12/11/2019 05:23 GMT+7

Chợ tiền biên giới - Kỳ cuối: Những dòng tiền chìm, nổi

VŨ TUẤN
VŨ TUẤN

TTO - Chúng tôi cố gắng đi thực tế biên viễn Quảng Ninh đúng thời điểm hàng loạt kiôt ở chợ trung tâm Móng Cái, chợ Tonkin, Vinh Cơ... tạm đóng cửa. Thế nhưng, ngược lại, chợ tiền vẫn sôi động.

Chợ tiền biên giới - Kỳ cuối: Những dòng tiền chìm, nổi - Ảnh 1.

Hoạt động du lịch, giao thương là khách hàng của chợ tiền biên giới - Ảnh: VŨ TUẤN

Chị Thanh (đã đổi tên) - người nhiều năm làm ăn ở trục đường Hữu Nghị, Móng Cái - tiết lộ năm nào biên mậu này cũng có đợt dân buôn nghỉ hàng loạt như vậy. Cứ khi nào cơ quan chức năng làm gắt, tiểu thương nghỉ để tránh kiểm tra.

"Thước đo" giao thương biên mậu

Nhưng chị Thanh cũng cho rằng tiểu thương không ngừng hoạt động mà chỉ là kín đáo hơn thôi. Thực chất hàng trong kiôt chỉ trưng bày. Tiểu thương vùng này bán buôn số lượng lớn, mấy món đồ bán lẻ cho khách du lịch hay dân trong vùng chỉ để "mua rau hằng ngày". Chị Thanh chỉ về khu chợ đổi tiền: "Chỉ khi các chị, các bà ấy nghỉ thì Móng Cái mới thật sự ngừng buôn bán".

Trở lại chợ đổi tiền lúc 2h chiều, không khí chợ khác hẳn lần trước khi chúng tôi đến vào buổi sáng. Cả khu ầm ĩ tiếng điện thoại, chủ yếu nói tiếng Trung, tiếng mở - đóng thùng tôn đựng tiền sầm sập, tiếng xè roẹt của hàng loạt máy đếm tiền... Chúng tôi đi qua cả chục sạp không một ai mảy may mời đổi tiền nhỏ như lần trước.

Chúng tôi rút điện thoại chụp vài ảnh. Một phụ nữ trang điểm khá đậm nhanh mắt phát hiện, quẳng cái lườm sắc lẹm: "Chụp cái gì?". Nói rồi chị cầm 2 cục tiền to như cục gạch ném vào thùng. Trở lại sạp hàng bà chủ mối quen của Hoàng A Long, đợi 30 phút, chị Hạnh mới ngơi tay tiếp chuyện với chúng tôi.

Chị cho biết từ 14h trở đi là thời gian các mối hàng thỏa thuận xong giá cả, số lượng và quyết định mua, bán. Người làm nghề đổi tiền cũng phải khớp lệnh cho bạn hàng càng nhanh càng tốt.

Đến khoảng 17h hết giao dịch, khóa thùng sắt đi về. Mối làm ăn của chị phần lớn là các tiểu thương ở chợ Móng Cái và chợ Vinh Cơ, họ vẫn chuyển tiền đều mặc dù nhiều chủ hàng đóng cửa kiôt.

"Luồng xanh, luồng đen"

Vợ chồng chị Vũ Thị Hương (đã đổi tên) có văn phòng làm kinh tế ở TP Móng Cái. Người chồng từng ở Trung Quốc 11 năm. Về nước, anh lấy chị Hương và chuyển về Móng Cái làm ăn.

Chồng chị Hương không ngần ngại tiết lộ công việc trước đây của mình là buôn các mặt hàng tạm nhập tái xuất. Vợ chồng làm ăn mỗi chuyến vài "công" (container). Họ chủ yếu nhập hàng vào cảng Hải Phòng rồi xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Bắc Luân và Bắc Phong Sinh, rồi nhập quần áo, phụ kiện thời trang từ Trung Quốc về nội địa.

Chị Hương tiết lộ: "Ngày ấy, chúng em đi cả "luồng xanh" lẫn "luồng đen" (hàng không hóa đơn, chứng từ). Chỉ cần gọi điện cho mối quen ở chợ đổi tiền là người ta chuyển tiền cho khách ở đầu kia, có khi vài ngày hoặc cả tuần em mới chuyển tiền cho người đổi tiền".

Chúng tôi hỏi cách nào họ chuyển được nhiều tiền như thế mà không phải khai báo hay làm thủ tục gì, chị Hương cho rằng mỗi sạp đổi tiền trong chợ thường có một nhóm làm ăn với nhau. Có cả người Việt và người bên Trung Quốc.

Khi khách báo số tài khoản của người nhận bên Trung Quốc, sẽ chuyển tiền. Cuối ngày hoặc vài ngày, những người đổi tiền tính toán lại với nhau về số tiền cần chuyển và chia thù lao. Còn việc làm sao để chuyển cả trăm tỉ bạc xuyên quốc gia như vậy thì đây là "bí quyết nghề nghiệp" - chị Hương nói.

Chợ tiền biên giới - Kỳ cuối: Những dòng tiền chìm, nổi - Ảnh 2.

Một góc của chợ tiền

Mấy năm trước, hàng chục tài khoản của người Việt mở ở các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã bị phong tỏa. Cơ quan chức năng phát hiện các tài khoản này có dấu hiệu vi phạm rửa tiền, chuyển giá... Anh bạn Hoàng A Long tiết lộ người nhà mình có tài khoản một ngân hàng bên Đông Hưng, Trung Quốc bị phong tỏa.

Trước đây, A Long cũng có kiôt nhỏ ở chợ Tonkin. Kinh doanh nhỏ như anh không đủ vốn đi "hàng chính ngạch" mà nhập một ít hàng từ bên kia biên giới về kiếm lời. Mối đổi tiền của Long từng giới thiệu cho người khác chuyên làm hồ sơ xuất nhập khẩu để "hợp lý hóa" các khoản tiền lớn chuyển qua biên giới. Sau đó anh bỏ nghề buôn, chuyển sang làm dịch vụ chạy xe đưa đón khách du lịch.

Những dòng tiền ngầm

Cách đây vài tháng, một vụ án liên quan đến người đổi tiền được cơ quan chức năng Quảng Ninh làm rõ.

Trong vụ án này, một người chuyên đổi tiền ở chợ đổi tiền Đông Kinh (Lạng Sơn) bị bắt khi đang giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài ở một ngân hàng có chi nhánh tại Móng Cái.

Bà chủ sạp tiền ở Lạng Sơn đến Móng Cái để mua hồ sơ xuất nhập khẩu của 7 công ty ở Móng Cái. Hồ sơ thể hiện có nhập khẩu hàng hóa của nước ngoài, có tờ khai hải quan, hóa đơn thương mại, hợp đồng mua bán... và cả những tờ giấy trắng, không ghi nội dung mà có chữ ký, đóng dấu sẵn của cả bên mua ở Việt Nam và bên bán ở Trung Quóc.

Cùng với đó, những người bán hồ sơ còn chuyển kèm theo các tờ giấy trắng A4 chưa ghi nội dung, có đóng dấu, ký tên giám đốc công ty bên mua (Việt Nam) và bên bán (Trung Quốc).

Bà chủ sạp tiền phải mua mỗi bộ hồ sơ có giá từ 2 triệu đến 20 triệu đồng, tùy số tiền phải thanh toán ghi trong hồ sơ. Ông chủ doanh nghiệp bán hồ sơ là N.B.K. trú tại Hà Nội.

Trước đây, K. từng buôn hàng tạm nhập tái xuất, có nhiều bộ hồ sơ chưa thanh toán với đối tác Trung Quốc. Có lợi, ông chủ doanh nghiệp còn lập thêm 8 công ty "ma", làm giả hàng trăm bộ hồ sơ để bán cho những người đổi tiền.

Trong hồ sơ vụ án này, cơ quan chức năng đã làm rõ được K. bán 177 hồ sơ cho 3 người khác làm nghề đổi tiền. Khách hàng của K. đã chuyển hàng nghìn tỉ đồng qua biên giới.

* Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu thị trường giá cả):

Hoạt động ngoại hối ở các chợ đổi tiền biên giới rất khó kiểm soát. Chợ đổi tiền vùng biên mậu vừa chịu ảnh hưởng của hoạt động ngoại hối vừa chịu các quy định về kinh tế biên mậu.

Bình thường, người có nhu cầu đổi tiền, chuyển tiền ra nước ngoài phải đến ngân hàng được cấp phép. Những quầy đổi tiền ở chợ cũng được cấp phép, việc này xuất phát từ nhu cầu thực tế về hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, du lịch... của người dân vùng biên. Tuy nhiên, thực tế hoạt động ở các chợ đổi tiền này phát sinh nhiều vấn đề về chuyển giá, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.

Phải nói là có việc lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ của pháp luật về quản lý ngoại hối. Việc chuyển tiền số lượng lớn ra nước ngoài bắt buộc phải chứng minh cả về mục đích chuyển tiền và nguồn gốc hợp pháp của số tiền. Biện pháp ngăn chặn vẫn phải dựa vào các công cụ pháp lý và sự quyết liệt của cơ quan chức năng.

Trong hai tháng 8 và 9-2019, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xét xử vụ án chuyển tiền trái phép qua biên giới. Trong đó, bị cáo Đinh Thị Ngọc (trú tại Lạng Sơn) đã chuyển trái phép ra nước ngoài hơn 9.870 tỉ đồng, bị cáo Lê Thị Liên chuyển hơn 875 tỉ đồng, bị cáo Đậu Lan Anh chuyển trên 4.400 tỉ đồng, Nguyễn Anh Tuấn chuyển trái phép hơn 1.500 tỉ đồng...

Bị cáo Nghiêm Bá Khôi làm giả 177 bộ hồ sơ, giúp đồng phạm vận chuyển trái phép hơn 6.300 tỉ đồng; Lê Tuấn Thành làm giả 7 con dấu, 32 bộ hồ sơ, giúp đường dây chuyển trái phép hơn 4.100 tỉ đồng. Bị cáo Nguyễn Văn Ất làm giả giấy tờ và bán hồ sơ giúp cho các đối tượng chuyển trái phép ra nước ngoài gần 2.300 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 3,6 tỉ đồng...

Chợ tiền biên giới - Kỳ 1: Đi mua... tiền Chợ tiền biên giới - Kỳ 1: Đi mua... tiền

TTO - Dọc biên giới Việt - Trung có các chợ tiền có thể đổi chác, mua bán như bó rau. Các chủ 'nhà băng' ngồi chơi tú lơ khơ bên hòm tôn đựng đồ rẻ bèo của công nhân, nhưng khách muốn 1 triệu đồng hay hàng tỉ đồng họ cũng đáp ứng.

VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên