Chờ vào hội nghị 4 bên?

NGUYỄN THÀNH TRUNG (GĐ Trung tâm nghiên cứu quốc tế SCIS, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM)
NGUYỄN THÀNH TRUNG (GĐ Trung tâm nghiên cứu quốc tế SCIS, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM)

TTO - Dù hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội không đưa ra được tuyên bố chung, giới phân tích nhận định nó cũng mở ra một cánh cửa mới.

Chờ vào hội nghị 4 bên? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã có cuộc đi dạo trong khách sạn Metropole trước khi bước vào Cuộc họp song phương mở rộng - Ảnh: TTXVN

Kết quả không như mong đợi của Hội nghị thượng đỉnh song phương Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội chắc chắn làm nhiều người chưa hài lòng. Tuy nhiên, việc hai bên không đưa ra thông cáo chung cũng có mặt tích cực là cho thấy được quan điểm tiếp cận cốt lõi của phía Washington cũng như Bình Nhưỡng đối với vấn đề hạt nhân. 

Đó là phía Mỹ, do nhiều kinh nghiệm không thành công trong việc ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân trong quá khứ kể từ thời tổng thống Bill Clinton cho đến nay, sẽ không có chuyện dỡ bỏ cấm vận và các biện pháp hỗ trợ kinh tế nếu Triều Tiên không phá hủy hoàn toàn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân trước. 

Còn với Triều Tiên, họ sẽ không đời nào tự tước bỏ chương trình hạt nhân vốn được coi là con bài mặc cả duy nhất và sau đó đợi phía Mỹ thực hiện các hành động cam kết tương ứng.

Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh song phương lần này cũng cho thấy điểm hạn chế của cơ chế đàm phán song phương khi một bên là siêu cường và bên kia là một quốc gia đang vật lộn với các khó khăn về kinh tế, cũng như đang chịu đựng cấm vận của Liên Hiệp Quốc. 

Siêu cường hiểu được lợi thế của họ, còn quốc gia yếu thế sẽ cảm thấy bị chèn ép với các điều khoản bất lợi trong đàm phán tay đôi. Chính vì vậy, cơ chế đàm phán song phương bất đối xứng sức mạnh như vậy sẽ dẫn đến hai kịch bản chính xảy ra: một là bên yếu thế sẽ chấp nhận mọi điều khoản đặt ra hoặc thay đổi chút ít để đổi lấy phát triển kinh tế; hai là đàm phán đi vào ngõ cụt. Khi Mỹ và Triều Tiên thiếu cơ chế xây dựng niềm tin chiến lược, thất bại trong đàm phán song phương là có thể dự đoán trước.

Kết quả hội nghị thượng đỉnh song phương lần 2 cũng mở ra một cánh cửa mới. Đó là việc Mỹ nhiều khả năng cần phải nhờ tới Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán để thuyết phục Triều Tiên ngừng nghiên cứu và thử vũ khí hạt nhân, cũng như tên lửa tầm xa. 

Một hội nghị bốn bên bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên với sự can dự của các bên liên quan tới an ninh khu vực Đông Bắc Á sẽ không làm Triều Tiên cảm thấy bị thất thế, cũng như việc Hàn Quốc không cảm thấy bị đồng minh Mỹ bỏ rơi.

Chính vì vậy, nếu trong thời gian tới, Mỹ và Triều Tiên không có dấu hiệu nhượng bộ thì khả năng việc giải quyết vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên sẽ là vấn đề đa phương bốn bên. 

Trước đó, hội nghị sáu bên với sự tham gia thêm của Nga và Nhật Bản kéo dài từ năm 2003-2007 với sáu vòng đàm phán đã không thành công. Có lẽ viễn cảnh hội nghị bốn bên sẽ thích hợp cho vấn đề Triều Tiên sắp tới khi Tổng thống Trump vốn không thích các đàm phán quá đa phương. 

Dù cho kịch bản giải quyết hạt nhân như thế nào trong tương lai, chính trị khu vực Đông Bắc Á vẫn là chính trị giữa các cường quốc.

Không phải một thất bại

Daniel L. Davis (nhà nghiên cứu cao cấp tại Cơ quan nghiên cứu chính sách Defense Priorities):

Tôi không nghĩ việc không đạt thỏa thuận này là một thất bại. Nó chỉ là một sự trì hoãn, trở ngại. Chúng ta phải nhìn vào tiến trình đàm phán này dưới góc độ dài hạn. Sẽ có lúc trì hoãn, sẽ có lúc tiến triển, lúc tiến ít, lúc tiến nhiều... Nhưng nếu các thảo luận có thể tiếp tục thì nó ắt sẽ thành công thôi.

Tôi nghĩ đối với Việt Nam, chắc chắn đáng ra sẽ tốt hơn nếu Mỹ và Triều Tiên có được một kết quả thành công tại đây. Nhưng ít nhất đó cũng là một kết quả ở mức "trung bình". Và quan trọng là Việt Nam đã làm rất tốt vai trò chủ nhà, nơi một sự kiện lớn với rất nhiều người tìm đến và rất nhiều phức tạp khác nhau. Tôi nghĩ rằng Việt Nam và giới lãnh đạo đã thể hiện hình ảnh rất tốt trên toàn cầu.

Paik Hak Soon (giáo sư, giám đốc Chương trình nghiên cứu quan hệ liên Triều tại Viện Nghiên cứu Sejong, Hàn Quốc):

Việc không đưa ra được thỏa thuận không hề là thất bại nếu bạn nhìn vào vấn đề này dưới góc độ một quá trình. Để dẫn tới giải pháp toàn vẹn, nó bao gồm nhiều yếu tố như hạt nhân, kinh tế, cấm vận...

Xét tới kết quả không được như mong đợi này, cụ thể là không có tuyên bố chung hay tuyên bố chấm dứt chiến tranh, cũng sẽ không có bất kỳ tác động tiêu cực nào lên Việt Nam cả. Việt Nam đã hoàn thành tuyệt vời vai trò của mình, làm mọi thứ có thể để thượng đỉnh này thành công.

Bạn có thể đôi chút thất vọng với kết quả này, cũng như tôi vậy, nhưng nhìn vào nỗ lực và cống hiến của tất cả mọi người, tôi nghĩ cần tôn vinh lãnh đạo và người dân Việt Nam. Các bạn đã mong muốn thành công, và thực tế đã thiết lập một tầm nhìn về tương lai cho chúng ta.

Nhật Đăng - Nguyên Hạnh

Thăm dò ý kiến

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội không ra được tuyên bố chung, bạn nghĩ gì?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều:

TTO - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội đã kết thúc mà không có tuyên bố chung nào được đưa ra. Tuổi Trẻ Online tổng hợp bình luận của một số chuyên gia về vấn đề này và diễn biến tiếp theo.

NGUYỄN THÀNH TRUNG (GĐ Trung tâm nghiên cứu quốc tế SCIS, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên