Anh Nguyễn Quang Nhật (35 tuổi) bán dưa cải muối tại chợ Đo Đạc (Q.2) - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đó là những khu chợ mang đủ màu sắc, phong vị vùng miền như rau mùi thơm dịu đất Bắc, trái vả chan chát miền Trung, con khô cá sặt, con mắm cá lóc nồng mùi miền Tây dân dã...
Vài ngày trước lễ cúng ông Công ông Táo (23 tháng chạp), hàng quán dọc đường Chu Mạnh Trinh (Q.1) hay chợ Đo Đạc (Q.2, TP.HCM) treo lên những bộ vàng mã có mũ quan, áo giấy và hia hài tựa như phố Hàng Mã ở Hà Nội. Nhiều khách đến còn đặt trước bánh chưng, xôi gấc, giò chả... cho mâm cỗ chiều 23 tết đều nói đậm giọng Bắc.
Xa quê nhưng đến các chợ Bắc này, tôi có cảm giác như mình vẫn đang sống tuổi thơ ở Hà Nội. Hàng hóa Bắc và cả những giọng nói cũng thân thương rất Bắc.
Bà ĐINH THỊ LAN
Nhớ quê, tìm đồ Bắc
"Nếu thấy hàng quán nào bày kẹo lạc, miến dong với các hũ cà muối, dưa cải thì không cần nhìn biển cũng biết ngay đó là tiệm người Bắc" - ông Đào Trọng Hùng (62 tuổi), một người Bắc hơn 40 năm sống ở Sài Gòn, "mách nước" cho chúng tôi tìm quán Bắc giữa đất Nam này.
Một trong những khu chợ được ông Hùng thường tới lui mua sắm là "phố Bắc" ở đường Chu Mạnh Trinh (Q.1), với nhiều quán xá chẳng khác nào sạp hàng của những cô hàng xén xứ Bắc. Nào là bánh chưng gói lá dong vuông vức, miến dong lớp lang; nào là những bao gạo Tám Xoan căng đầy hay những trái bưởi Diễn vàng ươm...
Xách giỏ đến chợ này, bà Nguyễn Thị Vương (65 tuổi, ngụ Q.1) tỉ mẩn lựa những mớ măng vầu khô đặc sản của vùng Tây Bắc, nấm hương Sa Pa và một ít củ hành trắng to để chuẩn bị mâm cỗ ngày tết. Đặc biệt, thứ mà bà Vương không thể không mua là bóng bì được làm từ da lợn để về làm đồ xào thập cẩm truyền thống của gia đình.
Theo cha mẹ từ Hà Nội vào Sài Gòn đã gần nửa đời người, bà Vương kể rằng mình chỉ khoái món Bắc, mỗi dịp lễ tết thương nhớ quê, bà lại làm những món ăn thuần Bắc cho đỡ nhớ.
Từ Nam Định lặn lội vào Sài Gòn bán buôn ở chợ này, bà Nguyễn Thị Kim Liên (60 tuổi) cho biết những món Bắc rất chạy hàng. Trong đó có những người Bắc kỹ tính, bữa ăn phải nấu bằng gạo Tám Xoan (Nam Định), cúng quải phải gạo nếp cái hoa vàng nhập từ Bắc vào mới chịu.
Để phục vụ khách hàng đồng hương, mẹ con bà Liên còn tự tráng bánh cuốn, nấu xôi gấc, ngâm nước sấu, nước mơ... bán đắt như tôm tươi. Không chỉ bà Liên, anh trai bà cũng đem nghề làm giò chả Hà Nội vào Nam, đến nay đã trở thành mối bỏ sỉ cho nhiều siêu thị lớn.
Theo lời giới thiệu của nghệ nhân ẩm thực Hồ Hoàng Anh, chúng tôi tìm đến chợ Đo Đạc (Q.2) sáng cuối năm để xem phiên chợ tết người Bắc. Một ngôi chợ đặc biệt ngay từ cái tên lẫn không khí họp chợ khi cả người bán, người mua đều bay bổng giọng Bắc.
Chợ này vốn chỉ là những gánh hàng nhỏ của các gia đình miền Bắc đầu thập niên 1980. Dần dần nó phát triển, biến thành cả khu chợ Bắc nằm lọt thỏm giữa Q.2 mà người mua cũng chủ yếu là dân Bắc.
Càng cận tết, chợ càng tấp nập khi dân miền ngoài ở Sài Gòn tụ về đây sắm tết. Trong đó có những thứ rất riêng mang từ miền Bắc vào như lá xương sông, mắm tôm, hành muối kiểu Bắc, miến dai, cá trắm đen làm món cá kho làng Vũ Đại...
Khách hàng mua đặc sản miền Bắc tại cửa hàng của bà Nguyễn Thị Kim Liên - Ảnh: NGỌC HIỂN
"Đánh hàng" vào Nam
Trong khu chợ Đo Đạc, tiệm đồ Bắc của vợ chồng anh Nguyễn Quang Nhật (35 tuổi) mới mở được 4 năm, tuy vậy đã thành địa chỉ quen thuộc với các loại dưa cải, dưa cà muối và xôi gấc thơm ngon đúng chất Bắc.
Cận tết, anh Nhật phải nhập hàng tạ nếp và gấc từ Hà Nội vào để làm món xôi gấc đặc trưng cho người đồng hương. Anh kể có ngày bán cả nửa tạ dưa. Ngày nào vợ chồng anh cũng tất bật làm dưa muối bên những mặt hàng khô vào từ quê Bắc.
Từng làm thợ hồ, anh Nhật được người bà con chuyên bán đồ Bắc ở chợ Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) truyền nghề, rồi lặn lội sang Q.2 khởi nghiệp. Như cá gặp nước, những mặt hàng của anh đều được khách ưa chuộng, từ bánh chưng, giò chả đến những loại cây trái theo mùa.
Dịp tết, anh bán đến 200 bánh chưng mỗi ngày và những loại miến, nấm, gia vị Bắc cũng tăng lên gấp bội.
Nhiều năm nay, con đường Trần Quốc Toản (Q.3) cũng là chốn tới lui của những người mê đồ Bắc. Thậm chí có những người ra Hà Nội lại không mua quà cáp, mà vô Sài Gòn đến con đường này mua quà... Hà Nội. Gần 20 năm bán hàng Bắc ở đây, bà Nguyễn Cúc Phương (chủ cửa hàng Thành Phát) kể vợ chồng bà đều là cán bộ nhà nước ở Hà Nội, nhưng quyết định nghỉ việc vào Nam theo nghề của chị chồng.
Do toàn bộ hàng hóa từ đồ khô đến các loại rau củ, trái cây tươi đều "nhập nguyên con" từ miền Bắc vào nên hàng của bà Phương được lòng khách hàng khó tính.
Người nọ truyền tai người kia, dần dà bà nhập nhiều hàng hóa hơn, khách hàng cũng đông hơn, nên tiệm bây giờ chẳng khác gì một siêu thị mini đầy ắp đặc sản đất Bắc. Đặc biệt, cứ miền Bắc vào mùa cây trái gì được ưa chuộng là bà Phương có ngay mặt hàng đó như trái nhót, trái mận, chanh đào, sấu tươi, bưởi Diễn...
Như thấy cả quê nhà
Theo các dòng người miền Bắc vào Nam suốt hàng chục năm qua, phố thị Sài Gòn còn rất nhiều con đường, khu chợ đầy ắp hàng Bắc mà người ta chỉ đứng ở đó như thấy, như ngửi được cả màu sắc, mùi vị quê nhà.
Xưa cũ có lẽ là các khu chợ nổi tiếng Ông Tạ (Q.Tân Bình), Hòa Hưng (Q.10), Xóm Mới (Q.Gò Vấp) đã sung túc theo dòng người Bắc di cư vào Nam từ hồi năm 1954. Những ngày này, người ta đến chợ như lạc vào "cánh đồng" lá dong và lạt tre gói bánh chưng, rồi muốn cầu kỳ thêm phong vị nấm hương, tiêu Bắc, măng khô cũng đầy ắp ở các sạp chợ.
Bà Trần Thị Phương kể mình đã gắn bó với khu chợ Ông Tạ từ lúc còn lẫm chẫm những năm 1950. Hồi cha mẹ còn sống, tết nào bà cũng được dẫn ra đây để nhắc nhớ quê hương. Cha bà lựa thuốc lào, điếu bát, kể cả lạt tre và "cuốc lủi" được nấu đúng kiểu gia truyền Làng Vân.
Mẹ bà tỉ mẩn tìm từng món ngon cho mâm cúng ngày 30 tết không thiếu bánh chưng, giò chả, tô miến dong và chén mắm dậy mùi vị Hà Nội. Thậm chí mẹ bà còn không quên lựa những con cua ngon để nấu tô canh rau đay thuần Bắc ăn với cà pháo muối cho chồng con "giải mỡ" những ngày tết.
Bên các chợ Bắc xưa, những năm gần đây khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất mạn Tân Bình và phía Gò Vấp cũng xuất hiện nhiều hàng quán Bắc phục vụ đồng hương mới vào sống đông đúc ở đây. Không chỉ là quán ăn, đó còn là vàng mã, hoa đào, rau quả, bánh kẹo, kể cả gà đồi, lợn núi miền Bắc đều sẵn sàng bán cho "thượng đế" đồng hương.
"Tết nào tôi cũng ra đây tìm vài con gà đồi quê hương về cúng các cụ và cho cha mẹ, con cái thưởng thức hương vị quê nhà. Năm nay, tôi và đồng nghiệp còn chia cả con lợn núi Phú Thọ chở xe tải vào. Cầu kỳ, tốn kém tí nhưng cho cả nhà vui và ngon miệng ngày tết" - chị Phượng, nhân viên của sân bay Tân Sơn Nhất, kể chuyện nhà...
"Trừ Huế ra, không có chỗ mô cá tôm đầm phá Tam Giang tươi ngon, nhiều loại như ri mô chú nờ. Mấy loại ni mua về mà ăn tết thì ngon hết sẩy".
Kỳ tới: Tôm cá Tam Giang ở Sài thành
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận