Rim mứt gừng tết đúng vị Quảng ở một góc chợ - Ảnh: NGỌC HIỂN
Có một ngôi chợ ở Sài Gòn mà nhiều người vì nhớ quay quắt mùi hương củ nén trong chén canh bầu thuở ấu thơ mẹ nấu, đã lặn lội từ tận Bình Dương đến đây chỉ để mua một lon nén. Có người mấy chục năm cứ tới lui ngôi chợ này hoài chỉ để chọn hũ mắm, chén dưa cà đậm đà hương vị miền Trung. Cũng lắm người tìm đến chợ chỉ để được nghe tiếng trọ trẹ quê mình da diết chẳng nơi mô có được...
Phiên chợ quê giữa phố
Đó là "hồn cốt" chợ Bà Hoa gần ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình), nơi được ví như cả xứ Quảng thu nhỏ trong lòng Sài Gòn. Những ngày cuối tháng chạp, chợ Bà Hoa nằm trên đường Trần Mai Ninh bỗng khoác lên chiếc áo xuân khi các sạp hàng xung quanh chợ đều bày bán dưa món, củ kiệu, bánh thuẫn, bánh in, bánh nổ... chẳng khác nào những phiên chợ tết quê xứ Quảng.
Từ đầu đường đã thấy một phụ nữ đầu choàng nón lá, dắt xe đạp bán bánh xu xoa đặc trưng của đất Quảng Ngãi. Gánh hàng rong này vừa ra đã có năm bảy người đi xe máy biển số 76 (Quảng Ngãi), 92 (Quảng Nam), 43 (Đà Nẵng) tấp vào mở hàng, rồi đứng ngay bên vệ đường húp xu xoa ngon lành.
Cách đó vài bước chân, con đường dọc bên hông chợ xôn xao tiếng í ới rặt giọng Quảng của những hàng quán bên đường. Những bếp than hồng quạt tay nướng bánh tráng mè thơm phức. Những cô Ba, cô Tư đánh trứng đổ bánh thuẫn, rim mứt gừng dậy mùi tạo nên cho khu chợ này một mùi vị rất riêng mà chỉ người miền Trung mới có nhiều ký ức để thấm thía.
Ở một góc chợ, bà Huỳnh Thị Kim Hà (43 tuổi) bưng ra một thau lòng xào nghệ vàng óng và nồi mít thấu thơm lừng nhanh nhảu múc cho nhóm khách trẻ nói tiếng Quảng Trị đã ngồi vây quanh bàn chực chờ món quen. Thử một dĩa, đầu lưỡi chúng tôi cay xè, toát mồ hôi hột, nhưng dĩa lòng xào nghệ này đúng vị Trung mà dân Quảng thường nói "trặm trịa" ý chỉ hương vị rất đậm đà.
Bên kia đường, tiếng hát của nữ danh ca Khánh Ly vang lên văng vẳng ca khúc Diễm xưa đúng vào buổi chiều mưa xuân Sài Gòn khiến chúng tôi ngỡ mình đang rảo bước trong những hàng quán ở chợ Đông Ba ngoài Huế. Nào là bánh xèo, đường bát, bánh rò, xôi đường, mì Quảng, bánh tráng, chả bò, bánh tổ... những món ăn rất đặc trưng của người Quảng được bày biện đẹp mắt khắp các tiệm.
Là khách "ruột" khu chợ này, Nguyễn Đức Nhật Thuận (chủ tiệm ăn Cà Mèn, chuyên bán món Quảng Trị) kể rằng ở Sài Gòn chỉ chợ Bà Hoa là dễ mua cây nén tươi. Một vài chợ vẫn có củ nén, song để có được nén lá tươi nấu món cháo bột nức danh Quảng Trị hằng ngày Thuận phải ra mua ở khu chợ này.
Bẻ bánh tráng xúc hến nhai rào rạo, chị Trần Hoàng Loan (quê Huế) kể rằng cứ đến cuối tuần, chị lại rủ bạn bè đồng hương ra khu chợ này ăn vặt những món quê. Khoái nhất với chị là hến xúc bánh tráng, món ăn gắn bó với tuổi thơ khi mẹ thường dắt sang cồn Hến ở Vĩ Dạ xứ Huế, ăn hàng. Vì thế, dù đã 30 tuổi, chị Loan vẫn hay đến chợ này ăn đủ một "tour ẩm thực" từ hến, đến chè Quảng rồi lại mua thêm ít bánh thuẫn mang về nhà ăn dần.
Sạp rau Trà Quế (Hội An) của bà Kim Chương ở chợ Bà Hoa - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đời chợ, đời người
Hỏi về gốc tích của chợ được đặt tên Bà Hoa, những bậc cao niên ở đây đều có câu trả lời chung là đặt theo tên người phụ nữ có công dựng chợ từ trước 1975. Sau này, bà Hoa đã đi nước ngoài định cư. Thi thoảng, dân chợ vẫn thấy bà về thăm quê, thăm chợ, nhưng mấy năm trở lại đây vắng bóng.
Ngồi một góc chợ cặm cụi đổ bánh thuẫn bằng hai chiếc khuôn đồng bếp than, bà Đỗ Thị Thanh Nga (51 tuổi, quê Quảng Nam) kể rằng chiếc khuôn này có tuổi đời hơn cả bà. Đây là "báu vật" gia truyền từ đời ông nội. Cặp khuôn bánh này đã theo gia đình từ Điện Bàn (Quảng Nam) di cư vô Sài Gòn gần 40 năm nay.
Những ngày này, bà Nga phải ăn ngủ luôn ở chợ và có những đêm thức trắng để đổ bánh thuẫn, bánh bông lan, bánh nổ kịp giao cho mối mang bán tết. Những mẻ bánh làm từ bột bình tinh khuấy lòng đỏ trứng gà vàng ươm, thơm ngậy vừa ra lò đã có khách chực chờ "hốt" đi.
Làm bánh là nghề gia truyền nên bà Nga phải giữ, còn những mặt hàng khác như đường bát, mắm, cao lầu khô, bánh tráng đập... được bà nhập từ Quảng Nam, Quảng Ngãi. Kế bên tiệm bà Nga là tiệm mì Quảng, mấy tiệm bánh tráng, tiệm rau ráng xứ Quảng cũng là của chị em ruột rà bà Nga. "Dãy này toàn người nhà, mà cả nửa cái khu Bảy Hiền này là bà con ngoài Quảng quê tui rồi", bà Nga kể.
Sau năm 1975, cuộc sống khó khăn, người đi trước dắt người đi sau cùng vào Sài Gòn làm nghề tơ sợi ở khu Bảy Hiền (trước 1975 ngã tư Bảy Hiền đã là một làng dệt nổi tiếng). Hơn chục năm làm tơ sợi, đến lúc bán buôn ế ẩm bà Nga mới chuyển sang bán bánh tráng và các sản vật Quảng Nam cùng mẹ. Theo bà Nga, lúc đầu chợ rất vắng, có cả người Nam lẫn người Trung. Song phần dân vùng này chủ yếu gốc Trung nên người đồng hương buôn bán được hơn, phần vì người Trung chịu khó cầm cự tồn tại, thành ra chợ này giờ chủ yếu là người Trung bán buôn.
Nửa đời người gắn bó với ngôi chợ này, bà Nga nghiệm ra rằng dân Quảng dù tha phương vẫn giữ cái tính "hay cãi". "Mấy bà nổi cáu cãi giọng Quảng chí chóe sung lắm, nhưng xong rồi là thôi, lại huề cả làng chứ không ai để bụng", bà Nga kể thêm nếu có ai đau ốm, cả chợ gom góp thăm nom nhau rất nghĩa tình như chòm xóm quê hương dù ở phố xá đã mấy chục năm rồi.
Tết này đã gần 80 tuổi, bà Hồ Thị Yến (quê Duy Xuyên, Quảng Nam) hằng ngày vẫn làm xôi đường, bánh tổ, bánh rò mang ra chợ bán cho những người Quảng tha phương. Nhiều lần ốm đau vắng đi những bữa chợ, bà Yến kể rằng "nhớ chịu không nổi" nên cứ khỏe lại là lao ngay ra chợ để bán buôn, chuyện trò bằng giọng Quảng với dân "quê mình".
Bà tâm sự nhiều Việt kiều bao năm xa xứ về chợ này gặp món quê đã rưng rưng nước mắt khiến người bán cũng sụt sùi theo. Những hình ảnh tình cảm khiến bà Yến, bà Nga và bao bạn hàng đều khẳng định phải gắn bó với chợ cho đến khi nào "chân không bước nổi" thì mới thôi ra chợ Quảng giữa đất Sài Gòn...
Rau Trà Quế đắt như tôm tươi
Từng bán bánh tráng, mì Quảng theo gia đình chồng, nhưng người phụ nữ gốc Huế Hoàng Thị Kim Chương (60 tuổi) lại quyết định rẽ sang hướng khác khi gom các loại rau ráng chính gốc Trà Quế (Hội An) mang vào Sài Gòn bán.
Tiệm rau nhỏ xíu của bà mỗi buổi sáng có đến 3-4 người phụ bán và luôn luôn kín khách dù giá đắt gấp đôi so với rau Sài Gòn. Mỗi buổi sáng, bà Chương nhận đến hai lượt xe hàng từ ngoài Quảng Nam gửi vào với những loại rau, củ như cà chua bánh xe, mướp đắng, lá é, lá nén, mã đề, ngò gai... gói bằng tàu lá chuối rất dân dã.
Không chỉ bán ở chợ, rau của bà Chương còn vào những nhà hàng lớn bởi lợi thế là rau thơm ngon, đúng hương vị miền Trung. "Những người sành ăn món Trung, nhất là mì Quảng hay thịt luộc cuốn bánh tráng, thì phải chọn đúng loại rau sống này ăn mới sướng", bà Chương kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận