Phóng to |
Trên thuyền đi xem cá heo vịnh Mêhicô, thành phố Pensacola (Mỹ), du khách nhìn thấy ngay dòng chữ “Tip 15-20% là thông lệ. Xin cảm ơn” |
Nhiều nơi, “tip” cho những người phục vụ như là luật bất thành văn nhưng chỗ khác lại gây khó chịu, thậm chí là xúc phạm. Và “văn hóa tip” cũng thay đổi theo thời gian khi du lịch đã đem văn hóa của nơi này hòa quyện với nơi khác tạo nên sự đa dạng cho cuộc sống...
Thước đo hài lòng hay nét văn hóa?
Một ngày đầu xuân, Tsubota rủ tôi đi ăn món lẩu sukiyaki nổi tiếng ở nhà hàng Tonki - Tokyo. Trong không khí se lạnh, món lẩu càng trở nên hấp dẫn bên chai rượu sake. Tôi khá ngạc nhiên khi Tsubota để lại một ít tiền “tip” cho nhân viên phục vụ.
Ngạc nhiên vì với những hiểu biết lâu nay của tôi thì với người Nhật Bản và người Hàn Quốc, khách để lại tiền “tip” là chuyện khá tế nhị, với nhiều người điều đó có khi còn là xúc phạm danh dự. Trong nhiều nhà hàng, hóa đơn ghi luôn một câu: “Tiền “tip” không được chấp nhận ở đây”...
Tsubota giải thích: “Những năm gần đây, “văn hóa tip” sau các bữa ăn ở nhà hàng đã du nhập vào Nhật và nhiều người đã chấp nhận. Có nơi, “tip” 5% giá trị hóa đơn trong nhà hàng đã là điều phổ biến”.
Trước khi lên đường sang Mỹ, vì là lần đầu tiên nên tôi đã hỏi kỹ người bạn sống lâu năm bên đó về mọi thứ, nhất là khi ứng xử với người địa phương. Bạn dặn phải nhớ “tip” khi đi nhà hàng, đi taxi và những dịch vụ khác trong khách sạn... nếu không muốn bị xem là “người ở hành tinh khác”. Nhưng thật sự khỏi phải lo khi ăn trong nhà hàng, tất cả hóa đơn đều ghi rõ phần tiền “tip”, có nơi 15%, nhưng những nơi như New York 18-20%.
Nhớ lời dặn nên mỗi buổi sáng trước khi rời khách sạn, tôi đều đặt tờ 1 USD vuốt phẳng phiu trên giường. Mọi chuyện diễn ra bình thường, phòng được dọn sạch sẽ cho đến một hôm vì vội nên tôi quên tờ 1 USD. Phòng cũng được dọn sạch nhưng chai xà phòng gội không được thay mới, khăn lau chân trong phòng tắm biến mất... Rồi khi ở khách sạn khác, thử “phá giá” bằng tờ 2 USD, ngay lập tức tôi được tặng một tuýp vitamine dưỡng da!
Nhìn chung ở Mỹ, Canada hay đa số các nước châu Âu, chuyện “tip” như hơi thở cuộc sống khi nhờ ai đó giúp đỡ hay phục vụ mình trong nhà hàng, khách sạn, sân bay, xe taxi, quán bar... Việc nhận tiền “tip” làm cho người phục vụ cảm thấy vui hơn bởi không chỉ là hành vi “cho”, mà qua đó người ta “đo” được chất lượng phục vụ và mức độ hài lòng của khách hàng.
Sốc và cảm thông
Phóng to |
Người phục vụ cảm thấy vui hơn bởi không chỉ là hành vi “cho”, mà qua đó người ta “đo” được chất lượng phục vụ và mức độ hài lòng của khách hàng |
Phóng to |
Văn hóa ứng xử của người địa phương qua câu chuyện “tip” cũng đáng học hỏi |
Tối đầu tiên ở Washington DC chúng tôi đón taxi đi phố George Town. Sau một hồi mải mê mua sắm và no say, lại đón taxi về khách sạn. Khác với lúc đi, lần này tài xế không chịu số tiền “tip” 10% giá cước, tức 2,5 USD, mà đòi đúng 5 USD với lý do lúc này đã sau 10 giờ đêm. Âu cũng là một bài học nữa về “văn hóa tip” ở Mỹ.
Một lần “sốc” khác là khi mua tour từ quận Cam đi San Francisco do người Hoa tổ chức, anh hướng dẫn đòi phải “tip” 5 USD ngay khi kết thúc hành trình trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi.
Nhiều người cho rằng dù ở Mỹ, Canada, hay trong các nhà hàng ở châu Âu, những người phục vụ đều thuộc tầng lớp thu nhập thấp kém trong xã hội, chưa kể nhiều người là sinh viên làm thêm ngoài giờ, nên “tip” là một cách giúp đỡ họ. Cách lý giải này cũng được đa số du khách đồng tình.
“Văn hóa tip” cũng bắt đầu xâm nhập những quốc gia Trung Đông (UAE, Qatar), châu Phi (Ai Cập, Morocco) khi mở cửa phát triển kinh tế và có lượng du khách kéo đến ngày một đông. Một điều khá đương nhiên ở đây là du khách phải trả thêm khoản “tip” 10% phí phục vụ vào trong hóa đơn. Trong khi đó, hầu hết quốc gia còn lại của hai khu vực này chưa có tiền lệ “tip”.
Một điều rất khác biệt tưởng cũng nên lưu ý là trong khi ở Mỹ và châu Âu đừng bao giờ “tip” bằng tiền xu, bởi làm như vậy bị coi như “chẳng khác gì bố thí”, thì ở khu vực Trung Đông việc để lại một vài đồng lẻ rất được các nhân viên phục vụ hoan nghênh.
Ngày xuân đi du lịch không chỉ để khám phá cảnh đẹp hay tìm hiểu về lịch sử, cái chính đọng lại sau mỗi chuyến đi vẫn là nền văn hóa các nước. Văn hóa ứng xử của người địa phương qua câu chuyện “tip” cũng đáng học hỏi lắm thay.
Thái Lan: không “tip” vẫn cười
Việc cho tiền “tip” ở Thái Lan không phải là một điều bắt buộc. Dù không có, người Thái vẫn sẽ mỉm cười: “Mai pen rai” (không sao đâu), cảm ơn. Tuy nhiên, để lịch sự, nếu hài lòng với dịch vụ ở nhà hàng, bạn có thể cho thêm người phục vụ một ít tiền. Số tiền này ít hay nhiều là tùy hỉ, không có một mức cụ thể.
Vẫn với phong thái thân thiện, người phục vụ sẽ chẳng than phiền gì khi bạn “tip” nhiều hay ít, chỉ 20 baht (khoảng 14.000 đồng) hay thậm chí là 5 baht (khoảng 3.500 đồng), du khách cũng sẽ nhận được nụ cười và wai (cách chắp tay trong trường hợp cảm ơn hoặc chào hỏi), không quên mời bạn lần sau lại ghé quán.
Trong các khách sạn, người phục vụ bưng bê hành lý hay cô hầu phòng dọn dẹp giúp bạn, hay đi taxi tài xế cũng không đòi hay gợi ý tiền “tip”.
Ấn Độ: Không “tip”, không được
Trong khi đó, một trong những điều du khách khó chịu khi đến Ấn Độ lại là chuyện tiền “tip”. Người ta có thể xin xỏ trong mọi tình huống, thậm chí còn tạo ra những tình thế mà du khách không còn cách nào khác phải móc hầu bao. Số tiền “tip” đôi khi không đáng nhưng tạo cảm giác không thoải mái đối với khách du lịch.
Gia đình người viết từng đi du lịch Ấn Độ với ba chiếc vali nhưng có tới năm anh khuân vác nhào ra đỡ và khiêng. Trong tình huống này, không còn cách nào khác là phải “tip” cho cả năm. Thậm chí ở một khách sạn nhỏ, khi làm thủ tục rời khách sạn, có lần tôi khá bối rối khi cả đội ngũ nhân viên từ đầu bếp, bồi bàn, phục vụ phòng, nhân viên khuân vác hành lý đứng dàn hàng chào bạn. Có người ghé tai nhắc: “Họ gợi ý để bạn thưởng đấy!”.
Câu chuyện tiền “tip” còn xảy ra khi bạn thuê xe hơi riêng và cuối chuyến đi khi thanh toán tiền, tài xế có thể xin tiền thẳng thừng. Đến Ấn Độ, cứ thủ sẵn tiền lẻ, nhập gia tùy tục vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận