Đó là ý kiến phản hồi của nhiều bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ, sau thông tin các vụ chó cắn người gây thương tích nặng trong những ngày qua.
Sẽ giám định thương tích nạn nhân
Liên quan đến vụ hai con chó cắn nam sinh viên Hoàng V. (đang học tại Trường Cao đẳng Lào Cai), ông Đặng Công Hoan, quyền chủ tịch UBND phường Bắc Cường (TP Lào Cai), cho biết UBND phường đã lập biên bản ghi nhận sự việc và lập biên bản xử phạt chủ vật nuôi.
Theo ông Hoan, hai con chó trên là giống Doberman, được bà Bùi Thị Thảo (ở phường Bắc Cường) nuôi từ năm 2021, mỗi con nặng chừng 30kg. Theo lý giải của chủ nuôi, chiều hôm đó chồng bà Thảo đi ra ngoài, khi đi thì không để ý chó chạy theo. Khi chạy ra ngoài, chó không được rọ mõm đã cắn nam sinh bị thương phải nhập viện.
"Với hành vi không đeo rọ mõm, không xích giữ chó, không có người dắt chó nơi công cộng, chủ vật nuôi bị xử phạt 1,5 triệu đồng" - ông Hoan nói.
Theo gia đình anh Hoàng V., anh bị chấn thương phần mềm khá nặng. Gia đình yêu cầu chủ vật nuôi phải có trách nhiệm chăm sóc nạn nhân cho đến khi khỏi vết thương và chi trả các chi phí điều trị, khỏi vết thương mới tính đến việc đền bù về sức khỏe cho anh V..
Về phía chủ chó cũng đã nhận trách nhiệm và xin lỗi gia đình về sự việc. UBND phường yêu cầu chủ chó giữ lại vật nuôi theo dõi, phòng bệnh theo quy định.
"Khi nạn nhân ra viện, hai bên sẽ đưa nạn nhân đi giám định sức khỏe để xác định mức độ thương tích. Sau khi có xác định mức độ thương tích, hai bên trao đổi để thống nhất hình thức xử lý tiếp theo" - ông Hoan nói.
Nha Trang: yêu cầu cam kết không thả chó ra đường
Liên quan đến vụ chó tấn công du khách trên đường 23-10 (xã Vĩnh Hiệp, TP Nha Trang, Khánh Hòa), ngày 20-2 lãnh đạo UBND TP Nha Trang cho hay đã chỉ đạo Phòng kinh tế TP Nha Trang tham mưu xử lý vụ việc.
Theo vị lãnh đạo này, trước đây thành phố có phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh thành lập tổ liên ngành chuyên trách gồm: Chi cục Thú y, Công an, Đội thanh niên xung kích, Phòng quản lý đô thị tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở, đẩy đuổi và xử lý các trường hợp dắt, thả rông chó không được rọ mõm.
Nhưng do không đủ điều kiện và nhân lực, lực lượng chức năng thành phố chỉ nhắc nhở, xua đuổi mà chưa tạm giữ vật nuôi và xử phạt vi phạm hành chính.
"Địa phương đang nghiên cứu thành lập các đội bắt chó nhưng hiện nay chưa đủ cơ sở, trang thiết bị, nghiệp vụ để thực hiện.
Trước mắt sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương buộc các chủ nuôi chó phải có cam kết không để chó thả rông, chích ngừa đầy đủ cho chó, có rọ mõm khi đưa chó ra đường và đảm bảo giữ vệ sinh môi trường... Hộ nào sai phạm sẽ lập biên bản xử lý theo quy định", lãnh đạo UBND TP Nha Trang nói.
Trước đó, sáng 19-2 hai du khách nước ngoài đang đi bộ trên đường 23-10, đoạn dưới chân nút giao Ngọc Hội thì bất ngờ bị một con chó tấn công.
Theo chính quyền địa phương, đây là con chó của hộ ông Đỗ Xuân Tùng thuộc giống Alabai, có giấy xác nhận nguồn gốc và tiêm chủng. Vào thời điểm chó cắn du khách, chó bị tuột xích. Trước đó, con chó này đã cắn cha vợ ông Tùng và người bán vé số.
Nạn nhân bị chó cắn, anh Staker Zachary Paul (18 tuổi, quốc tịch Anh), phải đi cấp cứu với vết thương nặng ở tay phải: mặt trước cẳng tay phải của nạn nhân dài 8cm, mặt sau cánh tay phải 10cm, đứt cơ nhị đầu tay phải. Ở tay trái có vết thương bàn tay 2cm, vết thương cẳng tay 1cm.
Thương tích trên 61% có thể khởi tố
Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trong trường hợp người bị chó cắn mà bị thương tích từ 61% trở lên hoặc tử vong thì cơ quan điều tra có thể khởi tố chủ vật nuôi theo điều 295 Bộ luật hình sự. Pháp luật quy định việc nuôi chó phải đảm bảo an toàn công cộng, trật tự công cộng.
Trường hợp đưa chó ra ngoài khuôn viên nhà mình thì phải xích, có người dắt hoặc phải đeo rọ mõm.
Người không tuân thủ quy định này mà chưa gây thiệt hại cho người khác cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng như chết người hoặc hậu quả thương tích xảy ra thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 295 Bộ luật hình sự.
Cần bổ sung tội hình sự
Hai ngày, hai vụ chó dữ tấn công người ở mức độ nghiêm trọng. Cần phải bổ sung quy định trong luật hình sự về trách nhiệm của chủ vật nuôi khi nó gây nguy hiểm cho người khác. Nên có khung hình phạt tù với chủ nuôi, có trách nhiệm bồi thường và vật nuôi sẽ bị giết.
Trong vụ việc ở Nha Trang, con chó không được rọ mõm. Con chó này đã cắn người nhiều lần và gây hoảng sợ nhiều người, vì sao vẫn để chó tự do bên đường? (Bạn đọc Coc)
Phải chăng chúng ta đã cả nể nhau khi bị chó rượt thậm chí bị chó cắn, sợ chó và "sợ" cả người nuôi chó? Những con chó hung dữ, nhiều lần tấn công người vì sao vẫn được nuôi thả tự do cho đến khi chúng gây hậu quả nghiêm trọng hơn? Cần có những quy định chặt chẽ hơn trong luật hình sự về việc chủ nuôi để vật nuôi tấn công người khác.
Bạn đọc Phương Nga
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận