Jane Xue đưa chú chó giống Samoyed 2 tuổi, tên là OK, đến chỗ làm việc của nó từ giữa tháng 9, vào mỗi cuối tuần. Đây là một quán cà phê thú cưng ở Phúc Châu (Trung Quốc).
"Tôi cảm thấy giống như cha mẹ đưa con đến trường vậy", nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ 27 tuổi nói với CNN, khi đưa OK đến nơi làm việc bán thời gian của nó.
Chủ nhân của OK mong muốn chú chó có "trải nghiệm một cuộc sống khác", khi cô và bạn đời thường hẹn hò riêng vào cuối tuần. Việc gửi OK đến quán cà phê thú cưng là một giải pháp mà đôi bên cùng có lợi. Chú chó vừa được chơi cùng các bạn đồng loại, không cảm thấy cô đơn, vừa được nhận trả thù lao.
Việc làm cho chó mèo tăng khi cà phê thú cưng nở rộ
Theo CNN, trường hợp của OK không còn hiếm ở Trung Quốc, khi các quán cà phê thú cưng ngày càng nở rộ tại đất nước tỉ dân. Du khách có thể tương tác với những con vật đi lang thang trong cửa hàng, với mức phí dao động từ 30 - 60 nhân dân tệ (khoảng từ 106.000 - 213.000 đồng) cho một người hoặc một thức uống bất kỳ.
Số tiền này sẽ được trích ra để trả công cho những thú cưng được chủ nhân gửi đến quán cà phê.
Jane Xue cho biết thêm việc cho OK "đi làm thêm" giúp cô và bạn đời tiết kiệm được một khoản chi phí. Nếu để chú chó cưng ở nhà, họ phải bật điều hòa cả ngày khiến tiền điện tăng cao, nhất là vào mùa hè.
Đây được xem là một xu hướng đang dần "leo top" ở Trung Quốc, được gọi là "Zhengmaotiaoqian", nghĩa là "kiếm tiền ăn vặt". Cụm từ này bắt nguồn từ việc những thú cưng thực sự kiếm được tiền nhờ vào công việc bán thời gian hoặc toàn thời gian ở những quán cà phê chó mèo, sau đó trở về gia đình khi hết ca làm việc, hệt như con người.
Xu hướng "kiếm tiền ăn vặt" của thú cưng trở thành đề tài hot trong thời gian qua. Những tháng gần đây, thông tin tuyển dụng hay đăng sơ yếu lý lịch của các "cô mèo", "chú chó" xuất hiện nhiều trên mạng xã hội Xiaohongshu.
Chưa kể, các chủ đề liên quan đến xu hướng này cũng trở nên "hót hòn họt", được nhiều người chú ý. Như tiêu đề "Mức lương của chó mèo tại quán cà phê thú cưng là bao nhiêu?" hay "Mèo của tôi tên Datou đã nhận được năm hộp thức ăn, sau khi trừ thuế!", "Chúng tôi đang tìm những chú mèo khỏe mạnh, tính tình hiền lành, không đánh khách"...
Về phần Jane Xue, cô biết quán cà phê thú cưng đăng tìm "nhân viên" khi lướt Xiaohongshu và thử cho OK "đi làm". Trước buổi phỏng vấn, cô chải lông OK một cách cẩn thận. Thậm chí, chủ quán đã dành khoảng một giờ đồng hồ để xem xét khả năng tương tác của OK với khách hàng cùng 4 chú chó khác có trong quán.
Xue kể lại với CNN: "Quá trình thử việc diễn ra tốt đẹp. Chú chó xinh xắn của tôi đã được nhận vào làm và trở thành ngôi sao của quán".
Tuy nhiên, không phải thú cưng nào đi xin việc cũng được nhận. Chị Xin Xin, giáo viên ở một trường tiểu học tại Bắc Kinh, đã phải thất thểu, khi rải CV của "nàng mèo" nhà mình lên Xiaohongshu nhưng lại chẳng có kết quả gì.
"Cả tháng qua mà vẫn chưa nhận được cú điện thoại chấp nhận nào cả. Buồn quá đi. Ả mèo của tôi dành cả ngày để ngủ, còn ban đêm thì chơi parkour khắp cả làng, gây ồn ào, khiến chúng tôi bị mắng vốn suốt. Thế nên tôi mới muốn nó thử đi làm, nếm trải cảm giác vất vả và tự kiếm thức ăn cho mình, thay vì chỉ cuộn tròn hay nằm dài thườn thượt", Xin thở than.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận