13/06/2011 04:27 GMT+7

Chờ và không chờ

NGUYỄN ĐỨC THUẬN(SV lớp Đại học Công nghệ kỹ thuật điện 2010 ĐH Trà Vinh)
NGUYỄN ĐỨC THUẬN(SV lớp Đại học Công nghệ kỹ thuật điện 2010 ĐH Trà Vinh)

TT - TP.HCM và các thành phố lớn khác ngày càng mọc lên nhiều tòa cao ốc. Tôi quan sát thấy việc sử dụng điện tại các cao ốc là vô cùng nhiều nên tình trạng lãng phí điện tại những nơi này vì vậy cũng không hề nhỏ.

Thứ nhất là lãng phí điện trong sử dụng thang máy. Ai cũng biết thang máy hoạt động tốn rất nhiều điện năng. Thế nhưng hình như sử dụng thang máy đã trở thành thói quen khó bỏ của cánh nhân viên văn phòng. Nhiều lần có việc đi TP.HCM, vào siêu thị hay cao ốc tôi thấy hình như chiếc cầu thang bộ bây giờ đã lỗi thời, nó chỉ còn dùng để “làm cảnh” hay dành cho những người nhà quê như tôi.

Theo nguyên tắc cầu thang bộ thường được bố trí gần thang máy để người sử dụng tiện lựa chọn. Nhưng theo quan sát của tôi thì thực tế hình như không phải vậy. Tôi thấy có nơi cầu thang bộ đặt rất xa thang máy, có nơi đặt kế bên nhưng lại nằm khuất trong góc và còn có cửa ngăn biệt lập, đến nỗi người lạ muốn đi thang bộ cũng khó tìm ra.

Việc đặt thang bộ ở những vị trí bất tiện như vậy nên dường như ai cũng sử dụng thang máy. Có khi giờ cao điểm kẹt cứng người, thang máy hoạt động hết công suất nhưng nhiều người vẫn cứ kiên nhẫn đứng chờ mà không đi thang bộ.

Thứ hai là lãng phí điện khi sử dụng máy lạnh trong văn phòng. Tôi thấy nhiều nhân viên vừa bước vào văn phòng do có cảm giác nóng từ bên ngoài nên liền mở máy lạnh nhiệt độ thấp nhất. Ai cũng biết việc thay đổi đột ngột nhiệt độ là không tốt cho sức khỏe nhưng vẫn làm theo thói quen.

Trong khi nhiều người khá kiên nhẫn chờ thang máy thì lại không có sự kiên nhẫn để chờ nhiệt độ trong phòng mát từ từ nếu mở máy lạnh vừa phải. Nhiều người nghĩ sai lầm là mở máy lạnh hết ga thì nhanh mát nhưng thực tế không phải vậy.

Dù mở máy lạnh nhiệt độ cao hay thấp thì máy vẫn cần khoảng thời gian mà theo tôi biết là 15-30 phút để làm mát phòng. Tôi là một sinh viên ngành điện nên cũng biết nếu mở máy lạnh tăng thêm 1 độ C so với mức cần làm lạnh thì có thể tiết kiệm được khoảng 3% chi phí điện năng cho máy lạnh.

Thứ ba tôi muốn nói đến lãng phí điện từ chế độ chờ của nhiều thiết bị khác như tivi, máy tính... Theo tôi biết, các thiết bị như máy điều hòa, tivi nếu chỉ tắt bằng remote thì máy vẫn cần một lượng điện nhất định để hoạt động các bộ phận chờ và nhận tín hiệu từ remote nên vẫn tốn điện. Sạc pin cho điện thoại di động cũng vậy, khi không sạc pin nhưng không rút đồ sạc khỏi ổ cắm điện thì không chỉ làm đồ sạc mau hư mà còn làm mất đi một lượng điện nhỏ.

Nhiều cái nhỏ cộng lại sẽ thành cái lớn!

Mời bạn đọc xem chi tiết thể lệ cuộc thi trên báo Tuổi Trẻ ngày 25 và 28-3, hoặc xem trên tuoitre.vn, m.tuoitre.vn. Bài dự thi gửi về “Cuộc thi viết: Câu chuyện tiết kiệm điện”, báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM hoặc email: [email protected].

NGUYỄN ĐỨC THUẬN(SV lớp Đại học Công nghệ kỹ thuật điện 2010 ĐH Trà Vinh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên