TTCT - Theo số liệu của Nielsen năm 2020, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỉ USD mỗi năm. Để so sánh, tổng giá trị thị trường xe hơi của Việt Nam trong năm 2021 là vào khoảng 6 tỉ USD. Dù thế, chúng ta chưa biết gì nhiều về giá trị kinh tế, vai trò lịch sử của mạng lưới thương mại truyền thống rộng khắp này. “Bà gọt cho quả bí này mang về nấu luôn. Này, nhà cháu ở chung cư phía trước mặt đây phải không? Con bà cũng đang dọn dẹp ở tòa Sunshine đấy, hết ca làm nó còn đi giúp việc theo giờ, cuối tuần cũng đi dọn dẹp nên kiếm ra lắm". "Đất của ông bà để lại, bà lại chia cho hai vợ chồng làm nhà ở rồi, cứ lo làm ăn thôi, chẳng phải suy nghĩ gì. Thế cháu người ở đâu? Yên Bái à? Con dâu bà người miền núi đấy, chăm chỉ đáo để”. Chợ rau Bà Chiểu, Sài Gòn, tranh trích trong cuốn Ký Họa Về Đông Dương: Nam Kỳ, 2015, tr.22. Thư viện Anh quốc, OIJ.915.97. Ảnh: Tư liệu của tác giảTrong thời gian nạo quả bí nhỏ chỉ một phút, tôi đã kịp biết về gia cảnh của bà cụ bán rau trước đường vào chùa làng Nhật Tảo, kịp liên tưởng về nếp nhà của bà trong làng, nhiều hơn cả những gì tôi biết về người hàng xóm nơi chung cư mình đang ở gần nửa năm. Bước ra khỏi tòa chung cư 40 tầng hiện đại và lạnh lùng, nơi không có/không biết tới lịch sử, chỉ vài trăm mét, vào chợ Nhật Tảo đã là một không gian có nhịp đập hoàn toàn khác.Hiếm có không gian nào khiến người ta cởi mở được như ở chợ, nhiều thông tin như ở chợ, lắng nghe được nhịp sống nhiều như ở chợ. Cũng hiếm không gian nào thầm dung chứa những phận người, lặng lẽ như một nhân vật bên lề chứng kiến những đổi thay của làng mạc, của xã hội như chợ.Không gian của phụ nữTrong bóng chiều, bà cụ già quảy gánh đứng lên đi vào làng. Có lẽ đã cả nghìn năm từ khi lập ngôi làng bên bờ sông Hồng này, khoảnh khắc bóng dáng những người đàn bà quảy gánh đi về nhỏ dần nhỏ dần trong ngõ làng vẫn không đổi. Chợ Nhật Tảo, cũng như phần lớn chợ truyền thống (cũng phần lớn là nhỏ, lẻ) là của đàn bà, những người cóp nhặt khi quả bí, mớ rau, quả trứng, con gà mang ra chợ, ai “chuyên nghiệp” hơn thì tranh thủ làm hàng xáo, hàng xay, bánh bún bán mỗi phiên.Nhiều lần đi chợ, từ Bắc chí Trung, Nam, từ chợ Đồng Văn trên những dãy núi cheo leo nơi địa đầu Tổ quốc đến chợ Cái Răng, Cái Khế ven sông Hậu, tôi đều gặp những cảnh tranh bán tranh mua giữa những người đàn bà, gặp những bóng đổ ra về khi chợ tan của họ. Tôi đều nghe giới thiệu về sản vật đậm phong vị vùng miền, ngọn rau bò khai, giọt mật ong bạc hà miền núi đá cho đến những hạt xôi sầu riêng dẻo thơm, trái nhãn tiêu da bò từ những người phụ nữ ở chợ.Chưa thấy có một con số thống kê nào về những người chạy chợ, nhưng quan sát hằng ngày cũng đủ cho ta thấy chợ là không gian đặc thù của nữ giới. Gần đây, khảo cứu dân tộc học “Sống đời ở chợ” (NXB Hội Nhà Văn, 2017) của Nguyễn Mạnh Tiến về giới tính những người bán hàng ở một loạt chợ ven Hà Nội đều cho thấy hơn 95%, thậm chí có nhiều phiên 100% là nữ. Đông đảo nhất là độ tuổi trung niên (30-55), sau đó tới người già (trên 55) và độ tuổi thanh niên (15-30) ít nhất. Ở các chợ quy mô lớn, chợ đầu mối, bán buôn, nam giới tham gia phụ giúp vợ hoặc đứng bán hàng nhiều hơn. Nhưng thực ra trong số khoảng 8.500 chợ (thống kê của Bộ Công thương) trong cả nước, thì 86% là chợ hạng 3 (chợ nhỏ, chưa xây dựng kiên cố, bán kiên cố, chủ yếu phục vụ dân trong xã, phường), nơi đàn ông ít khi tham gia buôn bán.Vì thế ở đây chúng ta bắt gặp nghịch lý. Người phụ nữ chạy chợ đang gánh gồng lo toan vun vén cho gia đình nhưng vẫn bị coi là thứ lo toan tủn mủn, gắn liền với tính khí chao chát eo xèo của đàn bà. Trên bình diện xã hội, phụ nữ đang nắm trong tay khả năng chi phối mạng lưới thương mại truyền thống, nhỏ li ti nhưng là huyết mạch của đời sống từ làng tới đô thị, kết nối khắp cả nước. Phụ nữ là mắt xích trọng yếu duy trì nhịp cầu cung ứng hàng hóa. Ngay cả ở thời hiện đại, chợ truyền thống vẫn đang đảm nhiệm 70% hàng hóa, bữa ăn ở đô thị (và tới 90% ở những vùng nông thôn), nhưng vẫn bị coi là làm điều kém sang, đôi khi là “hèn kém” - như nghĩa của từ mắng nhau “đồ chợ búa”.Mặc cho xã hội và nhiều nam giới không thừa nhận mạng lưới thương mại đậm tính nữ, mặc cho lịch sử không ghi nhận đàn bà có vai trò quan trọng bậc nhất trong việc xây dựng không gian thương mại, mặc cho chợ chưa từng được đứng ở vị thế ngang hàng với các không gian văn hóa xã hội khác, chợ vẫn cởi mở và dung chứa, vẫn âm thầm ghi dấu những đổi thay của lịch sử.Không gian của người nghèoChưa có một không gian nào có sức giãn nở, linh hoạt như chợ. Đa số chỉ có các chợ lớn mới được xây dựng kiên cố, sạch sẽ, còn các chợ nhỏ không cần tới hạ tầng hoàn chỉnh, chợ (nhất là chợ tự phát) còn “thâu nạp” luôn cả những không gian vỉa hè, cổng chùa, cổng trường, cổng viện, gầm cầu... Thậm chí, kiểu chợ linh hoạt nhất là sau khi người chạy chợ hết phiên chưa bán xong, lại mang gánh hàng rong đi khắp nẻo thành phố.Cũng không nơi nào đủ sức dung chứa như chợ, không chỉ là mạng lưới thương mại, sự sung túc cho những người bán hàng chuyên nghiệp, những người buôn thúng bán mẹt, nó còn cưu mang cả những phận người “đầu đường, xó chợ”.Tư duy giãn nở chợ kiểu này vẫn được đánh giá là tùy tiện, manh mún tiểu nông. Nhưng hãy xem chợ manh mún tiểu nông ấy phục vụ ai? Cơ bản là dân nghèo thành thị, hoặc những người di cư từ nông thôn vào đô thị. Họ vốn không đủ khả năng với tới những cửa hàng, siêu thị hiện đại, tiện lợi và sang trọng, thường nằm ngoài tất cả các quy hoạch hạ tầng dịch vụ ở đô thị.Chợ còn là một bể thông tin dân gian, một “mạng xã hội” sôi động nhất, tự nó lưu lại một lịch sử truyền miệng, những câu chuyện kể không hề có trong bất kỳ định chế xã hội nào khác. Chợ ghi nhớ lại các dòng sự kiện chính thức khác với lịch sử chính thống, bằng cái đói, no của từng người cụ thể, bằng những biến động gần gũi nhất với cộng đồng của khu chợ đó. Chẳng hạn như qua đại dịch COVID-19, lịch sử chính thống và các văn bản hành chính sẽ lưu lại chủ yếu các quyết sách chính trị lớn, đóng hoặc mở cửa các thành phố, các chợ đầu mối, chợ dân sinh nhằm kiểm soát dịch bệnh. Nhưng chợ không “ghi nhớ” như vậy, ký ức của chợ là những đợt tăng giá trứng, tăng giá rau, những lần đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm hàng hóa. Chợ còn ghi nhớ bằng những phận đời gắn liền với chợ, người ở chợ tự lưu lại ký ức về những quyết sách chưa được đánh giá hết vai trò của chợ truyền thống, sự tự tin (quá mức) vào vai trò của hệ thống siêu thị hiện đại.Mặc dù có một lịch sử lâu đời, là một thiết chế trụ cột trong dòng chảy văn hóa lịch sử Việt Nam, chợ không được nhắc đến nhiều, hầu như ít được quan tâm tương xứng với những gì mà nó thâu nạp, dung chứa. Phần lớn những ghi chép về chợ đến nay đều rải rác ở một số văn bia, lác đác trong các ghi chép về lịch sử làng xã hoặc các ghi chép về phong tục. Chúng ta chưa có những khảo cứu về lịch sử hình thành các mạng lưới chợ, vai trò của các mạng lưới này lớn tới mức nào trong đời sống xã hội, những biến động lớn của đời sống kinh tế xã hội có sự tham góp của chợ như thế nào. Ngay cả những tìm hiểu về vai trò của chợ truyền thống trong nền kinh tế thị trường hiện đại cũng còn sơ sài, ít ỏi.Trong lúc đó thì chợ truyền thống ở thành phố đang đứng trước xu hướng thu hẹp, dần nhường đất diễn cho các siêu thị, cửa hàng hiện đại. Trong quy hoạch đô thị, từ góc nhìn của nhà quản lý, người ta thấy nhiều điểm bất lợi của mô hình chợ truyền thống: buôn bán nhỏ lẻ, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mất mỹ quan...Nhưng cho đến nay, với “tệp người lao động” và “tệp khách hàng” truyền thống của chợ, là bình dân thành thị, thì cái gì có thể thay thế được chợ? Chợ tạo ra công ăn việc làm cho không biết bao nhiêu người, chủ yếu là nữ giới, gấp nhiều lần so với siêu thị. Chợ vẫn là nơi những người phụ nữ nghèo thành thị khéo thu vén tìm được con cá, mớ rau tươi, trong một bối cảnh lương tối thiểu không đủ sống tối thiểu.Tới đây chợ truyền thống ở các đô thị sẽ tiếp tục phát triển như thế nào vẫn là một câu hỏi. Bài toán hiện đại hóa chợ thực ra phải đặt trong bài toán tổng thể của đô thị hóa nói chung. Chúng ta mong muốn một đô thị sạch sẽ hiện đại hơn, nhưng không được quyền bỏ quên những người dân quê cũng đang dấn bước vào đô thị, trở thành dân nghèo thành thị và vẫn cần tới chợ. ■Theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân trong năm 2020. Có đến 9/10 người được hỏi (92%) cho biết họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa hơn. Tags: Siêu thịNgười nghèoĐô thịPhụ nữBán lẻChợ truyền thốngCửa hàng tiện lợi
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.