TTCT - Thông tin các thiết bị liên lạc cầm tay phát nổ đồng loạt ở Lebanon khiến nhiều người đâm lo về nguy cơ những vật dụng điện tử mình mang bên người hằng ngày trở thành những quả bom điều khiển từ xa. Ảnh: WorldCrunch Nadim Kobeissi - một nhà nghiên cứu về an ninh mà trang Wired phỏng vấn - nhớ như in tuổi thơ lớn lên ở thủ đô Beirut của Lebanon vào đầu những năm 2000, khi tiếng nổ siêu thanh do máy bay Israel tạo ra trên bầu trời Lebanon thi thoảng lớn đến nỗi làm rung chuyển ngôi nhà nơi anh sống. Đôi lúc gia đình Kobeissi phải ngủ ở hành lang để tránh những mảnh kính từ cửa sổ vỡ rơi vào người trong đêm. Tác động tâm lý của trải nghiệm đó đi theo anh rất lâu. Thậm chí nhiều năm sau, khi đã không còn sống ở Lebanon, tiếng pháo hoa vẫn khiến Kobeissi vã mồ hôi và run rẩy trong vô thức.Theo Kobeissi, nỗi sợ dai dẳng mà các vụ nổ ở Lebanon lần này mang đến cho người dân địa phương cũng gây ám ảnh không kém. Khi anh trò chuyện với các thành viên gia đình sống ở Lebanon, họ kể về hiện tượng chiếc iPhone mình sử dụng có vẻ hay nóng lên trong thời gian gần đây và hỏi anh liệu điều đó có đáng lo. "Họ thắc mắc có phải điện thoại mình đang bị tấn công hay không và liệu nó sẽ phát nổ - Kobeissi nói với Wired - Nó còn tệ hơn các tiếng nổ siêu thanh khi xưa, bởi đây là một tình huống chưa có tiền lệ và gần như không thể giải thích cho mọi người hiểu".Kinh nghiệm ám ảnhCho tới đầu tuần qua (23-9), các thông tin hầu như đều cho rằng đã xảy ra một cuộc tấn công chuỗi cung ứng bằng cách sử dụng một công ty bình phong của Hungary để chế tạo các thiết bị có pin được tẩm thuốc nổ PETN. Các sản phẩm này sau đó được mạo danh một nhà cung cấp hợp pháp và bán cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon.Dù động cơ và phương thức tấn công chưa rõ ràng, việc món đồ được nhắm đến để biến thành vũ khí là các thiết bị liên lạc cầm tay không phải là ngẫu nhiên, theo Bruce Schneier - nhà nghiên cứu về an ninh đang giảng dạy chính sách an ninh mạng tại Trường Chính phủ Harvard Kennedy (Mỹ). Schneier chỉ ra rằng tác động tâm lý của vụ việc lần này là gieo rắc sự hoang mang và hoài nghi về mọi phương tiện giao tiếp còn lại mà nhóm Hezbollah sở hữu, nhất là khi trước đó họ đã từng bị tấn công tin tặc nhắm vào điện thoại di động. "Họ không tin tưởng vào điện thoại thông minh nên mới quay lại với những thiết bị lỗi thời này, và rồi chúng lại nổ tung. Tiếp theo là gì? Mọi thứ trở nên kém hiệu quả hơn vì họ không thể giao tiếp tốt với nhau" - Schneier giải thích.Ảnh: nextbigfuture.comĐợt phát nổ thứ hai trong vòng hai ngày ở Lebanon đến từ những chiếc bộ đàm - trong đó có chiếc phát nổ trong lúc khách đến dự đám tang nạn nhân của vụ nổ trước đó - càng khiến người dân vùng chiến sự hoang mang không biết món đồ gì mình mang bên người sẽ là mục tiêu tiếp theo.Maria Boustany, một người kinh doanh dịch vụ tổ chức sự kiện ở Lebanon, cho biết đã yêu cầu nhân viên vứt bỏ các thiết bị bộ đàm mà họ đang sử dụng để giao tiếp với nhau trong quá trình diễn ra tiệc cưới hay sự kiện do lo ngại về vấn đề an toàn. "Chúng không cùng hãng sản xuất (với các bộ đàm đã phát nổ) nhưng chúng tôi thật sự không biết chuyện gì đang xảy ra" - Boustany nói với Al Jazeera. Thay vào đó, Boustany cho biết bản thân và các đồng nghiệp đã chuyển sang dùng ứng dụng nhắn tin WhatsApp để giao tiếp với nhau. "An toàn là trên hết" - cô giải thích.Bình mới, rượu cũNgười phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stéphane Dujarric nói với phóng viên hôm 17-9 rằng các diễn biến ở Lebanon là "cực kỳ đáng quan ngại", đồng thời có nguy cơ gây leo thang căng thẳng ở khu vực Trung Đông. Dujarric nhấn mạnh vụ việc đã làm dấy lên mối lo ngại rằng một mặt trận chiến tranh mới đã xuất hiện: một hình thức phá hoại trong đó những thiết bị vô hại bị biến thành món đồ gieo chết chóc.Theo trang Fast Company, hiện không có thông tin nào về việc liệu Gold Apollo - công ty Đài Loan trực tiếp sản xuất các máy nhắn tin liên quan vụ việc - có biết các thiết bị do hãng sản xuất đã bị thay đổi hay không. Các máy nhắn tin do Hezbollah sử dụng có thể đã chứa một lượng nhỏ chất nổ và được kích hoạt bằng một tin nhắn đơn giản đến thiết bị người nhận, BBC dẫn nhận định của một chuyên gia về khí tài từng làm việc trong quân đội Anh. Một chuyên gia khác do AP phỏng vấn cũng nhận định có thể các máy nhắn tin đã rung để thông báo có tin nhắn đến và hành động nhấn nút tắt thông báo đã kích hoạt vụ nổ.Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng chuyện kích nổ bom bằng tin nhắn không còn xa lạ trong các xung đột trong quá khứ, và từng được sử dụng bởi cả các tổ chức khủng bố cũng như lực lượng chính quy của các nước, theo Fast Company. "Các tổ chức tình báo và an ninh có lịch sử đổi mới bằng cách sử dụng các phương tiện tương đối đơn giản (để tấn công)" - Fast Company dẫn lời Alan Woodward, giáo sư môn an ninh mạng tại Đại học Surrey (Anh).Một ví dụ là Yahya Ayyash - một kỹ sư chế tạo bom của lực lượng Hamas - đã bị giết vào năm 1996 khi anh ta trả lời cuộc gọi đến điện thoại di động cá nhân vốn đã bị đánh tráo từ trước bằng một thiết bị có gắn chất nổ. "Về bản chất, (cuộc tấn công ngày 17-9) không có gì mới. Nó từng được thực hiện 30 năm về trước" - một điều tra viên không nêu tên của Liên Hiệp Quốc với nhiều năm kinh nghiệm về vũ khí trả lời Fast Company.Không cần quá loNgày nay hầu như bất cứ ai cũng mang theo bên mình ít nhất một thiết bị có pin và khả năng kết nối: điện thoại, đồng hồ thông minh, tai nghe và trong một số trường hợp đặc biệt (như bác sĩ, y tá trong kíp trực) là cả máy nhắn tin. Nhưng khả năng các thiết bị này bị biến thành công cụ tấn công và phát nổ vào một ngày bất kỳ là bao nhiêu? Theo tạp chí The Atlantic, viễn cảnh này "gần như chắc chắn" không thể xảy ra.Về lý thuyết, đơn vị đứng sau vụ tấn công có thể can thiệp vào quá trình sản xuất ra thiết bị. Nhưng để đạt được độ chính xác cao nhắm vào các mục tiêu thuộc nhóm Hezbollah như vừa qua, rõ ràng chất nổ phải được cài vào sau khi thiết bị đã thành phẩm và rời xưởng sản xuất.Điều này đồng nghĩa khó có nguy cơ thường dân mua phải một thiết bị có khả năng phát nổ ở siêu thị hoặc những nơi phân phối thông thường, trừ khi họ nhận nó từ tay một thành viên Hezbollah.Bộ đàm không có pin được trưng bày tại một cửa hàng điện tử ở Sidon (Lebanon) ngày 18-9-2024. Chủ cửa hàng nói phải tháo pin vì lý do an toàn. Ảnh: ReutersTheo tác giả Ian Bogost, một người bình thường ít có khả năng cầm trên tay chiếc điện thoại iPad, máy đọc sách Kindle hay tai nghe Beats có gài chất nổ PETN hay hexogen - hai chất bị tình nghi được sử dụng trong vụ tấn công ở Lebanon. "Không phải vì điều đó không thể làm được - chỉ cần 3 gram các chất này là đủ tạo ra một vụ nổ và trên lý thuyết bên trong một chiếc iPhone có đủ khoảng trống để chứa lượng thuốc nổ đó… Tuy nhiên, bất cứ ai muốn thực hiện điều đó sẽ phải tốn rất nhiều công sức, đặc biệt là trên quy mô lớn" - ông giải thích.Có lẽ một người dùng bình thường ở một quốc gia không có chiến sự có nhiều lý do để lo lắng hơn về chuyện thiết bị của mình phát nổ vì… pin, chứ không phải kết quả của một cuộc tấn công có chủ đích. Pin lithium-ion được sử dụng phổ biến trong các thiết bị thông minh ngày nay đã được biết là có nguy cơ gây cháy nổ. Đó là lý do các hãng bay không cho phép hành khách để các thiết bị chứa pin lithium-ion trong hành lý ký gửi."Điều đó không có nghĩa là chiếc iPhone của bạn có nguy cơ phát nổ khi bạn nhấn vào thông báo của mạng xã hội Instagram. Ở Mỹ, pin chất lượng thấp do các nhà sản xuất không uy tín sản xuất và lắp vào các thiết bị giá rẻ - như thuốc lá điện tử hoặc xe đạp điện - có rủi ro lớn hơn nhiều so với bất cứ thứ gì khác" - Bogost trấn an.Tin tức về những vụ tấn công như ở Lebanon có thể khiến ta liên tưởng đến kịch bản phim hành động trong đó một kẻ phản diện ngồi cách nửa vòng Trái đất có thể nhấn một nút điều khiển và khiến hàng loạt điện thoại trên thế giới phát nổ. "Nhưng ngay cả sau vụ tấn công kinh hoàng xảy ra ở Lebanon, một kịch bản như vậy vẫn chỉ là hư cấu chứ không phải sự thật" - Bogost nhận xét. Nỗi lo từ chuỗi cung ứng toàn cầuTheo báo The Washington Post, các cuộc tấn công qua thiết bị di động ở Lebanon phơi bày một thực tế "khó nuốt": gần như không thể bảo đảm chuỗi cung ứng điện tử hiện đại an toàn, nếu "đối thủ" có đủ quyết tâm và tinh vi. Sự cố này có thể tạo động lực cho các nỗ lực chính trị từ Mỹ và các quốc gia khác nhằm đưa sản xuất các công nghệ quan trọng trở lại trong nước hoặc với các đồng minh tin cậy.Trớ trêu thay, các tài liệu rò rỉ do Edward Snowden công khai năm 2014 cho thấy chính Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) từng can thiệp thiết bị điện tử được vận chuyển từ nhà cung cấp mạng Cisco Systems trước khi giao cho khách mà công ty hoàn toàn không biết.Theo đó, tại một kho hàng bí mật, các nhân viên NSA cẩn thận mở hộp, gắn thiết bị giám sát vào sản phẩm, sau đó mới để chúng tới tay khách hàng nước ngoài. "Mười năm đã trôi qua, và an ninh vận chuyển vẫn chưa được cải thiện" - Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của NSA, đăng trên X hôm 17-9.Michael Watt, một chuyên gia về chuỗi cung ứng tại công ty tư vấn rủi ro kinh doanh Kroll, cho biết các chính phủ có thể bắt đầu tăng cường kiểm tra các lô hàng tiêu dùng ra vào cảng của họ. "Điều này chắc chắn phải là một lời cảnh tỉnh để các chính phủ xem xét bất kỳ lỗ hổng nào trong các biện pháp kiểm soát hải quan của họ" - Watt nói. Tags: Vụ nổ LebanonIsraelĐiện thoại di độngVụ nổ beirut
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).