"Chừng ni mấy năm trước, ban đêm bà con dẫn cả nhà ra chợ Tết thử quần áo, mua mứt, bánh, đồ trang trí Tết. Năm ni không hiểu vì răng mà vắng ngắt. Không riêng ở chợ ni, mà các chợ truyền thống khác đều như rứa" - bà Huỳnh Thị Luận, tiểu thương chợ Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), nói trong lo lắng.
Ra siêu thị, lên mạng sắm Tết thay vì đi chợ truyền thống
Còn ít ngày nữa tới cao điểm mua sắm Tết Giáp Thìn, không khí ở chợ Vĩnh Điện vắng ngắt. Nhà xe ở chợ cũng chỉ vài dãy. Các hàng quán bày bán quần áo, bánh mứt, đồ trang trí Tết ở mặt tiền chợ đi đâu cũng thấy cảnh chị em tiểu thương ngồi cắn hạt dưa.
Chiều 23-1 (tức 13 tháng chạp), trước chợ chỉ có mấy hàng bán vôi, trầu cau, muối… phục vụ tập tục dọn nhà cuối năm là có người ghé mua.
Đa phần hàng quần áo, trang trí nhà ngày Tết rất vắng khách. Thỉnh thoảng có người ghé mua, nhưng cũng chỉ hỏi giá rồi đi.
Chị Huỳnh Đỗ Uyên, khách mua hàng ở chợ Vĩnh Điện, nói hầu như mấy năm nay gia đình chị không ra chợ sắm Tết, mà chỉ mua mấy đồ đạc thờ cúng như trầu cau, bánh tổ, vôi bột.
"Mấy đồ lặt vặt này trong siêu thị không có bán, nếu có thì cũng không tươi nên chúng tôi buộc phải ra chợ. Toàn bộ đồ sắm Tết đều có ở siêu thị gần nhà. Nếu bận thì cứ lên mạng đặt rồi người ta giao tận nơi, giá cả cũng rất rõ ràng" - chị Uyên nói.
Tình cảnh vắng lặng, đìu hiu cũng phổ biến ở các chợ truyền thống, đặc biệt là các chợ nằm gần trung tâm các thị trấn, thị xã. Vài năm nay, các siêu thị tiện lợi, siêu thị mini mở cửa sát hông nhà từng hộ dân, nên người dân mất dần thói quen ra chợ truyền thống.
Tại chợ Thanh Quýt (thị xã Điện Bàn), dù cận Tết nhưng khách mua sắm Tết gần như rất ít. Các tiểu thương nói không hiểu vì sao năm nay bà con sắm Tết muộn, sức mua kém.
"Tầm ni mấy năm trước, vào cuối chiều, công nhân, bà con ra chợ mua đồ đông lắm. Người ta tranh thủ mua sớm cho rẻ, dễ dàng chọn lựa. Nhưng năm ni hàng hóa tràn ngập mà hầu như không có khách. Nhiều người phải nhờ con cái đăng lên mạng để bán" - bà Nguyễn Thị Phước, tiểu thương chợ Thanh Quýt, nói.
Sức mua chậm, tiểu thương không dám nhập hàng thêm
Ghi nhận tại một số chợ truyền thống lớn ở TP Tam Kỳ, Quảng Nam như chợ Tam Kỳ, chợ thương mại Tam Kỳ, chợ Vườn Lài… thời điểm buổi trưa giữa tháng chạp, nhiều cửa hàng bán hàng Tết như hàng thời trang, bánh kẹo, mứt… vắng người mua.
Nhiều tiểu thương ở các chợ này than thở rằng sức mua các mặt hàng Tết năm nay rất thấp.
Tại chợ thương mại Tam Kỳ, một dãy cửa hàng bán quần áo, giày dép, mũ nón… rất vắng khách. Anh Nguyễn Hữu Chí - chủ cửa hàng bán quần áo - cho biết đã bán ở chợ 10 năm nay nhưng chưa năm nào thấy ế ẩm như năm nay.
Anh nói sức mua hàng năm nay rất chậm, thời điểm này sức mua giảm hơn 60% so với mọi năm.
Thậm chí những năm dịch COVID-19 người dân vẫn mua sắm Tết nhiều. "Năm ni sức mua chậm nên cửa hàng chỉ dám nhập hàng Tết khoảng 50-60% so với mọi năm và bán cầm chừng" - anh Chí than thở.
Nhiều cửa hàng bán bánh kẹo, mứt, hạt dưa cũng rơi vào tình trạng đìu hiu. Chị Quyên, một chủ cửa hàng, cho biết năm nay dịp Tết sức mua rất chậm, chỉ hơi đông vào các ngày cuối tuần.
"Mọi năm, cả năm có dịch COVID-19, vẫn bán chạy. Mấy năm trước, khách sắm Tết tiền triệu, vài triệu, nay thì mua chỉ lèo tèo vài trăm nghìn đồng" - chị Quyên kể.
Nhiều cửa hàng bán các mặt hàng thời trang ở chợ Tam Kỳ cũng rơi vào cảnh ít khách. Bà Loan, chủ một shop quần áo, nói Tết sắp đến nơi nhưng mỗi ngày chỉ lèo tèo vài khách ghé mua.
Cửa hàng bà nhập quần áo về bán Tết cách đây một tháng, nhưng sức mua hàng giảm hơn 70% so với dịp Tết mọi năm. "Không biết răng đến thời điểm ni họ mua sắm quá ít, tiểu thương rơi vào cảnh khó khăn" - bà Loan tâm sự.
Nhiều tiểu thương cho hay tình hình năm nay kinh tế khó khăn, người dân mua sắm dè dặt. Bên cạnh đó cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều loại hình kinh doanh hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, các kênh bán hàng online nở rộ nên chợ truyền thống ngày càng ảm đạm hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận