Quán ăn trên đường Nguyễn Du, quận 1 TP.HCM chiếm hết vỉa hè để bày bàn, dựng xe - Ảnh: Quang Định |
Trong phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu gay gắt cho rằng thu như thế là lạm dụng, dễ phát sinh tiêu cực và phản văn minh.
Trong khi đó, giải trình về lý do cho phép thu phí này, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào các mục đích khác như điểm đỗ xe ô tô, xe máy... đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện khá tốt và là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về khoản phí này, một số cử tri sinh sống tại TP.HCM không tán thành.
Ông NGUYỄN VĂN NAM (70 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM):
Cho thu phí, lấn chiếm vỉa hè sẽ tràn lan
Ông Nguyễn Văn Nam - Ảnh: Tiến Long |
Lâu nay vỉa hè ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM đã bị xâm hại nghiêm trọng. Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh làm mất đi không gian dành cho người đi bộ. Nhiều người xem việc chiếm dụng vỉa hè là mặc nhiên.
Một số nhà ở mặt tiền đường còn cho vỉa hè phía trước là của mình, vô tư sử dụng hoặc cho người khác thuê buôn bán. Dù người dân phản ánh nhiều, chính quyền địa phương cũng đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng vẫn không xóa bỏ tình trạng trên.
Việc cho phép thu phí vỉa hè, lòng đường xem như công khai chấp nhận việc chiếm dụng vỉa hè để buôn bán, kinh doanh. Như vậy không những không dẹp bỏ được mà thực trạng buôn bán bừa bãi sẽ tràn lan, tự phát và khó kiểm soát. Tạo nên bộ mặt đô thị xấu xí, bê bối, thiếu văn minh.
Anh PHAN TUẤN KHANH (ngụ Q.10, TP.HCM)
Phải xử lý nghiêm chuyện lấn chiếm lòng lề đường
Anh Phan Tuấn Khanh - Ảnh: Tiến Long |
Vỉa hè, lòng đường là không gian công cộng của mọi người, không của riêng một ai. Thậm chí vỉa hè cũng không thuộc về các gia đình có nhà mặt tiền.
Việc thu phí vô tình biến không gian công cộng thành “sở hữu” riêng và phục vụ vào các hoạt động không thuộc tính chất cộng đồng. Đặc biệt với thực trạng lấn chiếm hiện nay, nếu không kiểm soát bức tranh đô thị Việt Nam sẽ trở nên hỗn loạn, lộn xộn hơn nữa.
Ở nhiều nước, vỉa hè, lòng đường chỉ được phép sử dụng để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho cộng đồng hoặc đám cưới, ma chay của gia đình không có không gian tổ chức.
Việc cấp phép thời gian ngắn hay dài hạn là do chính quyền địa phường quyết định. Còn không có việc thu phí tràn lan, biến vỉa hè trở thành sở hữu của riêng.
Xét về quản lý đô thị, dù trong một thành phố nhưng vỉa hè ở mỗi khu vực sẽ khác nhau. Nếu tiến hành thu phí nhà nước phải kiểm tra, lập biểu giá quản lý cho từng khu vực. Điều này rất khó để thực hiện, tạo điều kiện cho việc lạm thu, dễ phát sinh nhiều tiêu cực.
Đáng lý ra nhà nước phải có biện pháp quản lý, tìm cách giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bừa bãi trả lại đúng chức năng thì lại vô tình hợp thức hóa nó.
Ông ĐẶNG CAO THẮNG (Q.1, TP.HCM):
Cần có quy hoạch trước khi thu phí
Ông Đặng Cao Thắng - Ảnh: Tiến Long |
Vỉa hè nên quy hoạch để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Trên thực tế tại mỗi nơi vỉa hè có độ rộng và mật độ người lưu thông khác nhau.
Có nơi vỉa hè hẹp, mật độ người qua lại đông thì chỉ chỉ dành cho người đi bộ, tuyệt đối không cho buôn bán, kinh doanh. Nhưng cũng có nhiều nơi rất rộng, mật độ người lưu thông thưa thớt cũng nên cho kinh doanh, hoặc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Ở các đô thị Việt Nam, đặc biệt thành phố lớn với lượng xe máy rất đông, nhu cầu sử dụng các những dịch vụ sửa, bơm vá, gửi xe rất lớn, không thể không đáp ứng. Những dịch vụ này chỉ tận dụng một góc nhỏ vỉa hè để kinh doanh.
Nếu không quy hoạch dành chỗ cho nó trên “tài nguyên” vỉa hè có sẵn dễ dẫn đến tình trạng tự phát. Chính vì vậy việc thu phí vỉa hè, lòng đường là việc làm cần thiết trong bối cảnh đô thị lộn xộn hiện nay.
Tuy nhiên trước khi thu, nhà nước phải quy hoạch, quy định diện tích cho phép sử dụng cho những hoạt động khác, diện tích dành cho người đi bộ. Ngoài ra phải có quy hoạch theo tuyến phố, từng khúc vỉa hè.
Ở nhiều đô thị của Nhật Bản, Thái Lan, Indonexia… đã quy hoạch cho từng khúc vỉa hè như vậy. Nếu siết chặt quản lý, quy định cụ thể, hợp lý theo từng khu vực thì việc thu phí sẽ tránh thất thu một khoản tiền lớn cho nhà nước.
Lấn chiếm lòng, lề đường được hợp thức hóa? Hàng trăm bạn đọc đã phản hồi về Tuổi Trẻ tỏ ý băn khoăn, không đồng tình với việc chính thức quy định thu phí vỉa hè trong Luật Phí và lệ phí bởi lo lắng đó là cách hợp thức hóa vi phạm lấn chiếm lòng lề đường, gây cảnh đô thị nhếch nhác.
Bạn đọc ký tên Hà Nuôi viết: "Mục đích làm đường là cho các phương tiện lưu thông, vỉa hè dành cho người đi bộ. Nhà nước cho buôn bán rồi thu phí vỉa hè vậy người đi bộ phải đi xuống lòng đường? Nếu bị tai nạn nhà nước nói đi không đúng luật, sao tréo ngoe vậy?". Bạn đọc tên Nguyễn bày tỏ: "Nếu vậy thì phường phường, quận quận cho thuê vỉa hè làm hàng quán, bãi đỗ xe... để có thêm khoản thu ngân sách. Lúc đó người đi bộ chỉ còn biết xuống lòng đường mà đi sao?". "Hiện nay hầu hết ở các đô thị lực, lượng quản lí đô thị hằng ngày đều đi tịch thu, phạt những hộ lấn chiếm vỉa hè mà giờ lại đề nghị thu phí vỉa hè thì có phải đi ngược lại với chính sách không?", bạn đọc Anh Tien thắc mắc. Bạn đọc tên Trần Hiếu viết: "Chúng ta đang sống và làm việc theo pháp luật. Vậy nếu chính quyền thu phí lề đường thì chính quyền đã thừa nhận một hành vi vi phạm pháp luật thành hành vì đúng pháp luật - và hậu quả thì chúng ta đã biết thế nào rồi". Bên cạnh đó, vẫn có một số ít ý kiến cho rằng thà rằng cứ quy định cho thu phí vì hiện nay không có luật quy định nhưng nhiều nơi vẫn đã thu phí kinh doanh vỉa hè, lòng đường rồi. Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh xảy ra tại hầu hết các tuyến đường. Vì vậy, nếu quy định không thu phí, cấm lấn chiếm lòng lề đường thì phải làm nghiêm, không để tình trạng muốn kinh doanh vỉa hè thì phải "nộp phí" nhưng phí đó không được thu về cho nhà nước. Còn nếu đã quy định thành luật thì cần chặt chẽ, tình huống nào mới được thu, tránh tình trạng lạm dụng khoản phí này để kinh doanh vỉa hè tràn lan hoặc phí thu rồi không biết "đi đâu về đâu".
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận