Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vẫn đang thăm dò và hiệu chỉnh chiến lược tái bố trí các lực lượng ở châu Á - Ảnh: Reuters
Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) và ADMM+ đã bắt đầu vào ngày 16-11 tại Thái Lan và sẽ kéo dài đến 19-11. Ngoại trừ Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ADMM+ là cơ chế đối thoại an ninh hiếm hoi 10 nước ASEAN lắng nghe các thông điệp cùng lúc từ bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù các đoàn tham gia ADMM+ thường chọn cách tiếp cận mang tính hòa giải với các vấn đề gai góc như Biển Đông, những lo ngại về lối hành xử của Trung Quốc đang ngày càng tăng trong khu vực.
Thông điệp Biển Đông
Ông Esper sẽ có màn "chào sân" đầu tiên với tư cách ông chủ Lầu Năm Góc tại ADMM+ lần thứ 6 tại Thái Lan - nơi ông sẽ gặp 17 người đồng cấp đến từ ASEAN và các nước đối tác của ASEAN, bao gồm cả ông Ngụy Phượng Hòa.
Thái Lan, nước tổ chức ADMM+ lần thứ 6, cho thấy họ không muốn dính vào các vấn đề gây tranh cãi. Bangkok đã chọn "An ninh bền vững" làm chủ đề cho ADMM+ năm nay nhưng theo giới quan sát, Biển Đông sẽ chiếm phần lớn thời lượng.
Thông điệp ông Esper chắc chắn sẽ chuyển tới các nước ASEAN, đặc biệt là những nước có tranh chấp với Trung Quốc, đó là Washington sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược "đảm bảo các tuyến hàng hải chiến lược như Biển Đông luôn rộng mở" và "chống lại sự cưỡng ép của Trung Quốc".
Theo chuyên gia Derek Grossman thuộc Trung tâm nghiên cứu RAND có trụ sở tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Esper không muốn tạo thêm bất kỳ sự lo lắng nào ở Đông Nam Á nếu ông không đưa ra những cam kết. Và tùy thuộc vào tình hình, sự điều đình đằng sau hậu trường sẽ quyết định sự xuất hiện của những thông điệp mạnh mẽ hơn hay "dĩ hòa vi quý".
Nói cách khác, nếu Mỹ đưa ra thông điệp cứng rắn nhắm vào Trung Quốc, một số nước có quan hệ thương mại gắn chặt với Bắc Kinh sẽ lo ngại. Nhưng nếu đưa ra thông điệp mềm mỏng, sự nghi ngờ sẽ càng tăng. Nói như Shahriman Lockman, nhà nghiên cứu của Malaysia, các nước Đông Nam Á không muốn bị hiểu lầm là đang đứng hẳn về phe Mỹ và chống lại Trung Quốc, nhưng cũng vô cùng lo lắng trước cách hành xử của Bắc Kinh.
Mỹ tiếp tục điều chỉnh lực lượng
Kể từ khi công bố chiến lược quốc phòng mới vào đầu năm ngoái, trong đó xác định Trung Quốc là đối thủ chính của Mỹ, Washington đã tiến hành nhiều sự điều chỉnh theo hướng dồn lực về châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều vấn đề mới phát sinh khiến kế hoạch này vẫn chưa được triển khai.
Theo Hãng thông tấn AP, hồi cuối năm ngoái Mỹ đã lên kế hoạch rút các hệ thống tên lửa Patriot khỏi Kuwait, Bahrain và Jordan để tập trung vào Trung Quốc. Nhưng căng thẳng với Iran buộc Lầu Năm Góc phải hủy bỏ kế hoạch và đưa thêm quân tới Trung Đông, thay vì rút dần như tính toán.
Ông Bruce Bennett, nhà nghiên cứu cấp cao của RAND, nhận định mặc dù rõ ràng Mỹ đang dồn nhiều sức hơn để đối phó với Trung Quốc, cách tiếp cận tổng thể của Washington khiến nhiều người lo lắng.
Đơn cử như việc Mỹ rút quân khỏi Syria, bỏ rơi đồng minh người Kurd hay gần đây nhất là sự vắng mặt của tổng thống, phó tổng thống và ngoại trưởng Mỹ đã để lại khoảng trống quyền lực cho Trung Quốc tại các hội nghị khu vực.
Tuy vậy, trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tháng trước, ông Esper khẳng định chiến lược dịch chuyển và tập trung đối phó Trung Quốc vẫn đang tiến triển. "Chúng tôi muốn can dự nhiều hơn vào khu vực, chúng tôi cần phải tái bố trí các lực lượng và hiện diện nhiều hơn ở Ấn Độ Dương -
Thái Bình Dương".
Trung Quốc có nhiều lý do để lo lắng về Bộ trưởng Esper, người từng tuyên bố sẽ triển khai các tên lửa tầm trung tại châu Á và sử dụng chúng như một lực lượng răn đe chiến lược ở tầm xa với độ chính xác cao.
3 điểm đến nổi bật của ông Esper
Giới quan sát đang dành nhiều sự chú ý ở 3 điểm đến của ông Esper là Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Chuyến thăm Hàn Quốc đã kết thúc với thông điệp chủ đạo là Seoul phải trả nhiều tiền hơn cho quân đội Mỹ đồn trú. Điểm đến thứ hai là Thái Lan, như đã nói ở trên, là dịp để người ta lắng nghe những cam kết lẫn trấn an của Mỹ trước các đồng minh, đối tác.
Việt Nam là điểm đến nổi bật cuối cùng dù sau Hà Nội, ông Esper vẫn còn chuyến đi đến Philippines. Việt Nam sẽ trở thành chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm sau, do đó theo ý của các chuyên gia, từ chuyến đi lần này có thể rút ra được một số dự đoán, bao gồm cả việc liệu Biển Đông có trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của ASEAN 2020 hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận